Động lực cho tăng trưởng kinh tế và cổ phiếu ngành dịch vụ hàng không?

Lê Mỹ 22/02/2018 09:10

Sự nổi lên của tầng lớp trung lưu và giàu có (MAC) được cho là một trong những động lực để giúp ngành du lịch nội địa tăng trưởng vững chắc với trên 2 con số.

Cùng với đó, mục tiêu đạt mốc xấp xỉ 15 triệu khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong năm 2018 có thể khả thi, sẽ là trụ cột nâng đỡ ngành du lịch đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng kinh tế, đồng thời, nâng đỡ cổ phiếu ngành dịch vụ du lịch tiếp tục hấp dẫn dài han.

Công ty tư vấn quản lý hàng đầu thế giới Boston Consulting Group (BCG) nhận định, tầng lớp trung lưu và giàu có (MAC) với thu nhập từ 190 đô la Mỹ/ tháng, có mức tăng trưởng ấn tượng với CAGR (tăng trưởng lũy kế hàng năm) xấp xỉ 13%/ năm, từ mức 12 triệu người năm 2012 có thể đạt đến 33 triệu người vào năm 2020 và chiếm 1/3 dân số Việt Nam, sẽ là một trong những động lực tăng trưởng lớn cho nhiều ngành và nền kinh tế của Việt Nam.

Cơ hội tỏa sáng của ngành du lịch

Dự kiến thu nhập bình quân/người/năm ước xấp xỉ 3,300 USD vào năm 2020 sẽ thúc đẩy mức chi tiêu vượt trội tại thị trường nội địa. Điều đó lý giải vì sao cùng với sức hấp dẫn về dân số xấp xỉ 100 triệu dân, Việt Nam cũng được đánh giá là một trong những thị trường chi dùng tương lai "mạnh tay" và  màu mỡ đặc biệt đối với các ngành hàng dịch vụ và thu hút ngày càng đông các nhà đầu tư sản xuất, bán lẻ quốc tế tham gia khai phá thị trường.

Các dịch vụ tăng trưởng vững chắc với sự cải thiện hạ tầng du lịch

Các dịch vụ tăng trưởng vững chắc với sự cải thiện hạ tầng du lịch

Đối với ngành du lịch, chi dùng nội địa cũng là một trong những trụ đỡ quan trọng. Trong số hơn 80 triệu lượt khách mà ngành du lịch phục vụ năm 2017, có 73 triệu khách nội địa và hơn 12 triệu khách quốc tế. Nếu so với tăng trưởng về lượt khách nội địa từ 35 triệu người ở 2013 đến con số gấp đôi ở năm vừa qua, nhu cầu du lịch nội địa đã và đang không ngừng tăng và được hiện thực bằng việc người dân sẵn sàng chi trả cho các dịch vụ tiêu dùng, trải nghiệm, khám phá mọi miền đất của Tổ quốc.

Theo khảo sát, có tới 44% người Việt sẵn sàng chi cho du lịch, giáo dục, thời trang và sản phẩm công nghệ sau khi chi trả cho các nhu cầu cơ bản. Dự báo, tăng trưởng kinh tế tiếp tục khởi sắc ổn định ở mức 6,7% theo mục tiêu đề trong năm nay và thu nhập người dân tiếp tục tăng - tiền đề cho ngành du lịch cất cánh đã khá rộng mở.

Tăng trưởng khách du lịch quốc tế mạnh mẽ và ổn định trên 2 con số cho phép Việt Nam 'mơ

Tăng trưởng khách du lịch quốc tế mạnh mẽ và ổn định trên 2 con số cho phép Việt Nam 'mơ" sẽ chạm tới mốc 15 triệu khách quốc tế ngay trong năm nay

Cùng với đó, theo báo cáo phân tích từ KIS, chính sách cởi mở hơn về VISA cho các công dân Tây Âu, khách Trung Quốc qua cửa khẩu Quảng Ninh sẽ được ở lại 3 ngày mà không cần VISA, chương trình cấp VISA online...và sự tăng trưởng vững chắc của ngành dịch vụ du lịch nói chung đang thúc đẩy ngành này tiếp tục thẳng tiến. Từ bán lẻ hàng hóa, du lịch lữ hành, dịch vụ lưu trú ăn uống, các dịch vụ khác, theo KIS, đã có mức tăng trưởng đi lên kể từ 2010-2017. Nhìn nhận ở góc độ nền tảng, điều này đã và đang góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, tăng tính cạnh tranh của ngành, không bao gồm tính lượt khách quốc tế đến và quay trở lại, theo "chuẩn" xét tính cạnh tranh ngành du lịch của OECD. 

Sự lên ngôi cổ phiếu hàng không

Cũng theo KIS, trong nhóm dịch vụ du lịch mang tính hạ tầng, sự lên ngôi của hàng không giá rẻ trong giai đoạn 2014-2017 với số lượng ghế bay của các hãng giá rẻ đạt CAGR xấp xỉ 18% đối với chuyến bay ngắn và xấp xỉ 20% đối với chuyến bay dài đã xác thực tính thiết yếu và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp dịch vụ theo mô hình này. 

Cần lưu ý, KIS khẳng định, các thị trường lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, nơi mà các tuyến phục vụ nhu cầu di chuyển du lịch, giao thương đã được ngành hàng không chú trọng khai thác và đang nỗ lực khai phá thêm, đặc biệt với thị trường Nhật Bản có lượt khách du lịch 2 chiều inbout và outbound tăng mạnh, cũng là cơ hội gia tăng doanh số, khai thác hiệu quả các chuyến bay của các doanh nghiệp ngành. 

Tổng kết 2017, hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines, có cổ phiếu mã HVN niêm yết tại UPCoM, đã lọt top các doanh nghiệp lãi lớn nghìn tỷ và lãi đột biến vào cuối quý IV/2017. Cụ thể, tính riêng quý IV/2017, lợi nhuận trước thuế  của Vietnam Airlines đạt 526 tỷ đồng trong đó có 313 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế thuộc về công ty mẹ. Tính chung cả năm 2017, doanh số của Vietnam Airlines có mức tăng trưởng 18,4% so với năm trước, đạt trên 83.000 tỷ đồng. Với kết quả đó, Vietnam Airlines có lợi nhuận sau thuế "leo thang" ngoạn mục so với cùng kỳ năm trước, đạt 2.666 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận thuộc về cổ đông công ty mẹ của hãng tăng mạnh nhờ tỷ giá biến động có lợi và hoạt động bán tái thuê đóng góp nhiều hơn vào lợi nhuận khác. Doanh thu đến từ hoạt động bán tái thuê mang về cho Vietnam Airlines 771 tỷ đồng trong năm 2017, gấp 10 lần cùng kỳ.

Với Hãng hàng không Vietjet (VJC-HoSE) có thị phần tăng trưởng ngoạn mục sau 7 năm cất cánh, Công ty này cũng bá lãi sau thuế cả năm trên 4.500 tỷ đồng. Vietjet cũng góp mặt trong top những doanh nghiệp đạt lãi nghìn tỷ năm 2017.

Trong 1 báo cáo, Vietjet Air cũng khẳng định những nền tảng đột phá vượt trội trong giai đoạn với đặt kế hoạch đạt tổng doanh thu từ 2018 lên tới: 50.917 tỷ đồng, số lượng chuyến bay: 123.318 chuyến, đóng góp cho ngân sách: 5.200 tỷ đồng.

Cổ phiếu của HVN và VJC thực tế cũng đã đạt mức tăng trưởng ngoạn mục và phản ánh phần nào kỳ vọng của nhà đầu tư vào giá. Cụ thể cổ phiếu HVN tạm dừng lại mốc 54.900đ/cổ phiếu ở phiên giao dịch khai sàn xuân Mậu Tuất 21/2/2018, đã đạt tăng trưởng giá  hơn 125% so với 6 tháng trước. Cổ phiếu VJC cũng đạt tăng trưởng hơn 126% so với 6 tháng trước, ở mức giá chốt phiên 21/2/2018 đạt 199.000 đồng. Giới chuyên môn dự đoán doanh số sẽ tăng mạnh do du lịch đi lại đột biến trong mùa Lễ Tết cả ở hai thị trường nội địa lẫn quốc của Vietnam Airlines và Vietjet Air, có thể được ghi nhận ngay trong quý I/2018, sẽ kích thích kỳ vọng cổ phiếu của hai hãng hàng không này tiếp tục tăng sau nhịp điều chỉnh cần của một đợt tăng trưởng chung trên toàn thị trường vừa qua.

Thị phần các hãng hàng không nội địa. VJC đang ngày càng gia tăng thị phần và chứng tỏ thành công của mô hình hàng không giá rẻ

Thị phần các hãng hàng không nội địa. VJC đang ngày càng gia tăng thị phần và chứng tỏ thành công của mô hình hàng không giá rẻ

Cũng nhìn nhận ở góc độ đầu tư, bên cạnh kỳ vọng cất cánh cao của cổ phiếu VJC về hoạt động kinh doanh, HVN cũng đang hứa hẹn sẽ gia tăng thanh khoản và hấp dẫn nhà đầu tư khi Nhà nước có kế hoạch thoái vốn tại HVN xuống 82% trong quý I/2018.

Sự lên ngôi của cổ phiếu hàng không dĩ nhiên không thể thiếu vắng thăng hoa cổ phiếu dịch vụ hàng không. ACV, SAS...vẫn đã và đang là mục tiêu được nhà đầu tư trông đợi sẽ hưởng lợi từ cơ hội của ngành du lịch nói chung. Đáng lưu ý tại ACV, Nhà nước cũng đã có kế hoạch thoái vốn xuống 75% tương đương sẽ có tới 435,4 triệu cổ phần được chào bán ra ngoài. Thời điểm thoái vốn tại ACV cũng dự kiến ngay trong năm nay và quý 3/2018.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Động lực cho tăng trưởng kinh tế và cổ phiếu ngành dịch vụ hàng không?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO