Đột phá tư duy trong quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp

YẾN NHUNG 17/07/2024 11:00

Góp ý Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, nhiều chuyên gia đánh giá, tư duy soạn thảo của Dự thảo Luật rất mới, mang tính đột phá so với Luật số 69/2014/QH13 trước đây.

>>Sửa đổi Luật số 69/2014: Tăng hiệu quả sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp

Hiện tại, Bộ Tài chính đã xây dựng và đang lấy ý kiến góp ý với Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Dự thảo Luật), thay thế Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13).

 Tọa đàm “Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp” do Bộ Tài chính (Cục Tài chính doanh nghiệp) phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tổ chức tháng 7/2024. Ảnh: Gia Hân

Tọa đàm “Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp” do Bộ Tài chính (Cục Tài chính doanh nghiệp) phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tổ chức tháng 7/2024. Ảnh: Gia Hân

Cần thiết sửa đổi

Trong 10 năm qua, Luật số 69/2014/QH13 cùng các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo hành lang pháp lý cho việc đầu tư vốn nhà nước vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp phù hợp với yêu cầu đổi mới, hội nhập, cơ cấu lại doanh nghiệp có vốn nhà nước...

Tuy nhiên, trong giai đoạn vừa qua, một số chủ trương, quan điểm chỉ đạo và hệ thống pháp luật có liên quan đến việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp có nhiều thay đổi; quá trình triển khai thực hiện Luật số 69/2014/QH13 và các văn bản hướng dẫn trong thực tế đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, chưa kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cần thiết phải được rà soát, sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn và định hướng cơ cấu lại doanh nghiệp có vốn nhà nước trong thời gian tới.

Để thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, nâng cao hiệu quả quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trước yêu cầu của thực tiễn quản lý, hội nhập quốc tế, nhằm khắc phục những hạn chế, tồn tại trong Luật số 69/2014/QH13 và quá trình thi hành Luật, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật Việt Nam, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất và Quốc hội thông qua việc ban hành Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp thay thế Luật số 69/2014/QH13.

>>“Cuộc cách mạng” về quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp

Tư duy đột phá

Dự thảo Luật gồm 09 chương và 92 điều với nhiều quy định cởi mở, đã phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho các doanh nghiệp nhà nước. Trong đó, những vấn đề được các chuyên gia quan tâm nhất là phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng.

Về phạm vi điều chỉnh, Dự thảo Luật đảm bảo thực hiện nguyên tắc Nhà nước không trực tiếp quản lý pháp nhân doanh nghiệp, mà chỉ quản lý dòng vốn đầu tư tại doanh nghiệp và doanh nghiệp hoạt động theo quy định của pháp luật doanh nghiệp; vốn Nhà nước sau khi đã đầu tư vào doanh nghiệp được xác định là tài sản/vốn của pháp nhân doanh nghiệp...

Trên cơ sở đó, Nhà nước xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của mình đối với phần vốn của Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, Nhà nước là chủ sở hữu đầu tư vốn, không can thiệp hành chính vào hoạt động quản trị sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Về đối tượng áp dụng, theo cơ quan soạn thảo, Luật số 69/2014/QH13 hiện hành không quy định đối tượng áp dụng là doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước tại các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp. Chính điều này dẫn đến các quy định về sử dụng vốn, can thiệp hành chính vào trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp, các doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp còn có sự lúng túng, chưa thống nhất trong tổ chức thực hiện.

Do vậy, với lần sửa đổi luật này, Ban soạn thảo đã xác định đối tượng điều chỉnh bao gồm Cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn, người đại diện chủ sở hữu vốn; Doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư, gồm doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp là doanh nghiệp có vốn đầu tư của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn và doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác là doanh nghiệp có vốn đầu tư của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp; Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc phạm vi điều chỉnh của Luật.

Đồng tình với cơ quan soạn thảo khi tiếp cận theo hướng quản lý dòng vốn thông qua đại diện, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế VCCI chỉ rõ, trước hết phải khẳng định doanh nghiệp nhà nước cũng là một doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Nhà nước là một chủ sở hữu, một cổ đông. Cách tiếp cận thể hiện Nhà nước không can thiệp, “không thò bàn tay vào” quản lý, mà gắn với trách nhiệm của đại diện được Nhà nước cử ra, trường hợp nếu có can thiệp thì cũng dựa trên tinh thần của Luật Doanh nghiệp. “Ngoài ra, đối tượng điều chỉnh không còn cơ học như trước đây quy định tỷ lệ mà hiện nay quản lý theo dòng vốn Nhà nước. Như vậy, hoàn toàn có thể yên tâm về đối tượng áp dụng này”, ông Đậu Anh Tuấn chia sẻ.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Mậu, thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nhận định, Dự thảo Luật đã đáp ứng được các nguyên tắc cơ bản mang tính “cách mạng” để thực hiện triệt để chức năng, nhiệm vụ của doanh nghiệp Nhà nước, cũng như các chủ sở hữu, đại diện vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Có thể bạn quan tâm

  • Sửa đổi Luật số 69/2014: Tăng hiệu quả sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp

    Sửa đổi Luật số 69/2014: Tăng hiệu quả sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp

    03:50, 02/04/2024

  • “Cuộc cách mạng” về quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp

    “Cuộc cách mạng” về quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp

    04:00, 14/07/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đột phá tư duy trong quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO