VCCI

Đồng hành cùng doanh nghiệp tăng trưởng xanh

Bùi Hiền - Thu Duyên 12/11/2024 02:58

Chuyển đổi xanh vẫn còn là nhiệm vụ phức tạp, đòi hỏi sự hợp tác của nhiều bên, cùng chung tay hỗ trợ doanh nghiệp sớm đạt mục tiêu tăng trưởng xanh.

Phóng viên Diễn đàn doanh nghiệp đã có buổi trao đổi cụ thể với TS. Đặng Hồng Hạnh – Đồng sáng lập, Giám đốc Điều hành Công ty Cổ phần Tư vấn Năng lượng và Môi trường (VNEEC), Chuyên gia về biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính để hiểu sâu về việc triển khai nhiệm vụ cấp thiết này trong thời gian tới.

ts-dang-hong-hanh.png
TS. Đặng Hồng Hạnh – Chuyên gia về biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính

- Bà có đánh giá ra sao về hiện trạng chuyển đổi xanh của các doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay?

Chuyển đổi xanh hay tăng trưởng xanh đang là chủ trương quyết liệt của Đảng và Nhà nước và cũng đã được khẳng định là xu thế tất yếu trong bối cảnh hiện nay. Song, từ việc đưa ra các chiến lược quốc quốc cho đến việc thực hiện tại các doanh nghiệp địa phương vẫn còn một khoảng cách dài. Trong quá trình chúng tôi làm việc, trao đổi với doanh nghiệp, việc hiểu được đúng khái niệm chuyển đổi xanh hay tăng trưởng xanh đã là một thách thức. Từ đó, việc thực hiện các giải pháp thực sự dẫn tới việc chuyển đổi xanh đã trở thành một thách thức đối với các doanh nghiệp. Chính vì thế, vẫn đang có một khoảng cách cách biệt giữa việc thực hiện giữa doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp trong nước với quy mô lớn có nguồn lực, được tiếp cận với đội ngũ chuyên gia lớn với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Họ vẫn còn một khoảng cách khá lớn giữa việc hiểu và thực hành: từ nhận thức đến thực hành các biện pháp chuyển đổi xanh.

- Theo bà, để thực hiện được nhiệm vụ tăng trưởng kinh tế xanh và giảm phát thải ròng về 0, các doanh nghiệp tại Việt Nam có lợi thế và những thách thức ra sao?

Các doanh nghiệp tại Việt Nam có một lợi thế về các chính sách, chủ trương rất rõ ràng, cùng sự quyết liệt của Đảng và Nhà nước về thực hiện tăng trưởng xanh, hướng tới mục tiêu chung đưa phát thải ròng về 0. Chúng ta đã có rất nhiều chính sách và khung pháp lý tốt. Đồng thời, Việt Nam cũng nằm trong khu vực có sự chuyển dịch sang xanh, phát thải carbon thấp rất mạnh mẽ. Trong những năm qua, đối với việc chuyển đổi xanh ở Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể như chuyển dịch từ việc sử dụng năng lượng truyền thống, năng lượng tái tạo, đã được đánh giá là một trong những quốc gia đi đầu trong khu vực. Việt Nam đang có đà rất tốt để thực hiện việc chuyển đổi xanh này.

Song, việc nhận thức, nguồn lực, tín dụng trong doanh nghiệp vẫn còn rất hạn chế. Từ nhận thức để đưa đến nguồn lực cần phải có sự hỗ trợ đáng kể của nhà nước, cộng đồng, ở đây là cả VCCI.

kcn-deep-c.jpg
Việc thực hiện chuyển đổi xanh tại các doanh nghiệp ở Việt Nam vẫn cần thêm nhiều chính sách để tạo đột phá hơn nữa

- Tăng trưởng xanh là một nhiệm vụ phức tạp và đòi hỏi sự hợp tác của các bên liên quan. Với mục tiêu giảm phát thải ròng về 0 và tăng trưởng xanh, bà đánh giá vai trò của địa phương và vai trò của VCCI trong việc chung tay đồng hành cùng doanh nghiệp chuyển đổi xanh?

Như chúng ta thấy, Nhà nước thực hiện nhiệm vụ đưa ra các chủ trương, chính sách để đạt mục tiêu tăng trưởng xanh, giảm phát thải ròng về 0. Nhưng việc thực hành hoàn thành các nhiệm vụ trên lại diễn ra tại địa phương, doanh nghiệp. Chính vì vậy, doanh nghiệp có vai trò thiết yếu trong việc đóng góp thực hiện các mục tiêu chung của quốc gia, địa phương. Chúng ta phải có các kế hoạch cụ thể, thiết thực của địa phương với doanh nghiệp.

Thế nên, cần phải trang bị đầy đủ kiến thức cho các doanh nghiệp để họ có nhận thức đúng, chuẩn bị sẵn sàng về nhân lực. Sau khi thực hiện xong sẽ tiếp tục hỗ trợ về các nguồn lực để xem doanh nghiệp thực sự đang cần gì. Qua những hỗ trợ về tài chính, công nghệ, thiết lập quan hệ với đối tác quốc tế, chuyên gia. Từ đó, VCCI có vai trò kết nối, tập hợp các doanh nghiệp trên toàn quốc. VCCI sẽ tìm được các cá nhân điển hình tiên tiến, nhân rộng hơn nữa các tấm gương này đến cụ thể từng doanh nghiệp. Đồng thời, khi có các tham vấn đặc biệt về chính sách, VCCI sẽ có tiếng nói chung, đầy sức nặng trong việc truyền đạt các kiến nghị, thông điệp đến các cơ quan Nhà nước.

Tôi cũng kỳ vọng rất nhiều về vai trò của VCCI sẽ là tổ chức tập hợp, kết nối. Bên cạnh đó, còn thực hiện rất nhiều các hành động cụ thể như tăng cường năng lực cho lãnh đạo địa phương, doanh nghiệp. Đồng thời, tổ chức các diễn đàn kết nối cho doanh nghiệp, thậm chí là thực hiện các hoạt động thí điểm để có thể cho doanh nghiệp thấy mô hình thực tế. Các doanh nghiệp vẫn đang rất thiếu các mô hình thực tế để các doanh nghiệp có thể học theo. VCCI còn có nhiệm vụ quan trọng là thực hiện ghi nhận những nỗ lực, công nhận các chỉ số PGI, PCI… của địa phương. Thời gian tới, tôi hi vọng VCCI có thể nhân rộng các chỉ tiêu này, chuyên sâu hơn, thậm chí là xây các chỉ tiêu mới phù hợp với việc tăng trưởng xanh trong thời gian tới.

- Vậy, bà có kiến nghị gì đối với các cơ quan chính quyền trong câu chuyện hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh về chi phí, nguồn lực… hay không?

Theo tôi, thời gian tới, chúng ta cần hiện thực hóa việc đưa ra chiến lược, chính sách thực tế, sát với mục tiêu tăng trưởng phát triển của địa phương, phản ánh đúng bức tranh phát triển của doanh nghiệp để vẽ ra bài toán cụ thể, phù hợp với nhiệm vụ phát triển từng vùng.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần có sự hỗ trợ về các khung chính sách, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận được những công nghệ, nguồn vốn tốt để thúc đẩy việc chuyển đổi xanh. Thêm nữa, các sở ban ngành cần phải tích cực thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo nhân lực phù hợp với từng vị trí công việc cho vùng miền, đổi mới sáng tạo công nghệ, sản xuất cũng là nhiệm vụ cần phải đẩy mạnh hơn nữa để sớm đạt mục tiêu chuyển đổi xanh đã đề ra.

- Trân trọng cảm ơn bà!

    (0) Bình luận
    Nổi bật
    Mới nhất
    Đồng hành cùng doanh nghiệp tăng trưởng xanh
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO