Mặc dù Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã từng lên tiếng và triển khai nhiều biện pháp, thế nhưng tình trạng "xe dù, bến cóc" ở TP vẫn hoạt động rầm rộ và có dấu hiệu “nhờn luật”.
>>Vì sao xe dù, bến cóc vẫn còn "đất sống"?
Doanh nghiệp “nhờn luật”?
Trên thực tế, theo phân vai và trách nhiệm về quản lý phương tiện giao thông vận tải nói chung và xử lý tình trạng “xe dù, bến cóc” nói riêng, không phải không có cơ chế phối hợp, chưa kể bên cạnh đó còn có một lực lượng quản lý, giám sát khá hùng hậu, thiết bị được thực hằng ngày. Đó là: Cảnh sát giao thông (CSGT), Cảnh sát trật tự (CSTT), Thanh tra giao thông (TTGT), Quản lý trật tự đô thị (QLĐT). Các camera hành trình, định vị phương tiện và các camera giám sát dùng để quản lý và phạt nguội tại các tuyến giao thông nội đô, các tuyến đường phố, Quốc lộ… được trang bị khá bài bản, thế nhưng vấn nạn “xe dù, bến cóc” vẫn diễn ra như chốn không người là khó có thể chấp nhận.
Hàng tỉ đồng đầu tư cho các trang thiết bị giám sát, quản lý các phương tiện vi phạm, tuy nhiên, hiệu quả mang lại được đánh giá như thế nào? Phương thức quản lý và phối hợp ra sao, hay “mạnh ai nấy làm” vẫn là câu hỏi túc trực chờ một đáp án chính xác từ các cơ quan chức năng, đang được dư luận đặc biệt quan tâm.
Đáng chú ý, sau loạt bài phản ánh về tình trạng hàng trăm nhà xe bỗng dưng biến mất khỏi bến xe miền Đông “mới” mà Diễn đàn Doanh nghiệp đã phản ánh, thì ngay lập tức các cơ quan quản lý của TP.HCM đã chính thức lên tiếng và khẳng định sẽ quyết tâm xử lý nghiêm vấn nạn “xe dù, bến cóc”. Tuy nhiên, trên thực tế thì tình trạng này vẫn diễn ra phố biến nhưng các cơ quan chức năng xử lý vi phạm thì chẳng thấy đâu.
Nêu quan điểm về tình trạng “xe dù, bến cóc”, ông Lê Trung Tính - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô hành khách TP.HCM, cho rằng: nguyên nhân số lượng xe khách đi vào trung tâm đón khách có chiều hướng gia tăng là bởi: doanh nghiệp, hợp tác xã vì lợi nhuận nên đã tìm cách vào trung tâm đón khách; do cơ quan chức năng quản lý chưa hết trách nhiệm hoặc buông lỏng quản lý.
Do đó, để dẹp được "xe dù, bến cóc" trên địa bàn TP.HCM, ông Tính cho rằng, “nhất thiết phải có sự vào cuộc đồng bộ của ba lực lượng một lúc gồm: thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông và chính quyền địa phương”.
Cũng theo ông Tính, bên cạnh đó thì TP.HCM cần ban hành quy chế phối hợp, kế hoạch thực hiện của ba lực lượng, trong đó phải quy trách nhiệm cho người đứng đầu nếu không kiểm soát được tình trạng "bến cóc, xe dù", xe đón trả khách sai quy định.
Theo ông Tính, hiện theo thông tin từ Sở Giao thông vận tải TP.HCM công bố, TP có 76 điểm đã đón trả khách sai quy định. Vì vậy, cả ba lực lượng này cần khẩn trương đến các điểm để phối hợp, kiểm tra xử lý triệt để. Tiếp đến là cần kiến nghị bổ sung các quy định xử lý theo hướng tăng nặng đối với các doanh nghiệp liên tục vi phạm. Cụ thể, tạm đình chỉ kinh doanh, thu hồi giấy phép kinh doanh, giấy phép vận tải... để xử lý tránh chuyện doanh nghiệp "nhờn luật".
>>PHÁP LUẬT CUỐI TUẦN: Xử lý “xe dù, bến cóc” – Đừng mãi “đánh trống bỏ dùi”
Quy trách nhiệm cụ thể cho lực lượng chức năng
Bên cạnh đó, theo ông Tính, để đồng bộ với các giải pháp về chính sách, các cơ quan quản lý cần thường xuyên tuần tra kiểm soát hiện trường, giám sát hành trình cùng với camera, dữ liệu được truyền về cho Cục Đường bộ Việt Nam quản lý; tận dụng nguồn dữ liệu này để đưa vào xử lý, xử phạt đối với các xe đón trả khách sai quy định. Bởi xe chạy đi đâu, đón khách ra sao đều được hệ thống ghi lại.
Đổng quan điểm, chuyên gia giao thông Nguyễn Ân (nguyên cán bộ Vụ Khoa học công nghệ, Bộ Giao thông vận tải), cho rằng: để xử lý tình trạng này thì việc đầu tiên cần quy trách nhiệm cụ thể cho lực lượng chức năng, trong đó có trách nhiệm của quận huyện, phường xã.
"Bến cóc, xe dù", xe đón trả khách hoạt động rầm rộ, người dân biết, báo chí liên tục phản ánh thì không có lý do gì mà cơ quan chức năng không biết và không xử lý được. Và nếu quy định pháp luật được thực thi nghiêm sẽ không có cửa cho "xe dù, bến cóc" hoạt động - ông Tính nói.
Nêu quan điểm về các giải pháp quản lý “xe dù, bến cóc”, PGS.TS Vũ Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức (Trường đại học Việt Đức), cho rằng: để quản lý và xử lý hiệu quả, TP.HCM phải tăng cường áp dụng công nghệ vào để xử phạt mạnh tay. Trong đó ứng dụng hệ thống camera, dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình GPS do Cục Đường bộ quản lý.
Và từ những cơ sở trên, căn cứ vào dữ liệu này có thể biết được xe đang dừng ở đâu, tốc độ bao nhiêu km/h... mọi vi phạm nhanh chóng được xác lập, lực lượng chức năng sẽ xử lý đúng và đủ.
Song song đó, TP.HCM cần phát triển giao thông công cộng, kết nối hạ tầng giao thông vào bến xe Miền Đông mới (TP Thủ Đức). Hệ thống xe buýt kết nối cần phải được ưu tiên hàng đầu để giải quyết các vấn đề về giao thông ở đô thị lớn – PGS.TS Vũ Anh Tuấn nói.
Liên quan tới những nội dung trên, đại diện Sở Giao thông vận tải TP.HCM, cho biết: Hiện đơn vị đang nỗ lực triển khai nhiều biện pháp nhằm giải quyết triệt để tình trạng "xe dù, bến cóc" cho người dân đi lại thuận tiện, nhất là khi dịp Tết 2023 đang đến gần. Bên cạnh đó, Sở GTVT cũng sẽ có kiến nghị lên Cục Đường bộ Việt Nam về việc chia sẻ dữ liệu giám sát hành trình, dùng nguồn dữ liệu đó hiệu quả cho xử phạt. Song song đó, đại diện Sở GTVT cũng nhấn mạnh,trong vụ việc này người dân cũng nên ủng hộ chủ trương của TP.HCM trong công cuộc dẹp "xe dù, bến cóc", không tạo điều kiện cho các loại xe dừng đậu, đón trả khách sai quy định – đại diện Sở GTVT nói.
Theo Sở Giao thông vận tải, hiện trên địa bàn TP có 76 điểm đón trả khách sai vị trí rải khắp nhiều quận, huyện ở trung tâm TP.HCM. Trong đó nổi cộm tuyến Lê Hồng Phong, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Chí Thanh... (quận 5), tuyến Đinh Bộ Lĩnh, Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh)... Ở những điểm này, "xe dù, bến cóc", xe đón trả khách sai quy định tràn lan, chính quyền đã xử phạt nhưng chưa đủ tính răn đe – đại diện Sở GTVT cho hay.
Trước đó, Sở Giao thông Vận tải gửi UBND TP.HCM, liên quan tới việc cấm xe giường nằm vào nội đô từ ngày 15/12, thời gian 6-22h, để hạn chế "xe dù, bến cóc", giảm ùn tắc giao thông.
Về phương án thực hiện, hành lang cấm xe giường nằm vào nội đô được đề xuất theo vành đai các tuyến: quốc lộ 1 - đường Nguyễn Văn Linh - Võ Chí Công - Nguyễn Thị Định - Đồng Văn Cống - Mai Chí Thọ - xa lộ Hà Nội - quốc lộ 1. Xe được chạy bình thường trên các tuyến vành đai này.
Theo Sở GTVT, khi áp dụng phương án trên, ngành giao thông thành phố cũng tổ chức phương án cho xe giường nằm vào bến xe Miền Đông, quận Bình Thạnh, theo hành lang: quốc lộ 1 - quốc lộ 13 - đường Đinh Bộ Lĩnh - bến xe Miền Đông quốc lộ 13 - quốc lộ 1. Tại bến xe Miền Tây theo trục: quốc lộ 1 - đường Kinh Dương Vương - bến Miền Tây và ngược lại.
Trên địa bàn TP HCM hiện có 58 doanh nghiệp vận tải hành khách tuyến cố định với gần 1.600 xe; hơn 1.350 đơn vị vận tải hành khách theo hợp đồng và du lịch, với gần 91.000 xe khách. Trong đó, ôtô hoạt động ở 5 bến xe liên tỉnh tại thành phố, gồm: Miền Đông, Miền Đông mới, Miền Tây, An Sương, Ngã tư Ga, lộ trình không qua khu trung tâm.
Cũng theo Sở GTVT, ô tô khách ra vào khu nội đô chỉ các hãng chạy hợp đồng, du lịch, tuy nhiên nhiều xe đón trả như tuyến cố định, khiến tình hình "bến cóc, xe dù" ở thành phố phức tạp nhiều năm qua.
Có thể bạn quan tâm
15:50, 23/11/2022
14:45, 23/11/2022
03:50, 23/11/2022
03:40, 22/11/2022
02:05, 03/11/2022