Tính đến cuối tháng 6/2021, Hàn Quốc vẫn đang duy trì vị thế số 1 trong số các quốc gia có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam.
Ông Lee Jong Seob - Chủ tịch KOTRA khu vực Đông Nam Á và Châu Đại Dương, Tổng Giám đốc Văn Phòng KOTRA Hà Nội khẳng định tại “Hội thảo trực tuyến “Nền kinh tế Việt Nam sẽ chiến thắng đại dịch COVID-19 như thế nào?”, ngày 4/8.
Đánh giá về tình hình đầu tư FDI của Hàn Quốc vào Việt Nam 6 tháng đầu năm 2021, ông Lee Jong Seob cho biết, tính đến cuối tháng 6 năm 2021, Hàn Quốc vẫn đang duy trì vị thế số 1 trong số các quốc gia có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam với tổng số dự án là khoảng 9.100 dự án và số vốn đầu tư lũy kế đạt 72 tỷ USD.
Mặc dù đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong nửa đầu năm nay ước tính giảm 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng riêng đầu tư Hàn Quốc lại tăng 43,6% so với cùng kỳ năm trước cho thấy dòng vốn đầu tư vẫn được giữ vững.
Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu nửa đầu năm nay của Việt Nam đã tăng 28,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Và tiếp nối tốc độ tăng trưởng 2,91% của năm 2020 thì nửa đầu năm nay, Việt Nam ghi nhận thành tích tăng trưởng kinh tế cao nhất trong khu vực với tốc độ tăng trưởng là 5,64%.
“Do hoạt động xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, mức tăng trưởng kinh tế vững chắc và tăng đều, Việt Nam là một quốc gia tiêu biểu cho thấy tiềm năng phát triển trong tương lai mà các doanh nghiệp Hàn Quốc có thể mở rộng đầu tư”, ông Lee Jong Seob bày tỏ.
Tuy nhiên, mặc dù vẫn duy trì đà tăng trưởng, nhưng Việt Nam lại gặp nhiều khó khăn trước đợt bùng đại dịch lần thứ 4 bắt đầu vào cuối tháng 4. Đến nay đã 3 tháng trôi qua kể từ khi đợt bùng phát thứ 4, môi trường kinh doanh của Việt Nam đang suy biến nhanh chóng do COVID-19, với số người nhiễm lên cao nhất là 9.000 ca một ngày. Rất nhiều trở ngại đang phát sinh trong quá trình sản xuất như khó khăn về cung cầu lao động, nguồn cung nguyên vật liệu, chi phí hậu cần tăng.
Đứng trước những thách thức trên, ông Lee Jong hy vọng hoạt động kinh tế Việt Nam nhanh chóng hồi phục, cuộc sống sinh hoạt hàng ngày sớm trở về bình thường thông qua việc tiêm chủng nhanh chóng và kiểm soát lây nhiễm một cách triệt để.
Trao đổi tại Hội thảo, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, hiện nay Việt Nam đang trải qua đợt dịch thứ 4 với những diễn biến khá phức tạp, Chính phủ đang triển khai quyết tâm và đồng bộ các giải pháp mạnh mẽ trong việc phòng chống dịch theo phương châm kết hợp “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân là ưu tiên, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Tình trạng xuất hiện các chùm ca bệnh trong các khu công nghiệp tại Việt Nam đang diễn biến phức tạp, tuy nhiên các địa phương đang phối hợp chặt chẽ với các ban quản lý khu công nghiệp và nhà đầu tư để thực hiện các giải pháp đồng bộ đảm bảo các hoạt động sản xuất kinh doanh tại các nhà máy, xí nghiệp được kiểm soát tốt, các công nhân trong khu công nghiệp được cách ly tại nơi làm việc hoặc được đưa đón an toàn nhằm đảm bảo hạn chế tối đa tình trạng lây nhiễm ngoài cộng đồng vào khu công nghiệp, nhà máy.
Đơn cử tại tỉnh Vĩnh Phúc và TP.HCM - 2 trong số địa phương của Việt Nam đã và đang chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, là các trường hợp điển hình trong việc phòng chống dịch bệnh tích cực tại Việt Nam.
Ngày 2/5/2021, tỉnh Vĩnh Phúc phát hiện ca nhiễm đầu tiên tại cộng đồng trong đợt dịch thứ tư này, tuy nhiên đến nay tình hình dịch bệnh ở tỉnh đã được kiểm soát tốt. Khi dịch bùng phát, chính quyền tỉnh đã thành lập các chốt phòng dịch để thắt chặt việc ra vào tỉnh, hạn chế tối đa sự dịch chuyển của người dân làm lây lan dịch bệnh tại địa phương.
Khi tình hình được kiểm soát, tỉnh chủ động xây dựng chương trình, đường dây nóng, đưa đón, hướng dẫn người lao động theo các hướng dẫn an toàn của Chính phủ và Bộ Y tế.
TP.HCM hiện nay là một điểm nóng về dịch bệnh tại khu vực phía Nam Việt Nam. Tuy nhiên, Chính phủ và lãnh đạo thành phố luôn đặt ưu tiên phòng, chống dịch lên hàng đầu, sức khỏe, tính mạng của người dân được đặt lên trên hết.
Để thực hiện “mục tiêu kép”, thành phố đã thực hiện thẩm định các điều kiện đảm bảo an toàn phòng, chống dịch tại các doanh nghiệp với phương châm “3 tại chỗ”: sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ. Thành phố đã, đang dành ưu tiên mọi nguồn lực cho các doanh nghiệp, như tiêm vaccine cho người lao động, thủ tục thông thoáng, ưu đãi miễn giảm thuế…
Một vấn đề trọng tâm mà các nhà đầu tư, chuyên gia Hàn Quốc đang quan tâm theo TS. Kidong Park – Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, đó là việc nhập cảnh vào Việt Nam trong tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, các nhà đầu tư, các chuyên gia nước ngoài và thân nhân vẫn được ưu tiên nhập cảnh vào Việt Nam. Đại diện Bộ Y Tế Việt Nam thông báo từ ngày hôm nay ngày 4/8/2021 giảm thời gian cách ly tập trung đối với người nhập cảnh đã tiêm đủ vaccine hoặc đã từng khỏi bệnh do mắc COVID-19.
Theo đó, Việt Nam thực hiện cách ly y tế tập trung 7 ngày và tiếp tục theo dõi y tế trong 7 ngày tiếp theo đối với người nhập cảnh đáp ứng điều kiện trên và các điều kiện khác liên quan theo quy định.
Những vấn đề khác liên quan đến thay đổi về thủ tục thành lập doanh nghiệp, thủ tục đầu tư, ưu đãi đầu tư và thị trường tiêu thụ của Việt Nam trong thời kỳ COVID-19, về tình hình thị trường theo ngành mà doanh nghiệp Hàn Quốc muốn tham gia.
Ví dụ, thực phẩm chức năng, sản phẩm vệ sinh, mỹ phẩm, công nghiệp xây dựng, công nghiệp hóa chất, dự án, quy định về môi trường... đã được đại diện các địa phương, chuyên gia luật, tư vấn của Việt Nam và Hàn Quốc trả lời chi tiết, cụ thể.
Đánh giá về tình hình phòng chống dịch và thời điểm kiểm soát được dịch, ông Hoàng Văn Ngọc – Đại diện Cục Y tế dự phòng (Bộ Y Tế) cho biết, trước diễn biến dịch bệnh có xu hướng phức tạp, lan rộng, Việt Nam đã áp dụng nhiều biện pháp mạnh để phòng chống dịch, như giãn cách xã hội diện rộng tại 19 tỉnh khu vực phía Nam, Hà Nội và một số đơn vị hành chính của một số địa phương khác để giảm sự lây lan của dịch.
Trên cơ sở đó các biện pháp Y tế đang được triển khai nhanh rộng khắp, như việc truy vết xác định nguồn lây để khoanh vùng cách ly, lấy mẫu xét nghiệm diện rộng. Từ 29/4 đến 2/8 đã thực hiện xét nghiệm Realtime RT-PCR cho 18.303.458 lượt người, chưa tính việc sàng lọc bằng test nhanh.
Việc xây dựng các bệnh viện dã chiến liên tục được mở rộng, cùng với các trung tâm điều trị chuyên sâu nhằm giảm tử vong và quá tải hệ thống y tế. Việt Nam tiếp tục các chiến dịch lớn chưa từng có để tiêm vaccine cho người dân.
“Đến 2/8 Việt Nam đã tiêm được 6.959.197 liều trong đó ưu tiên các đối tượng là tuyến đầu, vùng có dịch với phương trâm tiêm đến đâu an toàn đến đó. Số lượng vaccine Việt Nam sẽ được nhận trong thời gian tới tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới”, ông Ngọc nói.
Có thể bạn quan tâm