Nếu thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam được cả MSCI và FTSE nâng hạng thì ngay lập tức sẽ có hơn 1 tỷ USD chảy vào thị trường.
Bởi vậy, không chỉ riêng Việt Nam mà nhiều thị trường cận biên khác cũng đang nỗ lực để được nâng hạng lên thị trường mới nổi. Trong nhiều năm qua, Việt nam đã nỗ lực cải thiện nhiều tiêu chí nhằm đưa TTCK từ cận biên lên mới nổi. Tuy nhiên trong kỳ xét duyệt năm 2018 vừa qua, MSCI tiếp tục xếp TTCK Việt Nam vào nhóm thị trường cận biên. Còn FTSE Russell dù đã đưa TTCK Việt Nam vào danh sách theo dõi nhưng cũng chưa có kết luận nâng hạng thị trường.
FTSE Russell đã công nhận 9/21 tiêu chí chung, giúp TTCK Việt Nam lọt vào danh sách xem xét nâng hạng lên thị trường mới nổi loại 2
Cận kề tiêu chí nâng hạng
Đến nay, FTSE Russell đã công nhận 9/21 tiêu chí chung, giúp TTCK Việt Nam lọt vào danh sách xem xét nâng hạng lên thị trường mới nổi loại 2 cùng Argentina và Romania. Hiện tại các quỹ đầu tư - khách hàng của FTSE Russell đang tiếp tục đánh giá những tiêu chí còn lại cho đến tháng 9/2019 và nếu thỏa mãn, FTSE sẽ chính thức nâng hạng TTCK Việt Nam vào tháng 9/2020.
Có thể bạn quan tâm
15:01, 14/04/2018
06:10, 11/04/2018
04:01, 17/07/2017
16:53, 23/03/2017
Trong khi đó, MSCI trong kỳ đánh giá vừa qua vẫn xếp TTCK Việt Nam vào nhóm thị trường cận biên. Dù chưa được đưa vào danh sách xem xét nâng hạng, nhưng việc MSCI nâng hạng TTCK Argentina và Kuwait từ cận biên lên mới nổi đã đẩy TTCK Việt Nam lên dẫn đầu ở thị trường cận biên. Theo đó, tỷ trọng của Việt Nam đã tăng mạnh từ 17,72% lên 28,37% (mô phỏng), và số lượng cổ phiếu Việt Nam cũng tăng từ 17 lên 30. Trong top 10 cổ phiếu trong bảng mô phỏng này, những cổ phiếu có thứ bậc cao của Việt Nam có sự góp mặt của VNM (6,21%), VIC (5,07%) và MSN (2,68%).
Về cơ bản, đánh giá nói trên của MSCI không có nhiều thay đổi so với năm 2017. Ngoại trừ khoản mục “Đăng ký đầu tư và mở tài khoản”, MSCI đưa ra đánh giá tích cực và nâng bậc định tính từ “cần phải cải thiện” lên “không có vấn đề lớn, có thể cải thiện” đối với TTCK Việt Nam. Với các yếu tố định lượng như “Tiêu chí doanh nghiệp, quy mô thị trường hay thanh khoản”, chúng ta đều đạt đối với nhiều doanh nghiệp lớn niêm yết và IPO.
Tuy nhiên, còn rất nhiều chỉ tiêu định tính khác thực sự khó có thể đáp ứng được yêu cầu ngay trong ngày một ngày hai.
Việc nâng hạng lên thị trường mới nổi không chỉ giúp TTCK Việt Nam hút mạnh dòng vốn ngoại, mà còn góp phần nâng thứ hạng của Việt Nam trên thị trường tài chính quốc tế, qua đó việc phát hành trái phiếu, vay nợ ... được thế giới nhìn nhận tích cực hơn.
Để đáp ứng được những tiêu chí nói trên, tất nhiên cần sự vào cuộc của rất nhiều cơ quan ban ngành và các thành viên thị trường. Thị trường đang kỳ vọng Luật Chứng khoán sửa đổi sẽ giúp giải quyết các vấn đề trên. Tuy nhiên, Dự thảo Luật chứng khoán sửa đổi vẫn đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Nếu Dự luật này được thông qua trong kỳ họp Quốc hội sớm nhất trong năm 2019, sẽ giúp MSCI đánh giá tích cực hơn đối với TTCK Việt Nam. Trong trường hợp khả thi nhất, TTCK Việt Nam sẽ được MSCI đưa vào danh sách xem xét đánh giá vào tháng 6/2019 và được nâng hạng sau 1 năm.
Năm 2018 đầy thất vọng đã qua đi, nhưng vẫn có nhiều điểm lạc quan trên thị trường tài chính trong năm 2019. Với nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định và tăng trưởng ở mức cao nhất trong khu vực, Việt Nam đang trở thành điểm sáng trong mắt của các nhà đầu tư ngoại khi tính riêng năm 2018, khối này đã mua ròng hơn 41 ngàn tỷ đồng trên sàn HoSE. Ngoài ra, còn khá nhiều những thương vụ giao dịch bên ngoài sàn giao dịch lên đến hàng trăm triệu USD được ghi nhận như VHM, MSN... và sắp tới là BID hay VCB.
Cơ hội hút vốn ngoại
Trên thế giới hiện có 3 tổ chức lớn về xếp hạng thị trường bao gồm MSCI, FTSE Russell, và S&P Dow Jones. TTCK Việt Nam hiện đang nằm trong nhóm thị trường cận biên của MSCI và FTSE. Thông thường, phân hạng sẽ gồm 3 nhóm chính: cao nhất là thị trường phát triển, thứ hai là thị trường mới nổi, và cuối cùng thấp nhất là thị trường cận biên. Riêng FTSE tách cấp độ mới nổi thành 2 loại là thị trường mới nổi hạng 2 và thị trường mới nổi cấp cao.
Các tổ chức này đánh giá xếp hạng thị trường định kỳ hàng năm chủ yếu tập trung vào các khía cạnh cơ bản như: mức độ phát triển của nền kinh tế, sự ổn định về chính trị, quy mô và tính thanh khoản của thị trường, hiệu quả vận hành của thị trường, khả năng tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài, khả năng lưu chuyển dòng vốn... Tuy nhiên trong toàn bộ các tiêu chí này, nguyên tắc chắc chắn là điều quan trọng bậc nhất. Các tổ chức này đều mong muốn một khi đã đưa thị trường nào đó vào danh sách nâng hạng thì đó là một sự bền vững và ít thay đổi. Điều này sẽ giúp các quỹ đầu tư cũng như các khách hàng của họ tìm thấy cơ hội và không phải thay đổi danh mục đầu tư liên tục. Chính vì vậy, quy trình xét duyệt khá lâu với nhiều tiêu chí khắt khe và đòi hỏi sự đồng lòng của tất cả các thành viên thị trường.
Nâng hạng thị trường là nhiệm vụ lớn đối với ngành chứng khoán nói riêng và ngành tài chính Việt Nam nói chung. Điều này sẽ góp phần nâng cao hình ảnh cho thị trường tài chính Việt Nam. Dù những tổ chức này chỉ đang đại diện cho nhiều quỹ đầu tư xem xét và hướng họ tới khu vực đầu tư, nhưng quyết định của họ giúp nâng thứ bậc xếp hạng của Việt Nam trên thị trường tài chính quốc tế. Khi đó, nhiều hoạt động tài chính khác như phát hành trái phiếu, vay nợ ... được thế giới nhìn nhận tích cực hơn. Nhưng điều quan trọng bậc nhất là việc thu hút dòng vốn ngoại vào TTCK Việt Nam từ các quỹ đầu tư đang chịu tác động của các tổ chức này. Ngoài ra, việc nỗ lực để được nâng hạng thị trường cũng tạo sức ép lớn đối với Việt Nam đẩy mạnh cải cách hơn nữa để TTCK phát triển bền vững.