Doanh nghiệp

Động lực mới trong thu hút đầu tư nước ngoài

Hạnh Lê 04/05/2025 06:36

Cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài giữa các quốc gia ngày càng gay gắt, Việt Nam cần tạo những động lực mới.

Yêu cầu mới

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Tài chính) cho biết: tình hình địa chính trị có nhiều biến động, cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) hiện nay không chỉ diễn ra giữa các quốc gia đang phát triển mà còn giữa các quốc gia phát triển. Điển hình là chính sách thuế quan của chính quyền Tổng thống Trump nhằm thu hút đầu tư trở lại Mỹ.

Dù vậy thách thức luôn đi kèm cơ hội. Ông Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh: trong bối cảnh bất định, Việt Nam với lợi thế nền chính trị, kinh tế vĩ mô ổn định vẫn trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn. Việt Nam được nhiều tổ chức xếp hạng uy tín trên thế giới đánh giá cao. Các tập đoàn lớn, tập đoàn đa quốc gia toàn cầu tìm đến, đầu tư, chọn lựa cũng như nhìn nhận, đánh giá lại về Việt Nam.

Mr Tuan
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Tài chính)

Ở chiều ngược lại, để đạt mục tiêu tăng trưởng cao trong năm nay và những năm tiếp theo, Việt Nam đang tăng tốc thu hút FDI và chủ động tái cấu trúc cách tiếp cận dòng vốn này, từ mục tiêu số lượng sang chất lượng, từ thâm dụng lao động sang hàm lượng công nghệ để trở thành trung tâm sản xuất và trung chuyển mới tại khu vực Đông Nam Á. Theo Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, thời gian gần đây, dự án FDI đang hướng tới là dự án có công nghệ và giá trị gia tăng cao, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển giao công nghệ - một trong những mục tiêu quan trọng của chính sách thu hút đầu tư nước ngoài.

Lựa chọn FDI và lan toả dòng vốn này cũng là một trong những kiến nghị được bà Trương Thị Chí Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đề cập mới đây nhằm góp phần nâng cao trình độ công nghệ và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước. Hiện, việc thu hút FDI chưa được như kỳ vọng bởi chất lượng các dự án chưa đồng đều, đầu tư vào thượng nguồn chưa cao, kết nối doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước chưa hiệu quả.

Từ kinh nghiệm từ một số quốc gia lân cận, bà Trương Thị Chí Bình cho biết: từ những chính sách định hướng, ưu đãi, doanh nghiệp trong nước có cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng hoặc liên doanh với các doanh nghiệp FDI để học hỏi kĩ thuật, công nghệ.

Cách tiếp cận mới vốn FDI

Về vấn đề này, Chuyên gia kinh tế trưởng ngân hàng ADB Việt Nam Nguyễn Bá Hùng cho rằng, nên nhìn doanh nghiệp FDI từng nhóm khác nhau để có động lực phát triển phù hợp.

Với các doanh nghiệp xuất khẩu - chủ yếu là doanh nghiệp FDI của các chuỗi sản xuất lớn trên thế giới - thường tận dụng nguồn nhân lực có chi phí rẻ, chất lượng cao; hệ thống hạ tầng thuận lợi để có thể vận hành sản xuất với chi phí thấp.

Hiện khoảng 70% tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam thuộc về các doanh nghiệp FDI này. Để doanh nghiệp trong nước có thể tham gia vào chuỗi và tăng chất lượng nguồn vốn, không cách nào khác, doanh nghiệp trong nước phải nâng cao nội lực, áp dụng khoa học công nghệ, đáp ứng các chuẩn mực.

dtnn.jpg
Thúc đẩy chuyển giao công nghệ và lan toả vốn FDI là một trong những yêu cầu của thu hút đầu tư nước ngoài giai đoạn mới

Bên cạnh đó, có các doanh nghiệp FDI hướng đến thị trường nội địa nhiều tiềm năng của Việt Nam. Ngoài bất động sản, các lĩnh vực khác chưa thực hiện tốt thu hút đầu tư nước ngoài, trong khi nhu cầu đầu tư hạ tầng trong nước là rất lớn.

Tuy nhiên, với các dự án hạ tầng cần thời gian dài thu hồi vốn từ 15-20 năm. Do đó, để thu hút đầu tư với nhóm doanh nghiệp này cần chính sách ổn định và đủ tin cậy. Đặc biệt, các dự án không nhất thiết phải là 100% vốn nước ngoài mà có thể liên doanh, liên kết cùng thực hiện nên đây là cơ hội để doanh nghiệp trong nước được chuyển giao công nghệ.

Cuối cùng là các doanh nghiệp liên quan đến ngành dịch vụ công nghệ cao như ngân hàng. Trong khi Việt Nam có nhu cầu phát triển vốn lớn, việc thu hút FDI trong lĩnh vực này không chỉ có lợi về mặt tài chính mà qua đó có thể học hỏi kinh nghiệm chuyên môn để xử lý các cơ hội vốn lớn và tăng chất lượng nhân lực.

Từ cách tiếp cận này, tam giác FDI không chỉ có sự tham gia của các doanh nghiệp mà rất cần một trụ cột là chính sách để tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, những chiến lược định hướng đúng đắn và ưu đãi phù hợp cùng với hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ đa dạng sẽ là nền tảng để Việt Nam tiếp tục thu hút những dòng vốn FDI chất lượng cao.

Ở góc độ của ngành công nghiệp hỗ trợ, theo bà Trương Thị Chí Bình, các doanh nghiệp đã và đang nỗ lực tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Song số lượng doanh nghiệp trong ngành khá ít, khoảng 500 doanh nghiệp là thành viên của Hiệp hội khiến khả năng tham gia chuỗi bị hạn chế.

“Chúng tôi cần số lượng doanh nghiệp tăng lên và năng lực được cải thiện. Để thực hiện được, chúng tôi cần chính sách khuyến khích phát triển lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ bởi để “bàn tay” thị trường thì doanh nghiệp sẽ không chọn phát triển kinh doanh ở lĩnh vực chế biến chế tạo” - bà Trương Thị Chí Bình đề xuất.

Ngoài ra, đại diện một số hiệp hội doanh nghiệp cũng đề xuất cần có chính sách nâng cao năng lực, nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực quản trị cho doanh nghiệp trong nước. Các quy định về đầu tư, thuế, đất đai… còn khắt khe cũng là yếu tố khiến doanh nghiệp trong nước “yếu” hơn doanh nghiệp ngoại - vốn được hưởng nhiều ưu đãi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Động lực mới trong thu hút đầu tư nước ngoài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO