Du lịch

Động lực từ thị trường dịch vụ: Thời điểm “vàng” để xuất khẩu du lịch tại chỗ

[ Nguyễn Tiến Đạt – CEO AZA Travel ] 27/07/2025 09:42

Để Việt Nam thực sự chuyển mình sang nền kinh tế thu nhập cao, theo khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam cần tập trung phát triển mạnh hơn thị trường dịch vụ.

Trong khi các ngành xuất khẩu truyền thống chịu tác động từ những biến động địa chính trị và hàng rào thương mại thì dòng khách quốc tế đến Việt Nam đang mang ngoại tệ, thúc đẩy tiêu dùng thực, góp phần giảm áp lực cho cán cân thanh toán quốc gia.

vn copy
Chính du khách quốc tế sẽ là những “đại sứ truyền thông” thu hút khách du lịch đến Việt Nam.

Việc nhiều đồng tiền mạnh như EUR, USD, GBP… tăng giá trong khi đồng Việt Nam vẫn giữ ở mức thấp tương đối đã khiến chi phí du lịch tại Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn rất nhiều trong mắt khách quốc tế. Với cùng một khoản tiền, khách từ châu Âu hay Úc giờ đây có thể trải nghiệm nhiều hơn, lưu trú lâu hơn và chi tiêu mạnh tay hơn tại Việt Nam.

Song song với du lịch quốc tế, đây là thời điểm “vàng” để du lịch inbound phát huy vai trò như một hình thức “xuất khẩu tại chỗ”. Thị trường nội địa cũng ghi nhận đà tăng trưởng tích cực. Nhóm khách gia đình trẻ, khách đi tự túc, nhóm nhỏ có xu hướng du lịch thường xuyên hơn, yêu cầu cao hơn về dịch vụ và trải nghiệm.
Tuy nhiên, chi tiêu từ khách nội địa hiện vẫn còn phân tán, chưa tạo ra hiệu quả kinh tế rõ nét. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu sự liên kết trong chuỗi dịch vụ: lưu trú, vận chuyển, ăn uống, hướng dẫn viên… chưa tạo thành một hệ sinh thái đồng bộ, khiến dòng tiền khó lưu lại tại điểm đến.

Do đó, cần chuyển trọng tâm từ tăng số lượng khách sang nâng cao chất lượng chi tiêu và trải nghiệm. Việc này đòi hỏi không chỉ các doanh nghiệp du lịch thay đổi cách làm sản phẩm, mà còn cần cơ chế điều phối và hỗ trợ từ địa phương để phân phối lợi ích hợp lý trong chuỗi giá trị du lịch.

Một yếu tố quan trọng khác góp phần vào đà tăng trưởng là chính sách visa. Việc mở rộng e-visa và kéo dài thời gian lưu trú đã phát huy hiệu quả bước đầu, nhưng vẫn còn nhiều dư địa chưa được khai thác. Việt Nam nên tiếp tục mở rộng danh sách quốc gia được cấp e-visa, đặc biệt tại các thị trường tiềm năng như Đông Âu, Bắc Âu hay Nam Mỹ.

Bên cạnh đó, công tác xúc tiến quảng bá du lịch quốc gia cũng cần đổi mới. Dù Quỹ phát triển du lịch đã được thành lập, nhưng vẫn chưa có cơ chế sử dụng minh bạch và hiệu quả. Nếu không có chiến lược truyền thông đồng bộ, Việt Nam sẽ dần đánh mất vị thế cạnh tranh.

Một hướng đi khả thi và tiết kiệm là tận dụng chính du khách quốc tế như những “đại sứ truyền thông”. Những bài viết, hình ảnh, video chia sẻ trải nghiệm thực tế của họ trên mạng xã hội mang tính lan tỏa cao và có độ tin cậy lớn hơn nhiều so với các hình thức quảng cáo truyền thống. Đây là kênh tiếp thị tự nhiên, ít tốn kém nhưng hiệu quả, rất phù hợp với điều kiện hiện tại của ngành.

Tuy nhiên, để khai thác tốt các cơ hội sẵn có, doanh nghiệp du lịch cần thay đổi tư duy làm sản phẩm. Thị trường không còn thuộc về các đoàn khách lớn, mà đang dịch chuyển sang nhóm khách nhỏ, khách cá nhân, đi tự túc nhưng đòi hỏi sự linh hoạt và chất lượng dịch vụ cao. Do đó, sản phẩm du lịch phải được thiết kế theo hướng cá nhân hóa, đồng thời kết nối các bên cung ứng dịch vụ lại với nhau để tạo ra trải nghiệm trọn vẹn.

Chi phí vận chuyển, đặc biệt là vé máy bay nội địa hiện vẫn là rào cản lớn đối với việc mở rộng điểm đến và kéo dài thời gian lưu trú. Cần có các cơ chế kích cầu linh hoạt, chẳng hạn liên kết giữa doanh nghiệp du lịch – hãng hàng không – địa phương để tạo ra sản phẩm hấp dẫn với chi phí hợp lý hơn. Khi chi phí hợp lý, điểm đến thú vị, dịch vụ tốt, khách sẽ ở lại lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn, và mang lại hiệu quả cao hơn cho nền kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Động lực từ thị trường dịch vụ: Thời điểm “vàng” để xuất khẩu du lịch tại chỗ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO