Nghiên cứu - Trao đổi

Phải có cơ chế quản lý và theo dõi nguồn vốn Nhà nước tại doanh nghiệp

Bài: Gia Nguyễn - Ảnh: Quốc Tuấn 02/12/2024 04:30

Để tránh thất thoát, góp ý Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, nhiều ý kiến cho rằng, phải có cơ chế quản lý và theo dõi nguồn vốn Nhà nước...

Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp được xây dựng nhằm hoàn thiện thể chế, ổn định môi trường pháp lý cho việc đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp, tạo môi trường và hành lang pháp lý đầy đủ, ổn định cho hoạt động quản lý, đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

quan-ly-von-nha-nuoc-tai-doanh-nghiep-01.12.1.jpg
Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp được xây dựng nhằm hoàn thiện thể chế, ổn định môi trường pháp lý cho việc đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp - Ảnh minh họa

Đồng thời, nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước tương xứng với nguồn vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, đảm bảo doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, giữ vị trí then chốt trong nền kinh tế, huy động và phát huy hết các nguồn lực của khu vực kinh tế Nhà nước nói chung, doanh nghiệp Nhà nước nói riêng cho phát triển kinh tế - xã hội.

Dù được đánh giá cao về những nội dung chính sách được đề xuất, tuy nhiên, bên cạnh những điểm tích cực, Dự thảo Luật được cho vẫn còn một số vấn đề cần được xem xét, hoàn thiện.

Liên quan đến việc quản lý doanh nghiệp Nhà nước, theo đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội, doanh nghiệp Nhà nước đang nắm giữ một khối lượng tiền, tài sản rất lớn trong các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế. Tuy nhiên, hoạt động thì kém hiệu quả hơn so với các doanh nghiệp tư nhân. Một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng trên là cơ chế quản lý đối với doanh nghiệp Nhà nước hiện nay còn chưa phù hợp, chồng chéo và trói buộc. Nguồn vốn đầu tư vào doanh nghiệp Nhà nước bị thất thoát vẫn không được phát hiện kịp thời. Khi phát hiện thì cũng không quy được trách nhiệm và khi có quy trách nhiệm xử lý được cá nhân thì tiền cũng đã bị thất thoát.

quan-ly-von-nha-nuoc-tai-doanh-nghiep-01.12.2.jpg
Góp ý Dự án Luật này, nhiều ý kiến cho rằng, phải có cơ chế quản lý và theo dõi nguồn vốn Nhà nước tại doanh nghiệp - Ảnh minh họa

Vì vậy, đại biểu bày tỏ, cần thiết phải sửa căn bản Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp để tạo ra một cơ chế quản lý mới, phân định rõ quyền, trách nhiệm giữa quản lý của cơ quan đại diện chủ sở hữu với quản trị của doanh nghiệp để tạo một cơ chế thông thoáng cho các doanh nghiệp Nhà nước, đồng thời tạo một cơ chế phù hợp để quản lý có hiệu quả vốn của Nhà nước đã đầu tư vào doanh nghiệp.

Góp ý việc quản lý doanh nghiệp Nhà nước, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, phải có cơ chế quản lý và theo dõi nguồn vốn tại doanh nghiệp. Theo đó, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng chỉ đối với doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ là chưa phù hợp, chưa đáp ứng được yêu cầu là tiền Nhà nước đầu tư đến đâu thì phải quản lý đến đó.

“Do vậy, cần mở rộng đối tượng, đưa các yêu cầu có tính nguyên tắc và quản lý, giám sát với cả các doanh nghiệp có được vốn đầu tư dưới 50% và cả những doanh nghiệp F2, F3 là những doanh nghiệp mà do doanh nghiệp Nhà nước đầu tư vốn”, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị.

Ngoài nội dung đã nêu, về khoản 9, Điều 4 quy định người đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp gồm một nhóm người, theo đại biểu Hoàng Văn Cường là chưa phù hợp. Bởi, như thế sẽ không phát huy được vai trò của người đứng đầu, đồng thời cũng không xác định được trách nhiệm cá nhân nếu như tiền vốn đầu tư vào doanh nghiệp bị thất thoát.

“Do vậy, đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ nên là một người”, đại biểu Hoàng Văn Cường góp ý.

Đồng quan điểm, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh lấy ví dụ minh chứng việc quy định “phạm vi áp dụng cho các đối tượng có vốn Nhà nước nắm giữ trên 50%” chưa phù hợp. Cụ thể, nếu 1 công ty cổ phần có phần vốn Nhà nước chiếm 49%, số còn lại chia cho 5 cổ đông lớn khác, mỗi người sở hữu chưa đến 10% cổ phần. Như vậy vốn Nhà nước sẽ chiếm ưu thế, nếu không quy định sẽ không rõ ai sẽ chịu trách nhiệm quản lý, thi hành, theo dõi. Phần vốn Nhà nước trong các doanh nghiệp này sẽ được quản lý, sử dụng như thế nào; phần lợi nhuận thu được từ đầu tư vốn sẽ được xử lý hay chế tài xử lý vi phạm sẽ ra sao?

Từ đó, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ đề nghị, cần mở rộng phạm vi quản lý đối với doanh nghiệp có dưới 50% vốn Nhà nước và quy định về nguyên tắc quản lý dòng tiền của Nhà nước là dòng tiền Nhà nước đi tới đâu thì Nhà nước theo dõi và quản lý tới đó và chỉ quản lý dựa theo tỷ lệ sở hữu vốn cổ phần. Có như vậy, mới đảm bảo được nguyên tắc quản trị tài chính.

Ngoài việc quản lý nguồn vốn của Nhà nước, liên quan quy định nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của doanh nghiệp quy định tại Điều 12. Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ cho rằng, dự án luật liệt kê 15 nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của doanh nghiệp trong quản lý điều hành, tuân thủ các quy định của pháp luật và một số nhiệm vụ về công tác thực thi. Tuy nhiên, cần bổ sung quy định về doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về đầu ra từ việc sử dụng vốn Nhà nước để kinh doanh.

Theo đó, loại trừ doanh nghiệp thực hiện mục tiêu công ích của Nhà nước thì các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh phải chịu trách nhiệm về việc sử dụng hiệu quả vốn Nhà nước, đảm bảo đạt lợi ích kinh tế (có loại trừ trường hợp rủi ro do nguyên nhân khách quan như thiên tai, địch hoạ, hay cú sốc từ kinh tế, chính trị, xã hội). Nếu không có quy định về trách nhiệm này thì doanh nghiệp chỉ cần bảo toàn đủ vốn là đạt yêu cầu.

Được biết, sau khi được đưa ra lấy ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV vừa qua, Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ tiếp tục được tiếp thu, chỉnh lý. Dự kiến sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9 diễn ra vào tháng 5/2025.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Phải có cơ chế quản lý và theo dõi nguồn vốn Nhà nước tại doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO