Đồng bộ giải pháp vốn

TS NGUYỄN HOÀNG HIỆP, Chuyên gia* 06/08/2023 04:00

Liên tiếp các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng, giảm lãi vay, tăng hấp thụ vốn trong nền kinh tế, đã được ban hành.

p/Những tháng đầu năm 2023, NHNN đã 4 lần điều chỉnh hạ các loại lãi suất điều hành. Nguồn: Minh Quang tổng hợp

Những tháng đầu năm 2023, NHNN đã 4 lần điều chỉnh hạ các loại lãi suất điều hành. Nguồn: Minh Quang tổng hợp

>>> Doanh nghiệp khó khăn, ưu đãi thuế là biện pháp hỗ trợ hàng đầu

Theo đó, ngày 27/7, Thủ tướng đã ký văn bản 687/TTg-KTTH về các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp. Ngày 31/7/2023, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 297 kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023.

Yêu cầu giảm lãi suất vay

Các văn bản đều chỉ đạo, yêu cầu ngành ngân hàng các cơ quan liên quan thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng, giảm mặt bằng lãi suất cho vay.

Chúng ta thấy rằng, về chủ trương, Thủ tướng chỉ đạo NHNN phối hợp với các bên điều hành chính sách tiền tệ chủ động, kịp thời, linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hoà với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, nhanh chóng, dứt khoát để ưu tiên tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt để giảm mặt bằng lãi suất, nhất là giảm lãi suất cho vay.

Về lãi suất, trong 6 tháng đầu 2023, NHNN đã 4 lần điều chỉnh hạ các loại lãi suất điều hành, đưa nhiều loại lãi suất về mức thấp ngang đại dịch. Đây là nỗ lực lớn của NHNN trong lựa chọn nới lỏng tiền tệ, khi Việt Nam cùng với một số rất ít quốc gia (như Trung Quốc, Nhật Bản) đang “đi ngược” xu hướng của các NHTW lớn trên thế giới là tiếp tục thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát.

Hiện, Việt Nam có lợi thế là lạm phát đang ở mức thấp, hoàn toàn trong mục tiêu kiểm soát. Nhưng với nền kinh tế có độ mở lớn, các cân đối lớn phải tính toán cả dòng vốn chảy vào, tỷ giá… và lạm phát luôn có thể bị thế giới tác động không chỉ qua đồng tiền mà còn qua giá cả hàng hóa, đặc biệt năng lượng và nguyên vật liệu cơ bản đầu vào của sản xuất… Do đó, có thể NHNN sẽ phải cân nhắc để tính toán phương hạ lãi suất điều hành không theo hướng hoàn toàn mở rộng và hạ sâu.

>>>Áp lực chính sách tiền tệ và bài học cho Việt Nam

Giảm lãi vay trên quan hệ cộng sinh

Vậy mấu chốt của việc giảm mặt bằng lãi suất ở đây là giảm huy động, giảm lãi vay. Điều này phụ thuộc vào sự cân đối của hệ thống ngân hàng, đối với chi phí vốn, rủi ro của khoản vay. Theo kết quả kinh doanh 6 tháng của các ngân hàng, tuy ngành không còn “siêu lãi” và đang bị ảnh hưởng bởi sự giảm tốc của tăng trưởng tín dụng, nhưng đây vẫn là ngành còn có “của ăn của để”. Việc giảm tốc từ tăng trưởng tín dụng đến lợi nhuận ngược lại cho thấy mối quan hệ cộng sinh giữa ngân hàng - doanh nghiệp.

Trong văn bản, Thủ tướng chỉ đạo NHNN khẩn trương thanh tra, kiểm tra, giám sát các ngân hàng thương mại trong hoạt động cấp tín dụng, rà soát lại toàn bộ các thủ tục, điều kiện cấp tín dụng và có các giải pháp quyết liệt, kịp thời, thực chất để tăng nhanh khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp, người dân.

Đây là điều hết sức cần thiết và khác với hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát mọi năm của ngành ngân hàng. Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, NHNN sẽ giám sát sát sao vấn đề triển khai giảm lãi suất và cấp tín dụng của các NHTM. Theo đó, hy vọng ngành ngân hàng sẽ thực sự chấp nhận “hy sinh”, có động lực phấn đấu tiết giảm chi phí, giảm chi tiêu, cắt bỏ những thủ tục hành chính không cần thiết, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để có dư địa giảm lãi suất, tăng khả năng tiếp cận tín dụng, tạo thuận lợi cho khách hàng theo tinh thần lợi ích hài hòa, khó khăn chia sẻ mà Thủ tướng đã yêu cầu.

Cùng với đó, ngân hàng phải đẩy mạnh số hóa. Song song cắt giảm chi phí vận hành ngân hàng, tối ưu hóa nhân sự, chi nhánh hoạt động, cần đẩy cao hiệu quả bằng cách ứng dụng ngân hàng số thay cho các điểm giao dịch truyền thống sẽ cải thiện lợi nhuận khi phải điều chỉnh lãi suất vay tiến đến mục tiêu “ Internet only bank” mà Hàn Quốc đang thực hiện rất thành công.

Về các gói tín dụng

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu NHNN chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương có các giải pháp khả thi, hiệu quả đẩy mạnh triển khai thực hiện gói tín dụng 40 nghìn tỷ đồng hỗ trợ lãi suất và 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội. Rà soát lại các điều kiện cho vay thuận lợi, kiểm soát được và hiệu quả.

Các

Nên chăng cần có các gói tín dụng đi thẳng vào đặc thù từng ngành nghề để hỗ trợ doanh nghiệp theo từng ngành có điều kiện tiếp cận. Ảnh nguồn: BVB

Các vấn đề đã và đang triển khai có một số vướng mắc cơ bản: Thứ nhất, gói tín dụng 40.000 tỷ hỗ trợ lãi suất đã được các NHTM và doanh nghiệp thông tin rất nhiều về những khó khăn, vướng mắc, khi triển khai và tiếp cận vốn. Các điều kiện ngặt nghèo ra sao, việc tiếp cận sau đó lo trách nhiệm hậu kiểm như thế nào… đều đã được nêu khá rõ. Vậy vấn đề nằm ở chỗ có 2 tình huống: Nếu không tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc, các quan ngại trong lòng doanh nghiệp tiếp cận và ngân hàng triển khai, nên chăng cần sớm có đề xuất điều chuyển linh hoạt (do đây là chương trình Nghị quyết Quốc hội).

Thứ hai, song song nên chăng cần có các gói tín dụng đi thẳng vào đặc thù từng ngành nghề để hỗ trợ doanh nghiệp theo từng ngành có điều kiện tiếp cận (như gói 15.000 tỷ của Lâm, Thủy sản).

Với gói 120.000 tỷ, câu chuyện phụ thuộc vào nỗ lực doanh nghiệp làm nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Tăng trưởng GDP Việt Nam có mục tiêu cao trong năm nay, trong đó vẫn kỳ vọng lớn vào xuất khẩu. Khi xuất khẩu khó khăn, sản xuất công nghiệp, chế biến chế tạo đều suy giảm. Những hỗ trợ trước mắt để thúc đẩy khơi thông thị trường xuất khẩu cho doanh nghiệp và song song xây thị trường trên sân nhà cần được đẩy mạnh hơn nữa, quyết liệt hơn nữa.

Bên cạnh đó đừng quên các chính sách hỗ trợ dài hạn để doanh nghiệp có điều kiện chuyển đổi xanh, tiến đến đáp ứng các xu hướng, các hàng rào kỹ thuật mới.

Về phía doanh nghiệp, cũng phải củng cố về năng lực tài chính, nâng cao năng lực quản trị, minh bạch hoạt động, tạo dựng niềm tin để chủ động về nguồn vốn, có thể huy động các kênh vốn trung dài hạn như phát hành trái phiếu hiệu quả… 

*TS Nguyễn Hoàng Hiệp, Giám đốc Điều hành SQV International, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học & Kinh tế ứng dụng  

Có thể bạn quan tâm

  • Giải ngân vốn đầu từ công: Khó giải bài toán đền bù, giải phóng mặt bằng

    Giải ngân vốn đầu từ công: Khó giải bài toán đền bù, giải phóng mặt bằng

    05:07, 04/08/2023

  • Vì sao chuyển đổi số ở DN nhà nước chưa được như kỳ vọng?

    Vì sao chuyển đổi số ở DN nhà nước chưa được như kỳ vọng?

    20:12, 02/08/2023

  • Vay vốn lãi suất hấp dẫn chỉ từ 7%/năm tại BIDV dành cho cá nhân

    Vay vốn lãi suất hấp dẫn chỉ từ 7%/năm tại BIDV dành cho cá nhân

    04:50, 03/08/2023

  • “Vua tôm” Minh Phú sụt giảm 93% lợi nhuận, kỳ vọng phục hồi vào cuối năm

    “Vua tôm” Minh Phú sụt giảm 93% lợi nhuận, kỳ vọng phục hồi vào cuối năm

    16:06, 02/08/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đồng bộ giải pháp vốn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO