Đón đầu tăng trưởng du lịch Việt: Cần thêm "cú hích" chính sách

Diendandoanhnghiep.vn Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh và cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (Luật XNC) bổ sung quy định có thể làm hạn chế lực hút của du lịch Việt Nam...

Tại mục 8, sửa đổi bổ sung khoản 1 điều 13 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật XNC có nội dung quy định "Quyết định đơn phương miễn thị thực cho công dân một số nước phải có đủ các điều kiện như: Có quan hệ ngoại giao với Việt Nam; Có chính sách tạo điều kiện thuận lợi trong việc cấp thị thực hoặc đơn phương miễn thị thực cho công dân Việt Nam; Phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại của Việt Nam trong từng thời kỳ; Không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam”.

Như vậy so với Luật XNC 2015, các chuyên gia đánh giá Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật XNC đã được bổ sung như trên, nếu được thông qua sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động du lịch, làm hạn chế khả năng thu hút khách du lịch từ các thị trường trọng điểm. Thậm chí, đi ngược với chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đặc biệt, nếu xét trên quan hệ đối đẳng về chính sách thị thực cho công dân thì Việt Nam nói riêng và một số nước Đông Nam Á nói chung luôn đối mặt với chính sách hạn chế thị thực nhập cảnh do vấn đề nhập cư và lao động.

Mở rộng chính sách miễn thị thực, danh sách cấp visa điện tử và thay đổi hạ tầng thanh toán... được xem là những cú hích cần cho du lịch Việt

Mở rộng chính sách miễn thị thực, danh sách cấp visa điện tử và thay đổi hạ tầng thanh toán... được xem là những cú hích cần cho du lịch Việt

"Du lịch Việt Nam cần thị trường và chính sách đơn phương miễn visa cho một số quốc gia chính là “cú hích” để nâng cao khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực", các chuyên gia khẳng định tại Diễn đàn Du lịch cấp cao Việt Nam 2019 mới đây. Khẳng định là có cơ sở, bởi nhìn lại, Việt Nam chưa được nhiều đối tác "có chính sách tạo điều kiện thuận lợi trong việc cấp thị thực hoặc đơn phương miễn thị thực cho công dân Việt Nam". 

Thống kê cho thấy trong 24 nước được Việt Nam đơn phương miễn visa  3 năm đến 30/6/2020 có 5 nước Tây Âu (Anh, Đức, I-ta-li-a, Pháp, Tây Ban Nha); miễn visa đến 31/12/2019 cho 4 nước Bắc Âu (Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan, Thụy Điển), 2 nước Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc) và Nga. Đây đều là những thị trường lớn của du lịch Việt Nam (Châu Âu chiếm trên 6% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam), Nhật Bản (chiếm 5,4%), Hàn Quốc (chiếm 22%), Nga (chiếm 3,9%).

Những năm qua, nhờ chính sách miễn thị thực đơn phương, các thị trường khách này được hưởng miễn visa vào Việt Nam đều có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Giai đoạn 2004-2018, lượng khách Nhật Bản tăng trung bình 8%/năm, Hàn Quốc tăng trung bình 20%/năm; Giai đoạn từ 2005-2018, lượng khách từ các nước Tây Âu tăng 9%/năm; từ 7/2015 - 2018, lượng khách từ các nước Bắc Âu tăng trung bình 15%/năm.

Tuy vậy, như đã nêu, so sánh với một số quốc gia trong khu vực, chính sách visa của Việt Nam được đánh giá là chưa đủ thông thoáng và rất kém cạnh tranh. Hiện nay, Việt Nam mới miễn visa cho 24 quốc gia trong khi đó Malaysia miễn thị thực cho 160 quốc gia và vùng lãnh thổ, Singapore miễn 158 quốc gia và vùng lãnh thổ, Thái Lan miễn 60, Indonesia miễn 170 nước. Thời gian miễn thị thực từ 30-90 ngày...

Cũng theo đánh giá, Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa của thúc đẩy tăng trưởng du lịch mạnh mẽ. Theo nghiên cứu của VISA, tổ chức thanh toán quốc tế, tính đến năm 2025 sẽ có hơn 280 triệu gia đình đi du lịch nước ngoài và khoảng 2/5 trong số đó là các gia đình ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Nhiều du khách có nguồn kinh phí dồi dào để chi tiêu nhằm tận hưởng kỳ nghỉ, nhưng đồng thời, họ cũng không muốn phải mang theo số lượng tiền nội tệ cần thiết khi du lịch.

Do đó, đại diện VISA cho rằng bên cạnh các hoạt động đồng bộ về cởi mở chính sách, xúc tiến thương mại và hình ảnh du lịch, quảng bá sản phẩm...cần có sự chuẩn bị về hạ tầng thanh toán phù hợp cho du khách đến Việt Nam. VISA theo đó đã ký kết hợp tác với Hội đồng Tư vấn Du lịch Việt Nam (Tourism Advisory Board – TAB) nhằm thu hút khách du lịch và tăng cường trải nghiệm du lịch tại Việt Nam. 

Bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa Việt Nam và Lào cho biết dự án này nhằm tăng lượng du khách đến Việt Nam, đồng thời thúc đẩy doanh thu du lịch của quốc gia. "Qua việc chia sẻ những hiểu biết về chi tiêu của khách du lịch quốc tế trong các kỳ nghỉ tại Việt Nam, chúng tôi hi vọng có thể hỗ trợ Hội đồng trong việc xây dựng phương thức rõ ràng hơn, góp phần vào sự phát triển của ngành du lịch. Để tối đa hóa chi tiêu du lịch tại Việt Nam, điều đặc biệt quan trọng là chúng ta phải trang bị cơ sở hạ tầng thanh toán phù hợp, đặc biệt tại các điểm đến thường xuyên của khách du lịch như khách sạn, nhà hàng, công ty lữ hành, chợ đêm. Việc vận dụng mạng lưới toàn cầu của Visa trong việc tăng cường quảng bá dịch vụ du lịch tại Việt Nam đến với du khách sẽ hỗ trợ Hội đồng Tư vấn Du lịch đón dòng khách quốc tế một cách hiệu quả nhất”, bà Dung nói.

Năm 2018, Việt Nam là một trong mười thị trường du lịch phát triển nhanh nhất thế giới, với tổng doanh thu toàn ngành đạt 637 nghìn tỉ đồng. Tuy nhiên, ngành công nghiệp này vẫn đối mặt với nhiều thách thức lớn, như cơ sở hạ tầng chưa phát triển, các vấn đề về nguồn nhân lực và kỹ năng, cũng như mức độ cạnh tranh cao từ các điểm đến du lịch lân cận. Dù Việt Nam đang thúc đẩy việc mở rộng chấp nhận các phương thức thanh toán điện tử, vẫn còn nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng trên toàn quốc mà khách du lịch chỉ có thể thanh toán bằng tiền mặt.

Cùng với thay đổi về hạ tầng thanh toán, tối ưu hóa chi tiêu của khách bằng công nghệ số, các chuyên gia cũng đánh giá ngay cả quy định danh sách các nước có công dân được cấp thị thực điện tử tại Luật sửa đổi, bổ sung Luật XNC cũng cần xem xét bởi có thể sẽ tạo ra sự bó buộc đối với đối tượng công dân được áp dụng thủ tục thị thực điện tử.

Vì ngoài công dân của các nước còn công dân của một số lãnh thổ có quan hệ kinh tế, xã hội, đặc biệt là trao đổi du lịch hai chiều với Việt Nam. Việc đề nghị mở rộng đối tượng được áp dụng thị thực điện tử bao gồm công dân của các quốc gia và lãnh thổ theo đó là cần thiết để gia tăng hàm lượng số hóa ứng dụng vào thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp du lịch.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Đón đầu tăng trưởng du lịch Việt: Cần thêm "cú hích" chính sách tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1715129469 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1715129469 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10