Dự kiến tháng 6 tới, Ngân hàng Techcombank sẽ tiến hành đợt IPO số vốn huy động dự kiến khoảng trên 900 triệu USD. Nếu điều này thành sự thật sẽ xô đổ kỷ lục đợt IPO của Vincom Retail năm ngoái.
Có thể bạn quan tâm |
Đợt IPO lần này của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) hiện đang thu khá nhiều nhà đầu tư nước ngoài, điểm danh trong số đó có Dragon Capital, quỹ GIC của Singapore và Fidelity đều muấn đàm phán để trở thành nhà đầu tư chủ chốt.
Các đợt chào bán cổ phiếu đang bùng nổ ở Việt Nam và trong quá trình đẩy nhanh làn sóng tư nhân hóa. Nhu cầu cao từ các nhà đầu tư nước ngoài và quỹ trong nước đã đẩy chỉ số VN-Index tăng 19% tính cho tới thời điểm này trong năm 2018, qua đó giúp Việt Nam trở thành một ngôi sao sáng ở thị trường Đông Nam Á. Trước đó, trong năm 2017, chỉ số VN-Index đã vọt gần 50%.
Techcombank đang chào bán cổ phiếu trong khoảng giá 120.000-128.000 đồng/cp. Với mức giá này, Techcombank dự kiến huy động được 864-922 triệu USD.
Đợt IPO của Techcombank sẽ còn lớn hơn cả đợt chào bán cổ phần của Vincom Retail hồi năm ngoái – vốn huy động được 700 triệu USD.
Cổ phiếu của Techcombank sẽ được niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) và được kỳ vọng có mức định giá từ 6,1 tỷ USD cho tới 6,5 tỷ USD. Nếu đúng như thế thì Techcombank sẽ lọt vào top 10 công ty Việt Nam có vốn hóa lớn nhất.
Trước đó, Quỹ Warburg Pincus đồng ý đầu tư hơn 370 triệu USD vào Techcombank hồi tháng 3/2018, cũng là đợt đầu tư vốn tư nhân lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam. Hiện tại, giá cổ phiếu Techcombank đang dao động ở mức 110.000 – 120.000 đồng/cổ phiếu.
Trong đợt Đại hội cổ đông mới đây, Ban lãnh đạo Techcombank tiếp tục tỏ ra khá tham vọng khi đặt kế hoạch lợi nhuận năm 2018 tăng trưởng tới 24% so với năm 2017, lên mức 10.000 tỷ đồng; tổng tài sản dự kiến đạt 315.184 tỷ đồng, tăng trưởng 17%; huy động vốn tăng trưởng 40%, tín dụng tăng trưởng 18%, đạt 213.582 tỷ đồng và duy trì nợ xấu thấp hơn 2%.
Trước thông tin Techcombank có kế hoạch lên sàn HOSE, một số cổ đông tỏ ra lo ngại kế hoạch sẽ tiếp tục được “nằm trên giấy” bởi ngân hàng cũng đã từng trình kế hoạch niêm yết từ vài năm trước nhưng cho tới thời điểm hiện tại vẫn chưa thực hiện được.
Ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch HĐQT ngân hàng Techcombank cho biết, năm 2017 ngân hàng “lỡ hẹn” là do thời điểm đó chưa thích hợp để niêm yết. Thời điểm 2018, cùng với việc ngân hàng đưa ra kế hoạch bán cổ phần cho cổ đông nước ngoài và cổ phiếu ESOP, sẽ là thời điểm phù hợp để niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Bên cạnh đó, vấn đề trả cổ tức tiếp tục không được đề cập đến tại ĐHĐCĐ năm nay. Đây là năm thứ 8 ngân hàng này không thực hiện trả cổ tức cho cổ đông.