Nếu đọc kỹ dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) sẽ nhận thấy có rất nhiều quy định, thủ tục hành chính rườm rà, không phù hợp với một tinh thần cải cách hành chính hiện nay của chúng ta.
>>Ủy ban Văn hoá Giáo dục của Quốc hội: Đề nghị môn Lịch sử là môn học bắt buộc
Đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) nêu ý kiến tại phiên thảo luận ở tổ về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), ngày 26/5.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng phân tích, tại điểm a khoản 2 Điều 19 quy định điều kiện cấp mới giấy phép hành nghề đối với chức danh bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng, hộ lý, kỹ thuật y, dinh dưỡng, cấp cứu viên, ngoại viên phải đạt yêu cầu tại một kỳ thi đánh giá năng lực hành nghề.
Theo đại biểu Hoàng Đức Thắng, với quy định này chúng ta có thể hiểu các cán bộ ngành y tế dù đã có bằng cấp đầy đủ, nhưng muốn hành nghề thì phải qua một xác nhận nào đó, giống như muốn làm công chức thì phải thi tuyển.
“Việc này cũng là cần thiết, nhưng phải làm rõ cơ quan nào đánh giá năng lực? Còn nói cơ quan chung chung là rất khó, sau này sẽ phải quy định cơ quan đánh giá năng lực hành nghề này ở cấp nào, do ai tổ chức… cũng phải cần chính xác chủ thể cơ quan này”, đại biểu Hoàng Đức Thắng nói.
Tại điểm a khoản 1 Điều 23 quy định người hành nghề có trách nhiệm cập nhật kiến thức, nếu sau 5 năm kể từ thời điểm được cấp giấy hành nghề thì phải có thêm một “thủ tục nữa”. Tuy nhiên, đại biểu Hoàng Đức Thắng cho rằng điều đó “không cần thiết”.
Đọc kỹ dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đại biểu Hoàng Đức Thắng nhận thấy dự thảo đã đưa thêm rất nhiều quy định thủ tục hành chính rườm rà, không phù hợp với một tinh thần cải cách hành chính hiện nay của chúng ta.
>>Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XV: Quốc hội cho ý kiến về Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)
“Quy định như vậy sẽ kéo theo hệ lụy ở phía sau là thêm gánh nặng cho người làm việc liên tục sau 5 năm vẫn phải đi thi để kiểm tra lại”, đại biểu Hoàng Đức Thắng bày tỏ.
Do đó, đại biểu Hoàng Đức Thắng đề nghị cơ quan soạn thảo phải tính toán sao cho hợp lý, nếu không các quy định này sẽ làm khó cho đội ngũ y, bác sĩ khi thực hiện hành nghề của mình. Suy cho cùng thì đây cũng là một dạng “giấy phép con”, vì muốn được hành nghề thì phải “chạy” các thủ tục, như vậy rất “nhiêu khê”.
Hay tại khoản 3 Điều 27 về giá trị thời hạn cấp phép hành nghề là 5 năm, theo đại biểu Hoàng Đức Thắng hướng tiếp cận này cũng “không ổn”. Bởi đội ngũ y, bác sĩ sau khi hành nghề được 5 năm lại phải đi thi “sát hạch”, nếu qua mới được cấp giấy hành nghề tiếp thì rất “bất cập”, vì lại thêm một lần “nhiêu khê” nữa.
Còn với khoản 8 Điều 38 quy định nghĩa vụ đối với nghề nghiệp là đóng phí duy trì giấy phép hành nghề theo mức do Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định. Như vậy, muốn hành nghề y thì phải thêm phần đóng phí và câu hỏi đặt ra là tại sao ngành y phải đóng phí? Vậy các ngành khác có phải đóng phí hay không? Phí này do ai quản lý và sinh ra nó để làm gì?
Quy định này lại tăng thêm gánh nặng nữa cho đội ngũ y tế. Điều quan trọng hơn theo đại biểu Hoàng Đức Thắng, đó là ngoài câu chuyện tăng thêm thủ tục nhưng lại chưa thấy được sự rõ ràng và minh bạch trong chính các quy định đó.
Và đại biểu Hoàng Đức Thắng tự hỏi, không biết làm gì mà lại thêm khoản đóng phí để duy trì giấy phép hành nghề do Bộ Tài chính quy định. Từ đó, đại biểu Hoàng Đức Thắng yêu cầu cần làm rõ vấn đề này.
Phân tích về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cho biết, tại Điều 5 không đề cập tới trách nhiệm cấp xã, nhưng tại Điều 66, Điều 65 lại nêu trách nhiệm cấp xã, như đối với người bị thương hoặc bị chết ở trong bệnh viện, thì cấp xã có những quyền nhất định.
“Trong dự thảo luật này không đề cập về trách nhiệm cấp xã, nhưng trong các quy định cụ thể lại có quy định cụ thể. Do đó, tôi đề nghị bổ sung về trách nhiệm của cấp xã”, đại biểu Trấn Văn Tiến kiến nghị.
Về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Điều 106, theo đại biểu Trấn Văn Tiến, trong điều này quy định Chính phủ và Bộ Y tế, nhưng tại Điều 91 có giao cho HĐND tỉnh quy định giá dịch vụ khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh.
“Như vậy, quy định mới có 2 cơ quan thực thi, tuy nhiên trong văn bản còn giao cho HĐND cấp tỉnh ban hành khung giá thuốc. Như vậy là có ít nhất 3 cơ quan. Do đó cần xem lại quy định tại điều này, và tôi đề nghị bổ sung thêm HĐND cấp tỉnh trong dự thảo luật”, đại biểu Trấn Văn Tiến nói.
Có thể bạn quan tâm
00:44, 26/05/2022
04:13, 25/05/2022
05:00, 23/05/2022
17:32, 22/05/2022