Nghiên cứu - Trao đổi

Cần rà soát lại cấu trúc Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Gia Nguyễn 29/11/2024 04:30

Dù đem đến nhiều kỳ vọng với các đề xuất chính sách mới, tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, cần rà soát lại cấu trúc Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp…

Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp gồm 08 Chương và 62 Điều. Nội dung Dự thảo Luật được cho đã bám sát vào mục đích, quan điểm chỉ đạo và cụ thể hóa nội dung 06 nhóm chính sách nhằm thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, trước yêu cầu mới từ thực tiễn quản lý và hội nhập quốc tế. Kịp thời khắc phục những hạn chế, tồn tại của Luật hiện hành, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật Việt Nam.

quan-ly-von-nha-nuoc-tai-doanh-nghiep-28.11.1.1.jpg
Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp đem đến nhiều kỳ vọng - Ảnh minh họa: ITN

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tích cực và kỳ vọng Dự thảo Luật mang lại, một số ý kiến cho rằng, Dự thảo vẫn còn đó những tồn tại, hạn chế cần được xem xét, rà soát lại.

Góp ý Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đại biểu Phan Đức Hiếu – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình đề nghị, cần rà soát, thiết kế lại cấu trúc của Dự thảo luật.

Theo đó, Dự án Luật cần bám sát ba nguyên tắc chính như: không quy định lại những nội dung đã được quy định trong các luật khác, xây dựng theo nguyên tắc doanh nghiệp được làm những gì pháp luật không cấm và xác định đúng phạm vi điều chỉnh của luật, tránh chồng lấn, mâu thuẫn với các luật khác trong hệ thống pháp luật.

Cùng với vấn đề đã nêu, đại biểu Phan Đức Hiếu cũng cho rằng, nhiều khái niệm trong luật không cần thiết vì đã được quy định rõ ràng trong các luật chuyên ngành khác như Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán. Mặt khác, cần chú trọng đưa ra định nghĩa rõ ràng, chính xác các khái niệm mang tính then chốt trong Dự thảo Luật như: “quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp” và “vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp”...

quan-ly-von-nha-nuoc-tai-doanh-nghiep-28.11.1.2.jpg
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tích cực, Dự thảo Luật này được cho còn nhiều vấn đề cần được giải quyết - Ảnh minh họa: ITN

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị, Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ nên quy định về phân công, phân cấp trách nhiệm giữa các cơ quan Nhà nước trong thực hiện quyền của chủ sở hữu, không đi sâu vào các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, xác định rõ vai trò, nhiệm vụ của Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước và các bộ, ngành có liên quan, nghiên cứu bổ sung một điều khoản về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan này.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Trường Giang – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông nhấn mạnh, cần đảm bảo tính thống nhất của dự án luật trong hệ thống pháp luật nói chung. Do đó, cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục rà soát và xác định rõ các quan điểm chính sách cần thể hiện, từ đó, thiết kế, bố trí nội dung Dự thảo Luật một cách hợp lý, đảm bảo đúng mục tiêu, yêu cầu đề ra khi đề nghị xây dựng dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Tham gia góp ý Dự thảo Luật, đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cũng đề nghị, cần làm rõ một số ý.

Cụ thể, theo đại biểu, một là, làm rõ 4 nội dung liên quan đến quản lý hoạt động đầu tư tiền của Nhà nước vào doanh nghiệp, gồm dùng ngân sách Nhà nước để đầu tư, tăng vốn cho doanh nghiệp; tái cơ cấu phần vốn đó, gồm tăng thêm hoặc thoái vốn; mục tiêu của việc đầu tư vốn vào doanh nghiệp để thực hiện các nhiệm vụ gì; phải kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguồn vốn đó, chứ không phải làm thay.

Hai là, phân định rất rõ cơ quan đại diện chủ sở hữu và người đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, để tránh lẫn lộn chức năng.

“Hiện nay, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là cơ quan đại diện chủ sở hữu, có trách nhiệm giao nhiệm vụ cho doanh nghiệp mà Nhà nước đầu tư và kiểm tra xem doanh nghiệp có sử dụng đúng các quy định không, có biện ngăn chặn, có biện pháp để xử lý nếu thấy rủi ro. Đó là quyền của cơ quan đại diện chủ sở hữu. Còn người được giao đại diện tại doanh nghiệp, tức là cá nhân đó lại phải chịu trách nhiệm tổ chức hoạt động kinh doanh, sử dụng vốn có hiệu quả để thực hiện được các mục tiêu cơ quan đại diện chủ sở hữu giao. Điều 11 của Dự thảo đang có sự lẫn lộn”, đại biểu Hoàng Văn Cường nhận định.

Được biết, theo Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, tại phiên họp trong hôm nay 29/11, Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận tại hội trường về Dự án Luật này. Phó Thủ tướng sẽ có giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Dự kiến, sau khi tiếp thu, chỉnh lý, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Dự án Luật tại Kỳ họp thứ 9.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cần rà soát lại cấu trúc Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO