Tài chính doanh nghiệp

DP2 thoát lỗ nhờ đâu?

Đình Đại 20/01/2025 04:04

Với việc có lãi trở lại trong quý IV/2024, đã giúp Công ty CP Dược phẩm Trung ương 2 (UpCOM: DP2) ngắt mạch thua lỗ liên tiếp từ quý IV/2019.

Theo báo cáo tài chính quý IV/2024, DP2 ghi nhận doanh thu đạt 52 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán chỉ tăng 6%, lên 47 tỷ đồng, giúp lợi nhuận gộp của doanh nghiệp ghi nhận đạt 4,6 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ gộp hơn 300 triệu đồng.

nha_may_dopharma_2(1).jpg
DP2 thoát lỗ quý IV/2024 nhờ được xóa nợ - Ảnh minh họa.

Chỉ tiêu biến động lớn nhất trong kỳ này của DP2 là chi phí tài chính âm 4,1 tỷ đồng, trong đó, chi phí lãi vay ghi nhận âm 4,2 tỷ đồng. Nhờ vậy, doanh nghiệp thoát lỗ quý IV, với việc ghi nhận lãi sau thuế 2 tỷ đồng, cùng kỳ 10 tỷ đồng. Với việc có lãi trở lại trong quý cuối năm, giúp doanh nghiệp ngành dược phẩm này ngắt chuỗi thua lỗ kéo dài từ quý IV/2019.

Theo giải trình từ lãnh đạo doanh nghiệp, nguyên nhân kinh doanh có lãi trở lại là do Công ty tìm mọi biện pháp cơ cấu lại sản phẩm, cải tiến quy trình sản xuất, giảm chi phí, giảm sản phẩm hỏng, cố gắng giảm giá thành sản phẩm.

Bên cạnh đó, Công ty đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất dược phẩm đạt tiêu chuẩn GMP – WHO tại khu công nghiệp Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội và dự án cũ “Cải tạo mở rộng Xí nghiệp Dược phẩm TƯ 2" với nguồn vốn đầu tư chủ yếu là vay Ngân hàng Phát triển Việt Nam – SGD 1. Năm 2024 Ngân hàng có chính sách xóa nợ lãi tính trên lãi chậm trả nên lãi vay Ngân hàng giảm do vậy quý IV/2024 Công ty sản xuất kinh doanh có lãi.

Lũy kế cả năm 2024, DP2 ghi nhận doanh thu đạt 200 tỷ đồng, tăng 4% so với năm trước. Mặc dù có lãi trở lại trong quý cuối cùng của năm, nhưng cũng không thể giúp doanh nghiệp thoát lỗ cả năm 2024, với mức lỗ sau thuế 5 tỷ đồng, tuy nhiên, con số này cũng đã giảm nhiều so với mức lỗ của năm trước là 24 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2024, tổng tài sản của DP2 đạt 443 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn đạt gần 131 tỷ đồng, tăng 12%. Tiền mặt còn hơn 5 tỷ đồng, tăng 54%. Giá trị hàng tồn kho ghi nhận 48 tỷ đồng, tăng 12% so với đầu năm.

cpdp2.jpg
Lịch sử giao dịch cổ phiếu DP2 trên sàn UpCOM.

Ở bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của DP2 lên tới 362 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Phần lớn là nợ ngắn hạn, chiếm gần 257 tỷ đồng, tăng 3% so với đầu năm. Nợ vay ngắn hạn đạt 90 tỷ đồng, tăng 7%, trong khi nợ vay dài hạn giảm gần 1/2, còn hơn 11 tỷ đồng. Doanh nghiệp không có thuyết minh chi tiết về các khoản nợ này.

Theo đánh giá của GMBC Việt Nam, năm 2024, mặc dù đối mặt với nhiều thách thức đáng kể nhưng ngành dược phẩm Việt Nam tiếp tục chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ, khẳng định vị thế là một trong những thị trường dược phẩm đầy tiềm năng tại khu vực. Sự gia tăng nhu cầu về chăm sóc sức khỏe, cùng với những chính sách hỗ trợ từ Chính phủ đã tạo động lực thúc đẩy ngành dược phát triển.

Đánh giá về cơ hội của ngành dược phẩm Việt Nam, GMBC Việt Nam cho biết, Dự thảo Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045, đang chờ được thông qua sẽ tạo cú hích lớn cho sự phát triển của ngành dược phẩm với nhiều tiêu chí đột phá

Thuốc sản xuất trong nước phần đầu đáp ứng khoảng 80% nhu cầu sử dụng và 70% giá trị thị trường. Tiếp tục phần đầu đạt mục tiêu sản xuất được 20% nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất thuốc trong nước.

Việt Nam phấn đấu trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm giá trị cao trong khu vực với giá trị xuất khẩu thuốc sản xuất trong nước đạt khoảng 1 tỷ USD. Tiếp nhận chuyển giao công nghệ, gia công có phối hợp chuyển giao công nghệ sản xuất ít nhất 100 thuốc biệt dược gốc, vaccine, sinh phẩm bao gồm cả sinh phẩm tương tự và một số thuốc mà Việt Nam chưa sản xuất được.

Xây dựng được 08 vùng khai thác bền vững dược liệu tự nhiên và 02 - 05 vùng trồng sản xuất dược liệu quy mô lớn. Phục tráng, nhập nội, dị thực, phát triển được 10 - 15 loài cây dược liệu có nguồn gốc nhập khẩu số lượng lớn. 100% nguyên liệu dược liệu được tiêu chuẩn hóa (cao chiết, tinh dầu, bột dược liệu) phục vụ sản xuất thuốc trong nước.

Ngoài ra, ngành dược phấn đấu có 30% thuốc generic (trừ thuốc có tác dụng tại chỗ, thuốc có tác dụng toàn thân sẵn có đặc tính tương đương sinh học với thuốc đối chứng) sản xuất trong nước và nhập khẩu có giấy đăng ký lưu hành được đánh giá tương đương sinh học; 100% thuốc trong quá trình lưu hành trên thị trường được giám sát và quản lý đầy đủ về hiệu quả và an toàn theo quy định của Bộ Y tế.

Mặc dù vậy, GMBc cũng cho rằng, bên cạnh những thuận lợi, ngành Dược & Thiết bị y tế, Chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam vẫn đối mặt với không ít thách thức trên hành trình vươn tầm. Theo đó, cơ sở hạ tầng, trình độ kỹ thuật và công nghệ vẫn còn hạn chế, trong khi thiếu các khu công nghiệp dược - sinh học tập trung. Các doanh nghiệp dược phẩm trong nước chủ yếu có quy mô nhỏ, doanh thu và vốn đầu tư còn khiêm tốn, chưa xuất hiện các tập đoàn lớn mang tầm vóc quốc gia. trong bối cảnh phân lớn doanh nghiệp có tiềm lực tài chính thấp, quy mô khiêm tốn.

Bên cạnh đó, sự dịch chuyển từ thuốc hóa dược sang các loại thuốc sinh học hoặc sinh học tương tự đòi hỏi những bước cải tiến lớn về công nghệ và năng lực tiếp nhận, chuyển giao công nghệ. Ngoài ra, quá trình chuyển đổi số trong ngành còn chậm, đặt ra áp lực cần có các giải pháp chính sách đồng bộ và sự quyết tâm từ các doanh nghiệp.

“Để thực sự tạo bước đột phá, ngành Dược & Thiết bị y tế, Chăm sóc sức khỏe cần những nỗ lực tổng thể, không chỉ nhằm củng cố vị thế trong nước mà còn để tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, góp phần nâng cao uy tín và năng lực cạnh tranh quốc tế, định vị Việt Nam trên bản đồ chăm sóc sức khỏe thế giới”, GMBC Việt Nam đánh giá.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
DP2 thoát lỗ nhờ đâu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO