Được đánh giá là công trình hạ tầng trọng điểm, nhưng quá trình triển khai thực hiện Dự án BOT Quốc lộ 19 lại quá “vất vả” đối với doanh nghiệp dự án và nhà đầu tư.
Đại tá Nguyễn Đăng Giáp, Tổng Giám đốc Tổng Công ty 36 cho biết, thực hiện Quyết định số 1626/QĐ-BGTVT ngày 25/5/2016 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Tổng công ty 36 (Nhà đầu tư) đã tổ chức thực hiện thu phí hoàn vốn đầu tư dự án từ 01/6/2016.
Qua gần 4 năm triển khai thu phí, Nhà đầu tư nhận thấy thực tế doanh thu không đạt so với phương án tài chính tại Hợp đồng BOT. Điều này không những không đạt kế hoạch hoàn vốn cho dự án mà còn không đảm bảo tiến độ thanh toán khoản nợ Ngân hàng, từ đó gây nhiều hệ lụy do khoản nợ có nguy cơ bị xếp vào nhóm nợ xấu nếu không được Ngân hàng Nhà nước có biện pháp tháo gỡ kịp thời.
Theo ông Giáp, phương án tài chính dự án, kế hoạch hoàn vốn dự án, tiến độ thanh toán khoản nợ Ngân hàng đều không thực hiện đúng như kế hoạch ban đầu bởi nhiều nguyên nhân.
Trước hết đó là doanh thu thu phí giao thông đối với các phương tiện xe ô tô qua trạm giảm do thay đổi chính sách thu phí từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành bắt buộc doanh nghiệp BOT phải thực hiện.
Có thể bạn quan tâm
19:33, 25/02/2020
00:05, 17/02/2020
00:03, 10/01/2020
10:28, 27/10/2019
Cụ thể, ngày 15/9/2015 Bộ Tài chính ra Thông tư số 146/2015/TT-BTC giảm giá phí so mức thu phí quy định tại Thông tư 159/2013/TT-BTC ngày 14/11/2013; Ngày 01/6/2016 dự án bắt đầu đi vào thu phí, mức phí theo quy định tại Thông tư 146 thấp hơn so với mức thu phí quy định tại Thông tư 159/2013/TT-BTC.
Ngày 12/9/2016 Bộ Tài chính ban hành Thông tư 136/2016/TT-BTC theo Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 04/06/2019 quy định mức thu phí đường bộ mới giảm so với mức thu phí tại Thông tư 146/2015/TT-BTC. Một lần nữa doanh thu từ việc thu phí dự án này lại giảm thêm.
Ngày 15/11/2016 Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư 35/2016/TT-BGTVT về Quy định mức giá tối đa sử dụng dịch vụ đường bộ theo Nghị định 149/2016/NĐ-CP ngày 11/11/2016 của Chính phủ.
Theo điều khoản Phụ lục Hợp đồng BOT số 01, mỗi năm tăng giá thu phí 03%, ba năm tăng giá một lần tương đương 09%. Tuy nhiên, Thông tư 35/2016/TT-BGTVT ngày 15/11/2016 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) qui định biểu giá tối đa cho dịch vụ sử dụng đường bộ theo lượt hoàn toàn không phù hợp với mức tăng giá trong phương án tài chính cũng như chính trong Phụ lục Hợp đồng BOT nói trên mà Bộ GTVT đã ký với Nhà đầu tư.
Thứ hai, thực hiện chủ trương của Bộ GTVT về việc giảm phí cho các đối tượng nằm trong phạm vi bán kính 5 km xung quanh trạm thu phí, đã làm giảm khoảng 05% doanh thu.
Thứ ba, Dự án Quốc lộ 19 mới đầu tư nâng cấp được 56 Km, còn lại hơn 170 Km vẫn là đường cũ, một số đoạn đèo dốc lưu thông khó khăn, đường rất xấu, nhiều cây cầu yếu chưa được đầu tư nên các chủ phương tiện có nhiều lựa chọn khác để lưu thông dẫn đến hiệu quả khai thác Dự án thấp.
Ông Giáp cho rằng, những thay đổi về chính sách nêu trên đã làm cho doanh thu thực tế không đủ để trả nợ gốc và lãi ngân hàng theo như thỏa thuận tại hợp đồng tín dụng. Chẳng hạn từ 01/6/2016 đến 31/12/2019, Tổng Công ty 36 đã phải bù đắp thiếu hụt với số tiền là 91 tỷ đồng, Doanh nghiệp dự án lỗ lũy kế từ tháng 6/2016 đến 31/12/2019 là 93 tỷ; tổng số tiền bù đắp thiếu hụt và lỗ là 184 tỷ đồng, tương đương 12,6% tổng mức đầu tư Dự án.
Theo hợp đồng tín dụng với VietinBank, thời hạn cho vay dự án là 13 năm kể từ ngày giải ngân đầu tiên, trong khi đó, thời gian hoàn vốn theo phương án tài chính của phụ lục Hợp đồng BOT là 20 năm 6 tháng 19 ngày. Nếu tiếp tục phải bù lỗ kéo dài trong các năm tiếp theo, đặc biệt lưu lượng phương tiện và giá phí không tăng, doanh thu giảm ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh và sự tồn tại của doanh nghiệp. Điều này sẽ đẩy doanh nghiệp dự án và nhà tài trợ vốn đứng trước nguy cơ mất cân đối nghiêm trọng về dòng tiền, nhất là trong bối cảnh Dự án BOT Quốc lộ 19 liên tục hụt doanh thu thu phí so với phương án tài chính.
“Trên thực tế, số thu tại Dự án không đủ để trả lãi ngân hàng. Trái với kỳ vọng ban đầu của nhà đầu tư và nhà tài trợ vốn, doanh thu thu phí tại Dự án BOT Quốc lộ 19 không đạt so với phương án tài chính (từ năm 2018 đến nay chỉ đạt 87%, trong 6 tháng đầu năm 2019 chỉ đạt 79%). Tình hình tài chính tại Dự án BOT Quốc lộ 19 dự báo vẫn tiếp tục u ám do lưu lượng phương tiện qua lại trên tuyến đường từ Tây Nguyên xuống vùng duyên hải Nam Trung bộ thấp rất xa so với dự báo trong phương án tài chính, đặc biệt là thời gian này do ảnh hưởng của dịch COVID-19” – ông Giáp trăn trở.
Bên cạnh đó, việc doanh nghiệp dự án không được phép tăng mức phí sử dụng đường bộ, dù đây là điều khoản được xác lập trong hợp đồng BOT đã ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cũng khiến tình trạng hụt thu càng thêm trầm trọng.
Nhằm giảm áp lực cho Nhà đầu tư về việc huy động từ các nguồn vốn khác để trả lãi và gốc cho Ngân hàng thì phải cơ cấu giãn thời gian trả nợ của dự án. Tuy nhiên, tại điểm c, khoản 1 Điều 10 Thông tư 02/2013/TT-NHNN ngày 21/01/2013 có quy định: “c) Khoản nợ gia hạn lần đầu sẽ được phân loại vào nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn - Nợ xấu)”.
Do đó, ngày 16/8/2019, Tổng Công ty 36 đã có văn bản số 570C/CV-TCT36 đề nghị Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - Chi nhánh TP Hà Nội (Vietinbank) giãn thời gian trả nợ, báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phê duyệt phương án cơ cấu thời hạn trả nợ mà không chuyển nhóm nợ vì lý do bất khả kháng (do thay đổi chính sách pháp luật) chứ không phải nguyên nhân chủ quan từ doanh nghiệp đầu tư. Ngân hàng Nhà nước ban hành văn bản số: 8020/NHNN-TD ngày 11/10/2019 gửi Thủ tướng Chính phủ về việc cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với Tổng công ty 36-CTCP để thực hiện dự án BOT Quốc lộ 19.
Trong điều kiện thực tại, khi nền kinh tế đất nước đang gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp lao đao vì dịch COVID-19, Ngân hàng nhà nước đã rất kịp thời có chủ trương về việc triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch tại văn bản số 1117/NHNN-TD ngày 24/02/2020. Ngày 04/3/2020 Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19, trong đó tại Mục II, phần 1. Thủ tướng đã chỉ ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho Ngân hàng Nhà nước: “…kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời gian trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí… đối với các khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19…”.
“Trước thực tế đó, Tổng công ty 36 rất mong được Thủ tướng Chính phủ cụ thể hoá bằng cách chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước xem xét, cho phép ngân hàng Công Thương Việt Nam (Vietinbank) cơ cấu lại khoản vay (kéo dài thời gian trả nợ) cho phù hợp với thời gian thu phí hoàn vốn theo Phương án tài chính của dự án BOT Quốc lộ 19 và vẫn giữ nguyên nhóm nợ. Có như vậy mới gỡ được nút thắt cho Dự án BOT cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 19 đoạn qua tỉnh Bình Định và tỉnh Gia Lai và để dự án không trở thành gánh nặng quá sức cho cả nhà đầu tư, ngân hàng, lẫn các cơ quan quản lý nhà nước”- ông Giáp kiến nghị.
Tổng công ty 36 -CTCP là Nhà đầu tư Dự án cải tạo, nâng cấp QL19 đoạn Km17+051,54-Km50+00 trên địa phận tỉnh Bình Định và Km108+00- Km131+300 trên địa phận tỉnh Gia Lai theo hình thức hợp đồng BOT (Dự án). Tổng mức đầu tư của dự án là 1.460 tỷ đồng. Trong đó: Vốn của Nhà đầu tư là 279,5 tỷ đồng; Vốn vay ngân hàng và vốn khác 1.180,5 tỷ đồng; thời gian hoàn vốn là 20 năm 6 tháng 19 ngày.