Trong bối cảnh SCB đang đối diện với những vấn đề nghiêm trọng, phương án mua bán sáp nhập (M&A) ngân hàng cũng có thể là hướng được cân nhắc.
LTS: Sau 2 thương vụ chuyển giao (CGBB) hoàn tất, thị trường M&A ngân hàng vẫn còn để ngỏ những thương vụ khác trong khi "cánh cửa bản lề" của năm 2024 dần khép lại. Động lực M&A nào cho thị trường để hoàn tất các thương vụ theo đề án đến 2025?
Sau khi bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị bắt vào tháng 10/2022, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) đã trải qua một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Khách hàng lo ngại về sự ổn định của ngân hàng dẫn đến việc rút tiền hàng loạt, gây áp lực lớn lên thanh khoản của SCB. Trước tình hình đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã phải can thiệp bằng cách cung cấp hỗ trợ thanh khoản đáng kể để duy trì hoạt động của SCB và bảo vệ lợi ích của người gửi tiền. Tuy nhiên, việc bơm tiền vào SCB đã làm tăng cung tiền lên 15% - tương đương với 6% GDP Việt Nam, gây gia tăng áp lực lạm phát.
Từ vụ việc của SCB cũng đã làm rõ những lỗ hổng trong quản lý và giám sát ngân hàng tại Việt Nam. Đặc biệt, việc SCB cấp tín dụng quá mức cho các công ty liên quan đến Vạn Thịnh Phát, cho thấy sự thiếu hiệu quả trong việc kiểm soát rủi ro và tuân thủ quy định. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc cải thiện cơ chế giám sát và quản trị trong ngành ngân hàng.
NHNN đã nhận ra sự cần thiết của việc cải cách và tăng cường giám sát hệ thống ngân hàng. Các biện pháp được triển khai nhằm nâng cao chất lượng quản trị, tăng cường kiểm soát rủi ro và đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật, nhằm ngăn chặn các vụ việc tương tự trong tương lai. Đến nay, SCB vẫn đang hoạt động dưới sự kiểm soát đặc biệt của NHNN. Chính phủ cũng đã có chỉ đạo NHNN khẩn trương hoàn thiện phương án xử lý đối với ngân hàng SCB trong tháng 12/2024.
Từ đánh giá của cá nhân tôi, NHNN sẽ vẫn tiếp tục hỗ trợ việc tái cơ cấu tại ngân hàng SCB để đảm bảo quyền lợi cho người dân, người gửi tiền. Đây là một động thái cần thiết nhằm ngăn chặn rủi ro lan tỏa đến toàn bộ hệ thống ngân hàng. Bên cạnh đó, cần xử lý tài sản của bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm để khắc phục hậu quả và bù đắp chi phí tái cơ cấu cho ngân sách. Tuy nhiên, việc xử lý tài sản có thể không dễ dàng do các vướng mắc về pháp lý.
Trong bối cảnh SCB đang đối diện với những vấn đề nghiêm trọng, phương án mua bán sáp nhập (M&A) ngân hàng cũng có thể là một trong những hướng đi được cân nhắc để giải quyết.
Tuy nhiên, M&A ngân hàng là cả quá trình phức tạp và có thể kéo dài từ vài tháng đến vài năm, tùy vào tình hình cụ thể. Quy trình này có thể được thực hiện theo các bước cơ bản như:
Thứ nhất, NHNN và các tổ chức tài chính sẽ cần thực hiện một cuộc kiểm toán toàn diện để đánh giá tình hình tài chính, nợ xấu, thanh khoản và các yếu tố liên quan đến SCB. Sau đó lựa chọn đối tác mua lại hoặc sáp nhập, nhưng phải có đủ khả năng tài chính, chiến lược phát triển dài hạn và có thể tiếp quản hoạt động của SCB hiệu quả.
Thứ hai, một trong những bước quan trọng là định giá tài sản, nợ xấu... Việc này giúp các bên tham gia M&A xác định giá trị thực tế của ngân hàng và đưa ra các điều khoản thương thảo hợp lý. Trong đó bao gồm tỷ lệ sáp nhập, điều kiện ràng buộc, các khoản nợ xấu, cam kết bảo vệ quyền lợi người lao động và người gửi tiền.
Thứ ba, các bên liên quan sẽ phải xin phê duyệt từ NHNN và các cơ quan quản lý khác. Khi các điều kiện đã hoàn tất, quá trình sáp nhập sẽ diễn ra, bao gồm việc chuyển giao tài sản, khách hàng, nhân sự và các hoạt động kinh doanh. Quá trình này có thể kéo dài một thời gian để đảm bảo việc chuyển giao thuận lợi.
Việc thực hiện M&A đối với SCB cần được tiến hành cẩn trọng, tuân thủ các quy định pháp luật và đảm bảo quyền lợi của tất cả các bên liên quan, đặc biệt là khách hàng và người lao động. Sự phối hợp chặt chẽ giữa SCB, đối tác M&A và các cơ quan quản lý sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo thành công của quá trình này.