Dòng vốn giá rẻ sẽ lựa chọn các quốc gia ngăn chặn được COVID-19?

Dương Thuỳ 25/03/2020 11:00

Trong bối cảnh tâm lý ngại rủi ro tăng mạnh hiện nay thì sự chuyển dịch dòng vốn đầu tư quốc tế có thể không diễn ra theo cách thông thường...

NHNN đã chính thức có động thái nới lỏng tiền tệ, theo đó lãi suất tái cấp vốn giảm xuống 5%/năm và lãi suất tái chiết khấu giảm xuống 3,5%/năm. Vậy điều này có hút dòng vốn ngoại vào Việt Nam và là liều thuốc an thần cho thị trường tài chính?

Việt Nam sẽ thu hút

 Việt Nam là một ứng cử viên tiềm năng do đã chứng minh được năng lực phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả sẽ là điểm đến thu hút dòng vốn giá rẻ.

Vốn FDI giảm mạnh

Động thái cắt giảm lãi suất lần này của NHNN là rất quyết liệt với mục tiêu bổ sung thanh khoản cho hệ thống tài chính nhằm vượt qua giai đoạn sóng gió hiện nay cũng như hạ chi phí vay vốn của các doanh nghiệp nội địa để hỗ trợ nền kinh tế.

Theo Tổng cục Thống kê, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tính đến 20/2/2020 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 6,5 tỷ USD, giảm 23,6% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó có 500 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 5 tỷ USD, giảm 2,7% về số dự án và tăng 104,7% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời 151 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 638,1 triệu USD, giảm 25,4%. Theo đó, lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 827,3 triệu USD, giảm 84%.

Như vậy, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 2 tháng ước tính đạt 2,5 tỷ USD, giảm 5% so với năm 2019. Trong 2 tháng đầu năm, ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt… được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 4 tỷ USD, chiếm 79,9% tổng vốn đăng ký cấp mới. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 797,8 triệu USD, chiếm 16%; các ngành còn lại đạt 205,9 triệu USD, chiếm 4,1%.

Nếu tính cả vốn đăng ký bổ sung của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành sản xuất, phân phối điện, khí, nước, điều hòa đạt 3.841,5 triệu USD, chiếm 68,1% tổng vốn đăng ký; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 1.428,5 triệu USD, chiếm 25,3%; các ngành còn lại đạt 371,8 triệu USD, chiếm 6,6%. Trong 2 tháng đầu năm nay, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất, tiếp đến là Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc),Hàn Quốc và cuối cùng Nhật Bản và Đài Loan.

Với những dữ liệu trên cho thấy, thu hút vốn FDI chưa bao giờ giảm như vậy do tình hình diễn biến dịch COVID-19 hoành hành trên diện rộng, là đòn giáng vào mạnh vào nhà đầu tư nước ngoài khiến cho dòng vốn ngoại khu vực Châu Á rút khỏi thị trường mới nổi như Việt Nam

Cơ hội hút dòng vốn ngoại?

Thông thường, nới lỏng tiền tệ tại các nước phát triển sẽ hướng dòng vốn giá rẻ chảy đến các thị trường mới nổi. Tuy nhiên, trong bối cảnh tâm lý ngại rủi ro tăng mạnh hiện nay thì sự chuyển dịch dòng vốn đầu tư quốc tế có thể không diễn ra theo cách thông thường. Trên phương diện đầu tư trực tiếp, cho rằng các nhà đầu tư nước ngoài sẽ hoãn lại các quyết định liên quan đến đầu tư mới và mở rộng sản xuất kinh doanh cho đến cuối năm 2020.

Trên phương diện đầu tư gián tiếp, dòng vốn đầu tư sẽ tiếp tục hướng đến các tài sản có tính an toàn cao cho đến khi có dấu hiệu chắc chắn rằng sự lây lan của dịch bệnh trên toàn cầu được chặn đứng. Do vậy, động thái nới lỏng tiền tệ gần đây sẽ chưa thể thúc đẩy dòng vốn ngoại vào Việt Nam gia tăng trở lại trong ngắn hạn. Tuy nhiên, động thái nới lỏng tiền tệ của các Ngân hàng trên thế giới là liều thuốc an thần cho thị trường tài chính.

Mặc dù chưa thể làm đảo ngược xu hướng giảm giá trên TTCK toàn cầu, việc nới lỏng tiền tệ của các Ngân hàng Trung ương trên thế giới được kỳ vọng hỗ trợ mạnh mẽ thanh khoản cho thị trường tài chính cũng như nền kinh tế, giảm thiểu các rủi ro đổ vỡ tiềm tàng trên thị trường tài chính, từ đó dần ổn định tâm lý của các nhà đầu tư trên thị trường. 

Đối với Việt Nam, tuyên bố tái khởi động chương trình nới lỏng định lượng của FED dù chưa thể đảo ngược xu thế bán ròng của khối ngoại trên TTCK hiện nay nhưng cũng sẽ phần nào trấn an tâm lý của các nhà đầu tư trên thị trường.

Trong trung và dài hạn, dòng vốn giá rẻ sẽ tìm đến các quốc gia có khả năng khôi phục hoạt động sản xuất nhanh nhất và Việt Nam nổi lên là một ứng cử viên sáng giá.

Hiện nay nhiều Ngân hàng trên thế giới như Mỹ, EU và Đức cũng đã tuyên bố tăng mạnh quy mô các gói nới lỏng định lượng (QE) để hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh lãi suất điều hành tại nhiều quốc gia đã về mức thấp kỷ lục và không thể giảm thêm nữa. Mục tiêu của các gói nới lỏng định lượng (QE) là làm giảm lãi suất dài hạn trên thị trường để hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh mặt bằng lãi suất ngắn hạn đã về gần bằng 0. Hiện tại, lãi suất điều hành của FED đã chạm mức 0% (cận dưới) trong khi lãi suất điều hành của BOJ thậm chí xuống mức -0,1%.

Trong giai đoạn 2008-2013, dòng vốn giá rẻ đã chảy mạnh vào các thị trường mới nổi và cận biên trong bối cảnh FED đẩy mạnh chương trình nới lỏng định lượng (QE) để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Theo Khối phân tích, Công ty CP Chứng khoán VNDIRECT, mặc dù bối cảnh hiện tại có nhiều khác biệt so với giai đoạn trước, nhưng sau khi thị trường tài chính quốc tế ổn định trở lại, dòng vốn giá rẻ sẽ hướng đến các quốc gia có triển vọng tăng trưởng tích cực. Đặc biệt, dòng vốn giá rẻ sẽ lựa chọn các quốc gia đã chứng minh được sự hiệu quả trong phòng chống dịch COVID-19 cũng như có năng lực khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh với tốc độ nhanh nhất sau khi dịch COVID-19 suy yếu.

Việt Nam là một ứng cử viên tiềm năng do đã chứng minh được năng lực phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả được cộng đồng quốc tế công nhận, hơn nữa Việt Nam vẫn duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh tương đối ổn định bất chấp đẩy mạnh phòng chống dịch COVID-19, và vì thế hoàn toàn có năng lực và khả năng để tăng trưởng sản xuất một cách nhanh nhất sau khi dịch COVID-19 qua đi..

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Dòng vốn giá rẻ sẽ lựa chọn các quốc gia ngăn chặn được COVID-19?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO