Dòng tiền vào bất động sản là vấn đề mấu chốt về mặt vĩ mô, không chỉ cứu ngành bất động sản mà còn tạo động lực cho nền kinh tế.
>>>FiinRatings bàn giải pháp khai thông vốn cho bất động sản
Đó là khẳng định của PGS.TS Trần Đình Thiên – Nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam nêu tại Hội thảo “Dòng tiền và xu thế bất động sản cuối năm 2022”.
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, sự phát triển quá nhanh của công nghệ cao khiến thế giới bị đứt gãy, bất ổn và nhiều rủi ro. Chính vì thế, thế giới cần và đang cấu trúc lại để mở ra nhiều cơ hội lớn hơn. Hiện tại, thế giới đang cấu trúc lại theo công nghệ khác và thể chế điều hành khác.
Đánh giá về nền kinh tế của Việt Nam PGS.TS Trần Đình Thiên cho biết, Việt Nam đã đứng trước những thách thức rất lớn khi nền kinh tế có độ mở cao, lệ thuộc vào nước ngoài rất nhiều như Mỹ, Trung Quốc… chịu ảnh hưởng bên ngoài rất nhiều trong bối cảnh thực lực chưa mạnh, trình độ phát triển còn thấp và sức cạnh tranh còn yếu, người lao động bỏ chạy… Tuy nhiên không thể phủ nhận Việt Nam dù có trình độ phát triển thấp, sức cạnh tranh yếu nhưng vẫn có thể trụ vững bởi có khát vọng trỗi dậy mạnh mẽ.
“Thế giới đã có một năm rơi xuống -5% GDP toàn cầu, đây là “cú ngã” mạnh nhất từ trước tới giờ. Nhưng cũng đứng dậy mạnh mẽ ngay sau đó khi chuyển dịch cấu trúc phát triển toàn cầu với thời đại công nghệ mới, hệ thống kinh tế thị trường toàn cầu hiện đại và phát triển. Không phải chỉ có tăng trưởng giảm đi, lạm phát tăng lên rất khó để trở lại như bình thường”, PGS.TS Trần Đình Thiên cho biết.
Để có thể phát triển kịp với thế giới, PGS.TS Trần Đình Thiên cho biết, Việt Nam phải nắm được những bài học “tốc hành”. Đó chính là bài học về toàn cầu hóa với rủi ro toàn cầu, hỗ trợ lẫn nhau, liên kết để cùng tồn tại, còn một người nhiễm covid-19, thế giới chưa an toàn.
Bài học về “luật chơi”, không nên tự cô lập mình. Bài học về “lợi thế đi sau” là sự tích cực phát triển kinh tế số và công nghệ cao để thoát khỏi rủi ro, tận dụng xu thế thời đại. Bài học chuẩn bị năng lực đón đầu xu thế.
Một thế giới bất thường mang đến nhiều thách thức, rủi ro khó lường và ngoài tầm kiểm soát. Việt Nam là một đất nước có nền tảng tốt, có đà phát triển, có khát vọng nên không thể để lãng phí cơ hội. Theo dự báo từ các tổ chức quốc tế, tăng trưởng GDP 2022 - 2023 của Việt Nam đang có xu hướng tăng lên theo thời gian trong khi kinh tế thế giới vẫn tiếp tục gặp khó khăn với nỗi lo lạm phát.
PGS.TS Trần Đình Thiên cũng cho rằng, chưa bao giờ Chính phủ Việt Nam có năng lực kiểm soát ổn định vĩ mô và lạm phát tốt như bây giờ. Ông cho rằng, câu chuyện của chúng ta là tình thế bất thường phải xử sự theo nguyên tắc khác thường. Do đó, ông đề nghị, việc bơm tiền vẫn phải tiếp tục, những khả năng nào để kéo lạm phát chi phí đẩy xuống phải tung ra hết.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Đình Thiên, chúng ta vẫn theo tư duy tăng cường sức mạnh ngân sách hơn là củng cố các công cụ tăng trưởng. Vốn công hiện đang giải ngân rất chậm, trong khi vốn tư lại cực kỳ linh hoạt.
“Một nền kinh tế chỉ tăng trưởng 5% mà vốn tư lại tăng trưởng ghê gớm, trong khi cùng một cơ chế. Điều này đặt ra câu chuyện các dòng vốn quốc gia đang vận động lệch pha, đáng lẽ ra phải thúc vốn công thì lại chậm. Dòng tiền vào bất động sản là vấn đề mấu chốt về mặt vĩ mô, không chỉ cứu ngành bất động sản mà còn tạo động lực cho nền kinh tế. Tôi vẫn tin rằng, phải tiếp tục câu chuyện bơm tiền cho nền kinh tế trên tình thần phục hồi và phát triển, không phải rón rén, ngắt quãng, đợi “gục” rồi lại bơm tiếp”, PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
"Siết" cho vay đặt cọc bất động sản: Góp phần thanh lọc… thị trường
04:00, 28/06/2022
Bất động sản chưa xong móng không được vay thanh toán tiền đặt cọc
03:00, 28/06/2022
Trái phiếu “sạch” cho bất động sản
02:17, 28/06/2022
Bất động sản nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe lên ngôi
14:07, 27/06/2022
Sẽ có bộ chỉ số năng lực cạnh tranh môi giới bất động sản
18:21, 25/06/2022