Trong 9 tháng đầu năm 2018, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí (PVFCCo – HOSE: DPM) đạt kết quả sản xuất kinh doanh rất ấn tượng dù trong bối cảnh thị trường hết sức thách thức.
Kết quả ấn tượng nhờ sản phẩm mới và tiết giảm mạnh chi phí
9 tháng đầu năm, DPM đạt doanh thu 7.057 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ 2017, thực hiện được 83% kế hoạch năm và lợi nhuận sau thuế đạt 560 tỷ đồng, đạt 151% so với kế hoạch 2018 và giảm gần 7% so với cùng kỳ 2017. Việc giảm lợi nhuận sau thuế của DPM so với cùng kỳ là do chi phí đầu vào tăng. Cụ thể, giá khí nguyên liệu đầu vào trung bình trong 9 tháng đầu năm 2018 của DPM là 6,31 USD/MMBTU, tăng 27,7% so với cùng kỳ và cao hơn 29% so với mức giá kế hoạch.
Mặc dù giá khí đầu vào tăng mạnh nhưng lợi nhuận sau thuế của DPM chỉ giảm nhẹ so với cùng kỳ và đã vượt 51% kế hoạch cả năm 2018 nhờ tác động của giá urê tăng 8,6% so với cùng kỳ, tăng sản lượng kinh doanh các sản phẩm hoá chất và phân bón mới từ tổ hợp NH3 (mở rộng) – NPK. Đặc biệt, đáng ghi nhận nhất là nỗ lực cắt giảm mạnh chi phí của DPM. Trong 9 tháng đầu năm, chi phí bán hàng của DPM giảm 27% và chi phí quản lý giảm 18% so với cùng kỳ.
Hiện nay, thị trường phân đạm trong nước có nhu cầu ổn định khoảng 2 triệu tấn, trong khi đó tổng công suất thiết kế của các nhà sản xuất trong nước đạt hơn 2,6 triệu tấn, thị trường có sự cạnh tranh rất cao. Mặc dù vậy, với bề dày thương hiệu và chất lượng nên sản phẩm ure Phú Mỹ vẫn luôn được tiêu thụ hết sản lượng sản xuất hằng năm với mức giá bán được định vị tốt trên thị trường. Hiệu quả kinh doanh phân bón của DPM cũng được nâng lên nhờ bộ sản phẩm phân bón Phú Mỹ như NPK Phú Mỹ, Kali Phú Mỹ, DAP Phú Mỹ… cùng chính sách phân phối hợp lý, chủ động điều tiết hàng hóa, khai thác các thị trường mới.
Nhiều tín hiệu tích cực từ thị trường
Bên cạnh sự nỗ lực của chính mình thì những tín hiệu lạc quan của thị trường đang tiếp sức cho DPM cũng như các doanh nghiệp ngành phân bón nói chung. Cụ thể là mức tăng giá urê gần đây cho thấy khả năng điều chỉnh tăng giá urê trong quý 4/2018 và việc điều chỉnh quy định thuế giá trị gia tăng (GTGT) cho phân bón cũng được kỳ vọng có thể sẽ được trình Quốc hội xem xét.
Hiện nay, theo quy định của Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi bổ sung luật về thuế, mặt hàng phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT, việc này nhằm hỗ trợ giá phân bón đến tay người nông dân. Tuy nhiên, trên thực tế người nông dân không được hưởng lợi bởi phải gánh chịu giá tăng hơn do bị cộng thuế vào giá thành sản phẩm vì các doanh nghiệp sản xuất phải chịu thuế các mặt hàng đầu vào, không được khấu trừ bình quân 6 - 6,5%. Điều này cũng làm giảm sức cạnh tranh của phân bón trong nước với các loại phân bón nhập khẩu khi thuế nhập khẩu phần lớn các loại phân bón là 0%. Nếu Luật thuế 71 được xem xét sửa đổi đưa mặt hàng phân bón về đối tượng chịu thuế GTGT, cho phép doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón sẽ được khấu trừ thuế VAT đầu vào, làm giảm chi phí và giá thành, giúp sản phẩm phân bón trong nước cạnh tranh công bằng so với hàng nhập khẩu, đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp và người nông dân.
Từ tháng 9/2017, phân bón được tập trung về Bộ NNPTNT quản lý theo Nghị định 108/NĐ-CP. Qua hơn 1 năm áp dụng trong thực tế, với các quy định khá chặt chẽ nhằm siết lại thị trường, hạn chế phân bón giả, kém chất lượng cũng đã tạo thêm điều kiện tốt cho các doanh nghiệp lớn, uy tín, đầu tư cho công nghệ hiện đại, chất lượng như DPM.
Trong thời gian tới, theo định hướng của Chính phủ, nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế trọng điểm. Là một trong những loại vật tư đầu vào thiết yếu cho nông nghiệp, ngành phân bón vẫn sẽ là ngành có dư địa rộng và tiềm năng phát triển bền vững.