Tỉnh Đồng Tháp là địa phương có diện tích trồng sen lớn nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Cây sen đã mang lại thu nhập ổn định cho hàng ngàn nông hộ, doanh nghiệp.
Nếu có mô hình liên kết sản xuất tốt, dư địa nâng cao giá trị cho cây sen còn rất lớn.
>> Đồng Tháp: Ngày mới trên “Đất Sen hồng”
Cây sen gắn liền với vùng đất Đồng Tháp từ xa xưa, đây là loại cây trồng quen thuộc gắn bó với người dân nơi đây. Năm 2015, tổng diện tích trồng sen trên địa bàn tỉnh là 1.265 ha, chiếm 3,5% diện tích hoa màu toàn tỉnh, sản lượng đạt 984 tấn. Tuy nhiên, đến giai đoạn 2016 - 2019, diện tích sen giảm khá mạnh, chỉ còn từ 791 - 879 ha, sản lượng dao động từ 592 – 712 tấn. Đến năm 2020, diện tích sen phục hồi trở lại, đạt 1.252 ha, sản lượng trên 1.000 tấn, tập trung tại các huyện: Tháp Mười, Tam Nông, Cao Lãnh, Tân Hồng và Lấp Vò.
Để phát huy tiềm năng, lợi thế của cây trồng này, thời gian qua, tỉnh Đồng Tháp ban hành nhiều chính sách khuyến khích phát triển ngành hàng sen. Qua đó, giúp ngành hàng sen đạt được một số kết quả bước đầu. Tuy nhiên, một trong những khó khăn của ngành hàng này là việc trồng sen mang tính tự phát, nhỏ lẻ, mang tính thủ công, chưa có những mô hình sản xuất liên kết quy mô lớn, đồng bộ theo tín hiệu thị trường, ứng dụng cơ giới hóa…
Cây sen ở Đồng Tháp không chỉ được trồng để lấy gương, ngó, giờ đây sen còn được đa dạng hóa với những sản phẩm từ tinh dầu sen, tơ sen, đến các dịch vụ như ngắm cảnh đồng sen, thưởng thức ẩm thực từ sen, tạo chuỗi giá trị kinh tế cao. Hiện nay, cây sen đã được UBND tỉnh Đồng Tháp chọn và đưa vào xây dựng và phát triển thương hiệu các nông sản chủ lực tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 – 2025.
Ông Nguyễn Thành Tài – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Đông Tháp cho biết, Sở đã và đang tham mưu UBND tỉnh đưa khoa học và công nghệ vào phát triển chuỗi giá trị sản phẩm sen, thông qua các hoạt động như: Xây dựng và ban hành Đề án Phát triển sản phẩm Đồng Tháp; Dự án Đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý Đồng Tháp cho sản phẩm sen; hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ phục vụ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm sen theo Nghị quyết số 44/2021/NQ-HĐND ngày 17/8/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh; hỗ trợ quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Sen Tháp Mười” trong và ngoài nước ...
PGS, TS. Đặng Văn Đông - Viện Phó Viện nghiên cứu rau quả cho biết, để thực hiện đạt mục tiêu đến năm 2025 diện tích trồng sen đạt 1.500 ha, sản lượng đạt khoảng 3.000 – 3.500 tấn hạt/năm, doanh thu từ cây sen đạt 400 – 500 tỷ đồng/năm, thu nhập người trồng sen tăng 120% so với năm 2021 thì địa phương cần khắc phục những hạn chế như: cải thiện chất lượng giống, bộ giống sen...
Bên cạnh đó, Đồng Tháp cũng cần liên kết sản xuất thành vùng nguyên liệu lớn để tổ chức sản xuất theo quy mô công nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ, đưa cơ giới hóa vào sản suất; đào tạo lao động, chế biến sâu sản phẩm sen để nâng cao hơn nữa giá trị cây sen. Hiện nay, Viện đang phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Đồng Tháp xây dựng Đề án Phát triển sản phẩm sen Đồng Tháp giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030.
Trong đó, có nhiều giải pháp về khoa học công nghệ để phát triển sen như: Xây dựng trung tâm bảo tồn, lưu giữ các giống sen; tuyển chọn và lai tạo bộ giống sen mới, phân theo các nhóm trồng sen để lấy hoa, ngó, củ và các giống sen trồng chậu làm cảnh; hoàn thiện các quy trình kỹ thuật trồng, canh tác sen; quy trình kỹ thuật thu hái, bảo quản, chế biến sâu về sen, để tạo ra nhiều sản phẩm từ sen hơn nữa.
Việc xây dựng chỉ dẫn địa lý “Đồng Tháp” cho sản phẩm sen cũng được Trung tâm nghiên cứu Công nghệ và Sở hữu trí tuệ CIPTEK triển khai thực hiện, sẽ hoàn thành đăng ký vào tháng 11/2023.
Đóng góp giải pháp nâng cao giá trị ngành hàng sen, tại hội thảo, nông dân, doanh nghiệp sản xuất và chế biến sen cho rằng, để ngành hàng sen phát triển bền vững, tỉnh cần xây dựng một số mô hình liên kết hoàn chỉnh, với sự đồng hành giữa các chủ thể để thống nhất về bài toán cung cầu; phối hợp với các viện, trường nghiên cứu lai tạo giống sen phù hợp với từng vùng đất. Từ đó, triển khai, hướng dẫn nông dân canh tác theo quy trình sạch, hữu cơ mà doanh nghiệp, nhà đầu tư yêu cầu…
Ghi nhận các ý kiến đóng góp của nông dân, doanh nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho rằng, những khó khăn và mong muốn của nông dân và doanh nghiệp cũng là điều mà tỉnh trăn trở để từng bước định hướng tái cơ cấu ngành hàng sen và các ngành hàng còn lại cho phù hợp trong thời gian tới. Ông Phạm Thiện Nghĩa mong muốn, tất cả nông dân, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến sen cùng chung tay thực hiện các giải pháp để nâng tầm cây sen, vừa tạo dựng thương hiệu địa phương vừa phát huy giá trị chuỗi ngành hàng sen của tỉnh.
Phát biểu tại hội thảo nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm từ sen Đồng Tháp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, Đồng Tháp cần xây dựng những chương trình, kế hoạch phát huy giá trị sen nhiều hơn nữa và cần thực hiện đồng bộ, thường xuyên. Trong đó, tỉnh cần đẩy mạnh kết nối các chuyên gia về sen, tour du lịch, lữ hành, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm sen, đưa các món ăn về sen vào các nhà hàng, quán ăn tại Đồng Tháp, đa dạng hóa sản phẩm từ sen và tạo ra những giống sen mới…; Đồng thời giáo dục cho thế hệ trẻ tình yêu quê hương, yêu mến Sen Đồng Tháp.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoa, tỉnh Đồng Tháp có bộ nhận diện về sen tương đối khác biệt, đi trước một số nơi khác. Đồng Tháp cần tự tin biến cây sen trở thành thế mạnh của địa phương như các sản phẩm khác như xoài Cao Lãnh, làng hoa Sa Đéc…
Có thể bạn quan tâm
Đặc sắc Chương trình khai mạc Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ I
21:33, 19/05/2022
Đồng Tháp: Khai mạc Khu triển lãm sản phẩm OCOP và trải nghiệm Sen đa sắc
16:06, 19/05/2022
Đồng Tháp khánh thành Nhà trưng bày “Chủ tịch Hồ Chí Minh với Cách mạng Việt Nam”
15:56, 19/05/2022
Đồng Tháp: Ngày mới trên “Đất Sen hồng”
03:26, 19/05/2022