Dòng tiền thông minh tiếp tục đổ vào cổ phiếu bất động sản (BĐS) của 2 ông lớn trong ngành, đó là PDR và NVL.
"Cởi trói" chính sách, dòng tiền đổ mạnh vào cổ phiếu bất động sản
Phiên giao dịch ngày 20/6, dòng tiền đổ mạnh vào cổ phiếu bất động sản (BĐS). Chỉ 01 tiếng giao dịch đầu phiên chiều đã có 4.700 tỷ rót vào VN-Index , trong đó chủ yếu đổ vào cổ phiếu BĐS.
Trong rổ VN30, hai ông lớn là cổ phiếu PDR (tăng 4,3%) và cổ phiếu NVL ( tăng 3,2%) đang dẫn đầu rổ. Cổ phiếu nhóm này bật sắc xanh áp đảo toàn bộ sắc đỏ. Theo đó, nhóm cổ phiếu ngành BĐS nổi lên với PDR có 12,8 triệu đơn vị khớp lệnh; Cổ phiếu NVL với 12,8 triệu khớp lệnh, cổ phiếu DIG 18,8 triệu đơn vị khớp lệnh… Đây là những cổ phiếu chính kéo theo nhiều cổ phiếu dòng BĐS, đưa chỉ số VN-Index lên 111,74 điểm.
Có thể nói, trong thời gian vừa qua, nhóm cổ phiếu ngành bất động sản vẫn tiếp tục dẫn dắt thị trường. Đây là một điều hiếm khi xảy ra trong bối cảnh nội tại khó khăn của ngành có lẽ không thể giải quyết ngay. Nhưng khó khăn của ngành này thực tế cũng đang từng bước được tháo gỡ.
Vậy nguyên nhân nào khiến dòng tiền đổ vào cổ phiếu BĐS và dư địa tăng của cổ phiếu này liệu có còn nhiều khi mặt bằng lãi suất ngân hàng tiếp tục giảm mạnh?
Theo báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2023 của gần 60 doanh nghiệp địa ốc đang niêm yết trên sàn, giá trị hàng tồn kho tại ngày 31/3 ở mức trên 350.000 tỉ đồng. Trong đó, có 8 doanh nghiệp (chủ yếu phát triển loại hình nhà ở, nghỉ dưỡng, khu công nghiệp) có hàng tồn kho ghi nhận trên mức 10.000 tỉ đồng là NVL, VHM, Becamex , NLG, DXG, KDH KBC và PDR.
Theo các chuyên gia chứng khoán nhận định, nhóm cổ phiếu bất động sản tạo sóng là do dòng tiền đầu cơ đẩy lên, dựa trên các thông tin như lãi suất hạ nhiệt, một số chính sách hỗ trợ thị trường BĐS được ban hành.
Tuy nhiên, với nhóm cổ phiếu bất động sản, các chuyên gia cũng cho rằng, đây vẫn sẽ là nhóm tiếp tục thu hút dòng tiền trong thời gian tới, với kỳ vọng hưởng lợi từ các chính sách tháo gỡ khó khăn pháp lý, hỗ trợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Chính phủ, và việc hạ lãi suất điều hành của NHNN. Nhà đầu tư cũng cần bình tĩnh để đánh giá đủ, đúng độ rủi ro của nhóm ngành này. Trong đó một trong những khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp bất động sản phải đối mặt từ nửa cuối năm 2022 đến nay, vẫn là tình trạng “đóng băng” thanh khoản, không bán được hàng nên không có dòng tiền quay vòng.
>>Cổ phiếu bất động sản được nâng khuyến nghị từ kém khả quan lên trung lập
Bên cạnh đó, theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, lượng trái phiếu doanh nghiệp BĐS đáo hạn lên tới gần 85.000 tỉ đồng. Dòng tiền để tái cơ cấu nợ do vậy vẫn là bài toán khó buộc các doanh nghiệp BĐS phải tìm được lời giải và ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả kinh doanh trong những tháng cuối năm 2023.
Cho đến thời điểm này, theo NHNN, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay bình quân toàn hệ thống giảm nhẹ 0,08 - 0,1 % trong quý 2/2023 và giảm nhẹ 0,19 – 0,34 % trong cả năm 2023...
Ông Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính ngân hàng - cho biết, những tháng còn lại của năm 2023, dự báo mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm. Đây là bước đi táo bạo và linh hoạt của Chính phủ, thể hiện rõ mục tiêu đẩy mạnh hỗ trợ nền kinh tế. Điều này có lợi cho thị trường chứng khoán nói chung và nhóm BĐS nói riêng.
Theo ông Hiếu, BĐS là tài sản tài chính, liên quan cốt lõi đến lãi suất. Nếu lãi suất có xu hướng giảm thì nhóm này sẽ bớt khó khăn hơn, tuy nhiên cần có thời gian để các chính sách ngấm dần. Giá cổ phiếu BĐS sẽ trong xu hướng phục hồi, sau ngân hàng thì BĐS là ngành chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nền kinh tế và có hiệu ứng lan toả mạnh đến nhiều ngành khác. Có thể nói, xu hướng thắt chặt tiền tệ có thể đã kết thúc để chuẩn bị cho xu hướng hạ lãi suất.
Mặc dù vậy, việc hạ lãi suất khả năng chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, sau đó bình ổn, chứ không thể giảm sâu, quay lại vùng giá rẻ như năm 2020-2021. Do vậy, với mặt bằng lãi suất rẻ, những nhóm ngành thâm dụng vốn sẽ được hưởng lợi nếu lãi suất đi xuống như BĐS, BĐS khu công nghiệp, ngành năng lượng hay ngành sản xuất công nghiệp, ông Hiếu nhấn mạnh.
Cùng quan điểm với ông Hiếu, trong báo cáo ngành BĐS công bố mới đây, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) duy trì luận điểm đầu tư đối với ngành BĐS, và cho rằng ngành này vẫn nằm trong nhóm các ngành hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội từ xu hướng tăng trưởng nhanh tại Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm