Các chuyên gia cho rằng, để thúc đẩy tăng trưởng xanh tại Việt Nam, nhiều giải pháp cần được triển khai áp dụng một cách đồng bộ.
Thời gian qua, tại Việt Nam, Đảng và Nhà nước đã dành nhiều sự quan tâm, chú trọng đến phát triển kinh tế xanh, thông qua các văn bản cụ thể hóa định hướng về tăng trưởng xanh như Quyết định số 1393/QĐ-TTg 25/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, sau đó là Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.
Bên cạnh đó, để xây dựng cơ sở giám sát, đánh giá việc thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, ngày 01/11/2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư số 10/2023/TT-BKHĐT quy định Bộ chỉ tiêu thống kê tăng trưởng xanh bao gồm 72 chỉ tiêu, được xếp theo 4 nhóm mục tiêu cụ thể, bám sát Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh.
Có thể thấy, tăng trưởng xanh đang được xem là một xu thế tất yếu trên con đường hướng đến phát triển bền vững của các quốc gia trên thế giới. Việc theo đuổi mục tiêu phát thải ròng bằng 0 phù hợp với xu thế quốc tế chung, sẽ giúp Việt Nam hội nhập quốc tế tốt hơn, tạo thêm điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, các chuyên gia nhấn mạnh, Việt Nam cần xác định những khó khăn, thách thức của mục tiêu này để xây dựng những định hướng chính sách, chuẩn bị phương án chuyển đổi kèm theo các giải pháp, nhiệm vụ, hoạt động phù hợp.
Quan tâm đến vấn đề này, trong phiên thảo luận toàn thể về tình hình kinh tế- xã hội tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, đại biểu Lê Đào An Xuân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên cho biết, mục tiêu và 11 nhiệm vụ giải pháp cho năm 2025 của Chính phủ đã liên tục khẳng định hướng "chuyển đổi xanh" của nước ta. Tại phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo quốc gia về tăng trưởng xanh đã đưa ra các đánh giá thực tiễn dựa trên tình hình trong nước và thế giới để khẳng định mạnh mẽ hơn "tăng trưởng xanh" là cơ hội đột phá và là hướng đi cho Việt Nam, đồng thời, phiên họp cũng đưa ra những kiến nghị để tăng tốc cho tiến trình tăng trưởng xanh ở nước ta.
“Có thể thấy Trung ương đã xác định rất rõ định hướng phát triển xanh, các mục tiêu, chỉ tiêu đã từng bước được lồng ghép trong các chiến lược quy hoạch, kế hoạch phát triển ở các ngành, gắn với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia. Tuy nhiên, ở cấp độ địa phương và cấp độ doanh nghiệp, đặc biệt là lực lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ, tăng trưởng xanh dường như vẫn là một xu hướng của tương lai, chưa thực sự trở thành những bước đi cấp thiết ở hiện tại”, đại biểu này chia sẻ.
Theo đại biểu Lê Đào An Xuân, nhận thức về tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh còn chưa đồng đều; có sự xung đột hoặc trùng lặp nhau khi triển khai các chiến lược có liên quan đến phát triển xanh như chiến lược phát triển bền vững, chiến lược ứng phó biến đổi khí hậu, chiến lược tăng trưởng xanh… gây bối rối cho các địa phương khi thực hiện dẫn đến dàn trải, thiếu trọng tâm; nguồn lực thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh chưa rõ ràng, phần lớn là lồng ghép hoặc từ các nguồn tài trợ, doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ chưa tiếp cận được các thông tin, chưa nhận được các hỗ trợ cụ thể để chuyển đổi xanh.
Để các địa phương, doanh nghiệp có thể chủ động thực hiện đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi xanh, hướng đến đạt các mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững sớm nhất, đại biểu cho rằng cần phát huy vai trò tiên phong, dẫn dắt của Nhà nước trong chuyển đổi xanh thông qua các quy định về mua sắm công xanh.
“Chính phủ cần rà soát, xây dựng các bộ tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật về chuyển đổi xanh trên từng ngành, lĩnh vực. Đồng thời, Chính phủ chỉ đạo rà soát các nghị định liên quan đến sử dụng vốn viện trợ, hỗ trợ để tạo điều kiện cho các địa phương khai thác tốt nguồn lực phục vụ chuyển đổi xanh”, đại biểu đề nghị.
Đồng quan điểm, ThS Lương Hoàng Phương Thảo, Trường Đại học Phenikaa khuyến nghị, Nhà nước cần tăng cường sự phối hợp liên cơ quan để đảm bảo tính thống nhất, đồng thuận và huy động sức mạnh tổng hợp trong các chính sách tăng trưởng xanh, từ đó góp phần giảm sự thiếu nhất quán, thúc đẩy sự nỗ lực hợp tác hành động cả ở cấp trung ương và địa phương. Ngoài ra, Nhà nước cần ban hành cơ chế, chính sách, pháp luật thực hiện tăng trưởng xanh, hướng tới nền kinh tế xanh và phát triển bền vững.
“Đây được xem là giải pháp quan trọng, có ý nghĩa bao trùm, định hướng hành vi của các chủ thể hướng tới mục tiêu phát triển xanh hóa nền kinh tế, giải quyết các vấn đề về kinh tế, môi trường và xã hội. Thêm vào đó, Nhà nước cần định hướng phát triển kinh tế xanh đối với những ngành trọng điểm và nguồn nhân lực đảm bảo thực hiện hiệu quả các mục tiêu đề ra. Đồng thời, chú trọng đầu tư phát triển kinh tế xanh dựa trên cơ sở cách tiếp cận theo ngành, hướng tới mục tiêu bền vững”, ThS Lương Hoàng Phương Thảo nhấn mạnh.
Đặc biệt, các doanh nghiệp nên tiếp tục tăng cường hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế vì mục tiêu bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Bởi vì nền kinh tế xanh có mối quan hệ chặt chẽ với môi trường và sự phát triển bền vững. Việc tham gia các thỏa thuận môi trường quốc tế tạo điều kiện thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh đáp ứng với thách thức môi trường toàn toàn cầu. Hợp tác quốc tế là cơ hội thuận lợi để tham khảo kinh nghiệm của các nước đã thành công trong mô hình phát triển nền kinh tế xanh và vận dụng vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, tạo thêm nhiều cơ hội để vận động các nguồn hỗ trợ của quốc tế cho mục tiêu tăng trưởng xanh hướng tới phát triển bền vững.