Với nhiều chính sách được đề xuất mang tính đột phá, Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ tạo nền tảng cho quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp hiệu quả.
Theo đó, Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp được xây dựng dựa trên các chủ trương lớn của Đảng, như Nghị quyết 12-NQ/TW về cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, Quy định 178-QĐ/TW về phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật, và Nghị quyết 57-NQ/TW về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia.
Chia sẻ về nội dung Dự thảo Luật, cơ quan soạn thảo cho rằng, Dự thảo đã kế thừa các quy định còn phù hợp của Luật Quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2015 (Luật 69/2014/QH13), đồng thời sửa đổi, bổ sung để giải quyết các vướng mắc thực tiễn, đảm bảo không chồng chéo với Luật Doanh nghiệp và các luật liên quan khác.
Một trong những nguyên tắc cốt lõi của Luật là Nhà nước chỉ thực hiện quyền, nghĩa vụ tương ứng với tỷ lệ sở hữu vốn, không can thiệp trực tiếp vào hoạt động sản xuất kinh doanh và quản lý điều hành của doanh nghiệp, từ đó nâng cao tính tự chủ và trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp.
Theo cơ quan soạn thảo, Dự thảo Luật đã cắt giảm 30% thủ tục hành chính, tương đương 7/24 thủ tục so với Luật 69/2014/QH13, bao gồm các thủ tục như phê duyệt báo cáo tài chính, chiến lược kinh doanh 5 năm, kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm, và phê duyệt quỹ tiền lương, thù lao. Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty được trao quyền chủ động quyết định nhiều nội dung quan trọng, như ban hành chiến lược kinh doanh 5 năm, kế hoạch kinh doanh hằng năm, huy động vốn, cho vay vốn, và quyết định chính sách tiền lương, thù lao, tiền thưởng cho người lao động và người quản lý.
Đặc biệt, doanh nghiệp được phép huy động vốn vượt quá 3 lần vốn chủ sở hữu mà chỉ cần thông báo cho cơ quan đại diện chủ sở hữu để giám sát, chuyển từ cơ chế tiền kiểm sang hậu kiểm, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động kinh doanh. Phạm vi đầu tư vốn Nhà nước cũng được mở rộng, bao gồm các lĩnh vực mới như phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia, các doanh nghiệp tại địa bàn trọng yếu về quốc phòng, an ninh, và các công trình hạ tầng trọng điểm quốc gia…
Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế ngày một sâu rộng, không ít ý kiến cho rằng, việc sửa đổi Luật này được kỳ vọng vừa nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn lực vốn Nhà nước, vừa bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, cũng như khẳng định vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế quốc gia.
Thực tế, báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Kinh tế và Tài chính tại phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua cho thấy, sau khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Dự thảo Luật đã được rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu tối đa ý kiến của đại biểu.
Về nội dung, Dự thảo cơ bản kế thừa những quy định đã được áp dụng ổn định trong thực tiễn và bổ sung, hoàn thiện quy định để giải quyết bất cập, vướng mắc của Luật 69/2014/QH13.
Cho ý kiến về Dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội - Trần Thanh Mẫn đánh giá, Dự thảo Luật lần này đã thể hiện rõ hơn nỗ lực cải cách, tăng tính tự chủ cho doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo quản lý hiệu quả vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Đồng thời, nhấn mạnh quan điểm ủng hộ việc sửa đổi luật một cách căn bản, mạnh mẽ để phát huy vai trò chủ đạo của doanh nghiệp Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, quan tâm, làm rõ hơn các quy định về phạm vi điều chỉnh, cơ chế giám sát, đảm bảo khả thi, minh bạch, đồng bộ.
Xoay quanh nội dung Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, không ít ý kiến cũng bày tỏ, việc hoàn thiện Dự thảo Luật này không chỉ là bước tiến trong việc nâng cao hiệu quả quản lý vốn Nhà nước mà còn tạo nền tảng pháp lý vững chắc để doanh nghiệp Nhà nước vận hành theo cơ chế thị trường, cạnh tranh bình đẳng, và phát triển bền vững. Những thay đổi này hứa hẹn sẽ thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế Nhà nước, đồng thời góp phần thực hiện các mục tiêu chiến lược của đất nước trong giai đoạn 2021-2030.
Được biết, sau khi tiếp thu, chỉnh lý, Dự thảo Luật gồm có 9 Chương, 63 Điều, tăng 1 Chương, 1 Điều so với Dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8. Và theo Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, tại phiên họp sáng nay (13/5), Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội - Phan Văn Mãi trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật lần này, các đại biểu Quốc hội tham gia thảo luận, góp ý, sau đó, cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.