Giai đoạn đầu, cảng Liên Chiểu sẽ đáp ứng thông qua lượng hàng đến 5,0 triệu tấn/năm, là động lực mới cho Đà Nẵng cũng như miền Trung để phát triển công nghiệp, cảng biển, logictics,...
>>“Hộ chiếu xanh” để doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị toàn cầu
Dự án Đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng - Phần cơ sở hạ tầng dùng chung, với tổng mức đầu tư 3.426,3 tỷ đồng đã chính thức khởi công.
Động lực cho cả vùng kinh tế
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Cảng biển Đà Nẵng là cảng biển lớn nhất khu vực Miền Trung được quy hoạch tiềm năng thành cảng biển đặc biệt. Trong đó, Liên Chiểu là khu bến chính đóng vai trò là cảng cửa ngõ quốc tế khu vực Miền trung, tiếp nhận tàu có trọng tải 100.000DWT và lớn hơn, quy mô gồm các bến container, tổng hợp, hàng rời, bến cảng hàng lỏng/khí và các bến công vụ, sà lan.
Cảng Liên Chiểu (TP. Đà Nẵng) được quy hoạch với tổng diện tích 450 ha, gồm khu bến container tiếp nhận được tàu đến 8.000 Teus (giai đoạn 1) và định hướng tiếp nhận các tàu đến 18.000 Teus (tương đương 200.000 DWT) trong dài hạn. Ngoài ra, còn có khu bến tổng hợp với tổng số lượng bến và chiều dài 06 bến/1.550m, tiếp nhận tàu có trọng tải 100.000DWT, khu bến thủy nội địa với tổng chiều dài tuyến bến 1.200m tiếp nhận tàu trọng tải đến 5.000DWT để phục vụ gom/chia hàng cho khu bến container, tổng hợp đến các cảng biển, thủy nội địa khác trong cả nước.
Giai đoạn đầu, cảng Liên Chiểu sẽ đáp ứng thông qua lượng hàng đến 5,0 triệu tấn/năm (Ảnh: Tuấn Vỹ).
Theo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, cảng Liên Chiểu sẽ là điểm sáng tạo bứt phá không chỉ với ngành vận tải, logistics mà ngành du lịch và dịch vụ Đà Nẵng cũng sẽ được hưởng lợi, tạo thành mạng lưới thương mại quốc tế đa diện, mở rộng không gian phát triển không chỉ cho Đà Nẵng mà cho cả khu vực Miền Trung. Qua đó, đảm bảo quốc phòng, an ninh, giữ vững “phên dậu, mạng sườn” tiền tiêu cho Tổ quốc, góp phần làm tăng vị thế của vịnh Đà Nẵng trên bản đồ các vịnh biển của Việt Nam và khu vực.
Tuy nhiên, Chủ tịch nước cũng đã lưu ý việc Nhà nước đầu tư cảng Đà Nẵng không có nghĩa là đầu tư riêng cho Đà Nẵng mà đầu tư cho cả Vùng miền Trung. Bởi lẽ, nếu chỉ một mình quy mô kinh tế của Đà Nẵng khai thác cảng thì sẽ không thể đủ quy mô kinh tế hiệu quả, khi đó việc đầu tư là không cần thiết, thay vào đó phải hướng đến quy mô kinh tế cả vùng hay ít nhất là các tỉnh lân cận phải cùng chia sẻ không gian và hạ tầng chung, khi đó mới phát huy hiệu quả và lợi thế cạnh tranh cảng biển.
“Chính quyền, nhà đầu tư cũng như các bên liên quan chú ý đến thi công công trình gương mẫu, tiên tiến, không thất thoát, không tham nhũng, đúng tiến độ và đưa vào sử dụng năm 2025. Đầu tư ứng dụng các công nghệ hiện đại, nhất là công nghệ tự động hóa, công nghệ số vào quản trị và khai thác cảng biển, hướng đến xây dựng mô hình “cảng xanh” theo xu hướng của thế giới”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu.
Ngoài ra, Chủ tịch nước cũng yêu cầu địa phương đặt mục tiêu giảm chi phí sử dụng hạ tầng cảng biển và logistics nhằm giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp, nâng cao tính cạnh tranh của hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng biển Đà Nẵng. Cùng với đó là đảm bảo tính đồng bộ trong đầu tư hạ tầng kết nối cảng biển và hạ tầng logistics, nhất là hệ thống giao thông liên kết vùng, bao gồm đường bộ, đường sắt, đường thủy, hệ thống kho bãi và các hạ tầng hỗ trợ liên quan,...
Từng bước thu hút đầu tư
Thông tin từ Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh, tốc độ tăng trưởng lượng hàng hóa qua cảng biển Đà Nẵng trong những năm gần đây đạt trung bình 10%/năm. Trong đó, năm 2020 lượng hàng qua cảng Đà Nẵng đạt 11,4 triệu tấn, dự báo sản lượng hàng hóa đạt 50 triệu tấn đến năm 2050.
Theo ông Lê Trung Chinh, dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu với mục tiêu xây dựng cơ sở hạ tầng dùng chung giai đoạn đầu (đầu tư 02 bến khởi động) sẽ đáp ứng thông qua lượng hàng đến 5,0 triệu tấn/năm và phát triển các bến trong giai đoạn tiếp theo theo quy hoạch nhằm giảm tải cho khu bến Tiên Sa. Cùng với đó, sẽ giảm áp lực giao thông đường bộ đi qua nội đô thành phố Đà Nẵng, tăng cường kết nối vùng và liên vùng, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội của thành phố và trong khu vực.
Đầu tư cảng Liê Chiểu là cho cả Vùng miền Trung, bởi lẽ, nếu chỉ một mình quy mô kinh tế của Đà Nẵng khai thác cảng thì sẽ không thể đủ quy mô kinh tế hiệu quả.
“Dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng - Phần cơ sở hạ tầng dùng chung nay là tiền đề thu hút các nguồn lực khác đầu tư, phát triển các bến trong giai đoạn tới theo quy hoạch, giảm tải cho khu bến Tiên Sa, Sơn Trà, tăng cường kết nối vùng và liên vùng, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng và trong khu vực, phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ thúc đẩy phát triển kinh tế biển, cảng biển theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, ông Lê Trung Chinh nói.
Ông Lê Thành Hưng, Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên cho biết các đơn vị thi công sẽ thực hiện hợp đồng trong 1.380 ngày. Theo đó, cảng Liên Chiểu là 01 trong 07 dự án động lực thành phố Đà Nẵng tập trung kêu gọi đầu tư trong thời gian đến và đã có một số doanh nghiệp lớn được UBND Thành phố trao chứng nhận cho phép nghiên cứu đầu tư dự án Cảng biển Liên Chiểu. Sau khi hoàn thành, Cảng Liên Chiểu sẽ là đòn bẩy, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của thành phố Đà Nẵng và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đất nước.
“Với chính sách phát triển thành phố Đà Nẵng trở thành một trung tâm kinh tế biển, hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ logistics tại miền Trung với vai trò trung tâm của Đà Nẵng thì phương án đầu tư phát triển cảng Liên Chiểu dần thay thế cho cảng Tiên Sa là phù hợp với tiến trình phát triển của thành phố. Đồng thời cũng là mục tiêu xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á, là trung tâm logistics, là thành phố cảng biển”, ông Hưng cho hay.
Có thể bạn quan tâm