Nghiên cứu - Trao đổi

Tách bạch chức năng quản lý để khơi nguồn lực vốn Nhà nước tại doanh nghiệp

Bài: Gia Nguyễn - Ảnh: Quốc Tuấn 02/05/2025 04:30

Để khơi nguồn lực, góp ý Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, một số ý kiến cho rằng, cần tách bạch chức năng quản lý, đẩy mạnh hơn nữa phân cấp, phân quyền...

Sau tiếp thu, chỉnh lý, Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp gồm có 09 Chương 63 Điều, tăng 01 Chương so với Dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8.

Đáng nói, theo báo cáo của Chính phủ, Dự thảo Luật đã chỉnh lý cắt giảm 7/24 (khoảng 30%) thủ tục hành chính, giảm chi phí, thời gian tuân thủ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.

tach-bach-chuc-nang-quan-ly-de-khoi-thong-nguon-luc-von-nha-nuoc-tai-doanh-nghiep-1.5.1.jpg
Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp gồm có 09 Chương 63 Điều - Ảnh minh họa

Theo Dự thảo Luật, Nhà nước thực hiện các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm tương ứng với tỷ lệ sở hữu vốn góp tại doanh nghiệp, bình đẳng như các nhà đầu tư khác, không can thiệp trực tiếp vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hoạt động quản lý điều hành của người quản lý doanh nghiệp…

Nhiều điều, khoản tại Dự thảo Luật đã thể hiện tinh thần này. Như Điều 19 Dự thảo quy định doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về việc huy động vốn, trường hợp huy động vốn vượt quá 3 lần vốn chủ sở hữu thì doanh nghiệp được chủ động quyết định nhưng phải gửi thông tin cho cơ quan đại diện chủ sở hữu để giám sát. Chính phủ quy định về các nội dung, tiêu chí để cơ quan đại diện chủ sở hữu giám sát, cảnh báo.

Về hoạt động đầu tư, Điều 20 Dự thảo quy định đối với dự án đầu tư sử dụng toàn bộ hoặc một phần vốn đầu tư công, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công; đối với dự án đầu tư thuộc diện phải chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty quyết định dự án đầu tư sau khi hoàn thành thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư.

Về chuyển nhượng dự án đầu tư, vốn đầu tư của doanh nghiệp, tại Điều 21 Dự thảo bổ sung nguyên tắc không bị hạn chế bởi điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng theo pháp luật chứng khoán nhằm đảm bảo công khai minh bạch, theo đó sẽ không gặp vướng mắc khi đấu giá công khai để thoái vốn đầu tư tại doanh nghiệp có lỗ lũy kế, có quy mô vốn nhỏ dưới 30 tỷ...

tach-bach-chuc-nang-quan-ly-de-khoi-thong-nguon-luc-von-nha-nuoc-tai-doanh-nghiep-1.5.2.jpg
Góp ý Dự thảo Luật, nhiều ý kiến cho rằng, cần tách bạch chức năng quản lý, đẩy mạnh hơn nữa phân cấp, phân quyền để khơi nguồn lực vốn Nhà nước tại doanh nghiệp - Ảnh minh họa

Đánh giá cao những tiếp thu, chỉnh lý của Dự thảo Luật này, tuy nhiên, để tiếp tục hoàn thiện, nhiều ý kiến cho hay, cơ chế, chính sách được đề xuất cần tách bạch chức năng quản lý, phân cấp, phân quyền mạnh mẽ trách nhiệm cho cơ quan đại diện chủ sở hữu và lãnh đạo doanh nghiệp.

Định hướng về bố cục, nội dung Dự thảo Luật, Phó Thủ tướng Chính phủ - Hồ Đức Phớc cho rằng, về nội dung, trước hết, Luật sửa đổi phải bảo đảm nguyên tắc “chỗ nào có vốn Nhà nước thì chỗ đó phải quản lý”. Vấn đề là có hình thức quản lý phù hợp để vừa quản lý hiệu quả, vừa kiến tạo phát triển.

Tham gia góp ý xây dựng, hoàn thiện Dự thảo Luật, đại diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đề nghị, trong luật sửa đổi cần phân cấp mạnh mẽ và cụ thể quyền tự chủ thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sản xuất, kinh doanh hàng năm cho hội đồng thành viên, hội đồng quản trị; đề xuất bổ sung quy định về xử lý rủi ro; có cơ chế đánh giá doanh nghiệp theo cả quá trình để phản ánh đúng hoạt động của doanh nghiệp…

Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam góp ý, về phân cấp thẩm quyền quyết định đầu tư, thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sản xuất, kinh doanh hàng năm, kế hoạch 5 năm, bên cạnh đó, làm rõ nội hàm khái niệm Quỹ đầu tư phát triển, cơ chế quản lý đối với việc bổ sung vốn; cơ chế phân phối lợi nhuận… việc tạo lập cơ chế quản lý chỉ đến F1 sẽ tăng quyền tự chủ, tự quyết, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp.

Ngoài ra, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng đề nghị, Luật này chỉ nên quy định khung, đẩy mạnh phân quyền cho các chủ thể.

Trước đó, tham gia góp ý Dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội – Trần Thanh Mẫn cũng cho hay, Dự thảo Luật quy định đối tượng áp dụng doanh nghiệp nhà nước nắm giữ từ 50-100% vốn Nhà nước, bao gồm doanh nghiệp thuộc tổ chức chính trị xã hội và xã hội nghề nghiệp, không bao gồm doanh nghiệp có vốn đầu tư khác do doanh nghiệp nhà nước đầu tư để tăng tính tự chủ. Về vấn đề này, cơ quan trình Dự án Luật nên làm rõ cơ chế quản lý đối với doanh nghiệp có dưới 50% vốn Nhà nước để tránh khoảng trống pháp luật.

Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu, cần tách bạch chức năng quản lý Nhà nước, đại diện chủ sở hữu vốn, không can thiệp hành chính vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, phân cấp, phân quyền mạnh mẽ trách nhiệm cho cơ quan đại diện chủ sở hữu và lãnh đạo doanh nghiệp. Cùng với đó, quy định tăng tỷ lệ trích lập Quỹ đầu tư phát triển từ lợi nhuận sau thuế để động viên doanh nghiệp phát triển, có chính sách tiền lương đảm bảo cạnh tranh, thu hút nhân lực chất lượng cao.

Về cổ phần hóa và thoái vốn, Chủ tịch Quốc hội - Trần Thanh Mẫn cũng đề nghị quy định rõ trong luật để không thất thoát tài sản của Nhà nước. Doanh nghiệp có vốn Nhà nước cần có quy định về nguyên tắc để nhà nước nắm trên 50% cổ phần, tăng tính chủ động của quỹ đầu tư phát triển. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát để doanh nghiệp Nhà nước đủ mạnh, đóng vai trò chủ đạo của nền kinh tế…

Được biết, theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, dự kiến Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ được xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2026.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tách bạch chức năng quản lý để khơi nguồn lực vốn Nhà nước tại doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO