Doanh nghiệp

Đột phá thu hút dòng đầu tư FDI vào ngành công nghiệp

Thy Hằng 19/01/2025 10:55

Việc tập trung phát triển công nghiệp, tăng nội lực ngành sản xuất sẽ góp phần thu hút và giữ chân dòng vốn FDI.

Năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của Việt Nam tăng 8,4% so với năm trước. Trong đó, sản xuất công nghiệp tăng nhanh trong quý II và quý III, có xu hướng tăng trưởng chậm hơn trong quý IV.

samsung1_efoy-1630.jpg
Nhiều tập đoàn lớn tiếp tục mở rộng nhà máy và thành lập các trung tâm R&D tại Việt Nam như Samsung, Apple, Marvell, NVIDIA, BYD, ..

Đáng lưu ý, theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), Việt Nam đã có những thành công đáng ghi nhận trong việc thu hút các dự án FDI lớn vào các ngành công nghiệp.

Theo đó, nhiều dự án FDI quy mô lớn trong lĩnh vực chế biến, chế tạo đóng vai trò hết sức quan trọng trong kim ngạch xuất khẩu của quốc gia, phát triển hệ thống doanh nghiệp cung ứng nội địa, giải quyết việc làm tại địa phương và đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước. Một số tập đoàn lớn đã mở rộng nhà máy và thành lập các trung tâm R&D tại Việt Nam như Samsung, Apple, Marvell, NVIDIA, BYD, ..

Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, cũng đã có những nhà đầu tư bày tỏ quan tâm đối với Việt Nam nhưng lại chuyển hướng đầu tư sang nước khác. Ngoài vấn đề mất dần lợi thế nguồn nhân công giá rẻ, Việt Nam còn đang đối mặt với điểm yếu cố hữu của ngành công nghiệp – công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển tương xứng.

Hiện nay, trong tổng số hơn 41.720 dự án FDI còn hiệu lực tính đến tháng 11/2024, thì có 17.754 dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt 303,874 tỷ USD, chiếm hơn 61% tổng vốn đăng ký đầu tư của cả nước.

cdn1z.reatimes.vn-652356615132086272-2025-1-9-_13-nha-may-v3-cua-lg-innotek-17-17364033965171588372673.jpg
Hơn 61% tổng vốn đăng ký đầu tư của các nhà đầu tư FDI là trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo.

Cơ cấu đầu tư như trên có tác động tích cực đến sự phát triển các ngành công nghiệp của Việt Nam, phù hợp với chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa của nước ta. Tuy nhiên, việc thu hút vốn FDI có hiệu quả không, nền kinh tế có thể hấp thu được các công nghệ, vốn nước ngoài mang vào hay không phụ thuộc lớn vào việc phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước.

Thực tế, chuyên gia nhận định, ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước còn yếu kém, khiến Việt Nam chưa có được một hệ thống nhà cung ứng nội địa các linh kiện, chi tiết sản phẩm phục vụ tại chỗ cho dây chuyền sản xuất, chuỗi giá trị sản phẩm của các tập đoàn đa quốc gia khi đầu tư vào Việt Nam.

“Doanh nghiệp ngành công nghiệp chế tạo hầu hết có quy mô nhỏ nên sản lượng không lớn, kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt khoảng một tỷ USD. Hiện ngành đã xuất khẩu trực tiếp sang một số thị trường lớn như Bắc Mỹ, Canada, các nước châu Âu, các nước Đông Nam Á, Nhật Bản, Hàn Quốc, còn xuất khẩu gián tiếp qua khách hàng hoặc các công ty FDI tại Việt Nam”, bà Trương Thị Chí Bình, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam nhận định.

Để khắc phục thực tế này, bà Trương Thị Chí Bình đề nghị, cơ quan quản lý nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp trong nước đàm phán với các doanh nghiệp FDI lớn như Samsung để đề xuất được cung ứng những sản phẩm giá trị cao hơn. Giúp doanh nghiệp nắm bắt nhu cầu của các đối tác đầu tư mới tại Việt Nam để có sự chuẩn bị và đón đầu.

Lý giải điều này, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho rằng, nếu không có các chính sách thiết thực, đủ mạnh và kịp thời để thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp hỗ trợ, Việt Nam cũng sẽ có nguy cơ bỏ lỡ các dòng vốn đầu tư lớn trong xu thế chuyển dịch của chuỗi giá trị toàn cầu cũng như đổi mới mô hình phát triển công nghiệp.

Để tiếp tục thu hút dòng đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, Bộ Công Thương đưa ra một số giải pháp cụ thể, tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ theo các định hướng chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Chính phủ. Từ đó, tạo ra một hệ thống cung ứng tại chỗ đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó trong tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ để thu hút và giữ chân dòng vốn FDI là bài học kinh nghiệm thành công điển hình của các quốc gia trong khu vực mà tiêu biểu là Thái Lan. Thực tế, trong thời gian trước đây cũng như hiện tại, nhiều nhà đầu tư trong trong các ngành sản xuất đã lựa chọn Thái Lan hoặc Indonesia vì hệ thống cung ứng nội địa của Việt Nam kém cạnh tranh hơn nhiều so với các quốc gia này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đột phá thu hút dòng đầu tư FDI vào ngành công nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO