Để tháo gỡ vướng mắc về nguồn vốn cho kinh tế tập thể, theo chuyên gia, cần sự vào cuộc, đồng hành của các cơ quan quản lý, cùng với hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng.
>> Sửa Luật Hợp tác xã: Động lực thúc đẩy phát triển mô hình kinh tế tập thể
Trong những năm qua, hợp tác xã tuy có bước phát triển cả số lượng và chất lượng, song kinh tế tập thể, hợp tác xã ở nước ta phát triển chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, đang có những tồn tại, bất cập, hạn chế cần được quan tâm, giải quyết. Thực tế cho thấy, tín dụng đối với hợp tác xã còn thấp.
Theo số liệu thống kê, đến cuối tháng 2/2024, tín dụng đối với hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã đạt 6.024 tỷ đồng, giảm 1,69% so với cuối năm 2023. Trong đó, tín dụng đối với hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp đạt 2.000 tỷ đồng, cho vay không có tài sản bảo đảm đối với hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã trong nông nghiệp đạt 153 tỷ đồng, cho vay không có tài sản bảo đảm trong nông nghiệp nói chung đạt 647.000 tỷ đồng.
Nguyên nhân chủ yếu là do hợp tác xã thiếu tài sản bảo đảm, thiếu minh bạch tài chính. Ngoài ra, do dịch bệnh và khó khăn của nền kinh tế, cùng với áp lực biến động giá cả hàng hoá, nguyên vật liệu đầu vào nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động đầu tư, kết quả kinh doanh của hợp tác xã, dẫn đến nhu cầu vay vốn tín dụng của hợp tác xã giảm.
Cùng với đó, năng lực nội tại của hợp tác xã còn yếu, hiệu quả hoạt động chưa cao, mô hình tổ chức lỏng lẻo, chưa phù hợp, trình độ cán bộ quản lý hợp tác xã còn hạn chế. Theo đó, hợp tác xã phát triển không đồng đều giữa các địa phương, vùng, miền, giữa khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp, số lượng hợp tác xã tuy tăng, nhưng số lượng thành viên bình quân trong hợp tác xã có xu hướng giảm.
>> Sửa Luật Hợp tác xã: Cần bình đẳng giữa các thành phần kinh tế
Ngoài ra, các hoạt động liên doanh, liên kết giữa các hợp tác xã và giữa hợp tác xã với các tổ chức kinh tế khác chưa phổ biến.
Trước thực trạng nêu trên, định hướng chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã, bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) nhấn mạnh, thời gian tới Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
Đồng thời, đổi mới quy trình, thủ tục cho vay theo hướng đơn giản và phù hợp với đối tượng khách hàng là các hợp tác xã, nhưng vẫn phải bảo đảm đúng quy định của pháp luật và quản lý được chất lượng tín dụng. Nghiên cứu, triển khai các sản phẩm tín dụng phù hợp với đặc thù của kinh tế tập thể, hợp tác xã, tăng cường kết nối để tháo gỡ khó khăn trong vay vốn.
“Ngân hàng Nhà nước sẽ hoàn thiện các cơ chế chính sách tín dụng tạo điều kiện thuận lợi cho vay nói chung và hợp tác xã nói riêng như khảo sát, đánh giá, tổng kết Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp nông thôn để đề xuất sửa đổi bổ sung các quy định tạo thuận lợi tăng cường tiếp cận tín dụng của người dân doanh nghiệp, hợp tác xã...”, bà Phạm Thị Thanh Tùng cho biết.
Xoay quanh vấn đề này, ông Huỳnh Kim Định, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cũng đề nghị, các ngân hàng cần triển khai thí điểm mô hình cho vay thế chấp bằng hợp đồng liên kết sản xuất và thu mua nông sản giữa doanh nghiệp với hợp tác xã, nông dân (mô hình cho vay liên kết theo hợp đồng 3 bên giữa: Ngân hàng - doanh nghiệp đầu chuỗi liên kết thu mua nông sản - hợp tác xã, nông dân).
“Dựa trên hợp đồng liên kết sản xuất - thu mua nông sản và xác nhận của doanh nghiệp đầu chuỗi, các tổ chức tín dụng sẽ thanh toán các khoản đầu tư trực tiếp đến các đơn vị cung ứng vật tư tham gia liên kết và thanh toán trực tiếp tiền thu mua lúa của doanh nghiệp liên kết cho từng hộ nông dân. Mô hình giúp các doanh nghiệp đầu chuỗi giảm áp lực vay vốn tín dụng để đầu tư đầu vào sản xuất và thu mua nông sản”, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn chia sẻ.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Tạ Viết Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm giám đốc hợp tác xã nông trại xanh và phát triển bò Ba Vì (Hà Nội) đề nghị, Chính phủ cần xây dựng cơ chế đặc thù đề phù hợp với từng vùng miền, ngành nghề khác nhau trong cả nước. Bên cạnh đó, cắt giảm các điều kiện, thủ tục không cần thiết khi các hợp tác xã có nhu cầu vay vốn ưu đãi và có phương án thế chấp tài sản hình hành từ vốn vay, thời gian vay vốn dài để đảm bảo duy trì sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, giải quyết bài toán sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ manh mún bằng cách các hợp tác xã tích cực tham gia vào chuỗi giá trị để phát huy tối đa khả năng, tiềm năng của từng hợp tác xã có thể mỗi hợp tác xã chỉ cần làm thật tốt một trong nhiều mắt xích chuỗi để tạo ra gía trị tốt nhất và tối ưu hoá lợi nhuận thành viên.
“Đặc biệt các Quỹ tín dụng quỹ hỗ trợ, hệ thống ngân hàng cũng phải tham gia vào chuỗi giá trị này đây cũng là một mắt xích rất quan trọng trong việc cung ứng vốn kịp thời cho các hợp tác xã có nhu cầu vay vốn cải tiến công nghệ hay mở rộng quy mô sản xuất”, ông Tạ Viết Hùng nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Sửa Luật Hợp tác xã: Động lực thúc đẩy phát triển mô hình kinh tế tập thể
03:30, 20/06/2023
Nghệ An đưa giải pháp nào để tạo “đòn bẩy” cho kinh tế tập thể phát triển?
01:33, 15/06/2023
Hải Dương: Phát triển kinh tế tập thể hướng tới tăng trưởng xanh, bền vững
22:29, 07/04/2023
Tiền Giang nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể
16:49, 17/11/2022
Hiệu quả mô hình kinh tế tập thể Yên Bái
18:04, 22/10/2022