Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Trước những tồn tại, hạn chế trong thực tế, Dự án Luật Nhà giáo được xây dựng đem đến kỳ vọng sẽ tạo đột phá trong xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo…
Theo Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, ngày 9/11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - Nguyễn Kim Sơn sẽ thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ sẽ trình bày tờ trình về Dự án Luật Nhà giáo.
Nội dung Dự án Luật được cho đã tập trung vào xây dựng chiến lược, đề án, kế hoạch phát triển, tổng biên chế đội ngũ nhà giáo thuộc thẩm quyền quản lý trình cấp có thẩm quyền quyết định; ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn tuyển dụng, nội dung thực hành sư phạm trong thi/xét tuyển nhà giáo; điều phối biên chế nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập theo số lượng được cơ quan có thẩm quyền giao.
Các cơ quan quản lý giáo dục chủ trì (hoặc phân cấp cho cơ sở giáo dục) thực hiện tuyển dụng, điều động, bố trí, đánh giá, bổ nhiệm nhà giáo.
Bên cạnh đó, Dự án Luật cũng quy định việc bổ nhiệm do cơ quan quản lý giáo dục chủ trì tham mưu hoặc quyết định hoặc công nhận theo thẩm quyền được giao. Như vậy, với nội dung này, Dự án Luật Nhà giáo sẽ giao quyền chủ động cho ngành Giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo.
Nhìn nhận về việc xây dựng Dự án Luật này, nhiều ý kiến cho hay, thực tế hiện nay hệ thống pháp luật về nhà giáo ở nước ta cũng tương đối nhiều và đa dạng. Tuy nhiên, cũng chính bởi các quy định về nhà giáo được quy định trong rất nhiều văn bản pháp luật khác nhau (Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Viên chức...), dẫn đến tính đồng bộ chưa cao, chưa thực sự đảm bảo phù hợp với tính chất nghề nghiệp của nhà giáo và còn nhiều bất cập khi áp dụng vào thực tiễn.
Bên cạnh đó, nhiều chủ trương, quan điểm của Đảng về nhà giáo cũng chưa được thể chế đầy đủ và kịp thời. Các quy định về nhà giáo hiện nay chủ yếu được quy định ở các văn bản dưới luật nên không thể giải quyết thấu đáo được nhiều vấn đề liên quan đến nhà giáo, ảnh hưởng nhất định đến quyền lợi và lợi ích của các nhà giáo đang công tác trong ngành giáo dục của nước ta. Chưa kể các nội dung này được quy định tản mác, do nhiều cơ quan khác nhau ban hành vào những thời điểm khác nhau nhằm mục đích khác nhau nên còn gây khó khăn cho các cơ quan quản lý, cơ sở giáo dục và các nhà giáo.
Do vậy, việc xây dựng một Dự án Luật riêng về nhà giáo trong bối cảnh hiện nay là rất cần thiết, nhằm khắc phục những khó khăn, bất cập của pháp luật về nhà giáo hiện hành, góp phần phát triển đội ngũ nhà giáo cả về số lượng và chất lượng, tạo động lực để các nhà giáo cống hiến và đóng góp cho ngành giáo dục của đất nước.
Không chỉ có vậy, Dự án Luật Nhà giáo được xây dựng cũng đem đến kỳ vọng sẽ tạo đột phá trong xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa – Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, Dự thảo Luật Nhà giáo đã hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về giáo dục và đào tạo, khắc phục các bất cập trong quản lý Nhà nước về nhà giáo hiện nay, thực hiện phân công, phân cấp hợp lý trên cơ sở bảo đảm vai trò chủ động của ngành giáo dục. Tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc phát triển đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, tốt về chất lượng, đồng bộ về cơ cấu, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Còn theo TS Vũ Thu Hương - nguyên giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, thực tế cho thấy, bên tuyển dụng (Nội vụ) thì không được sử dụng giáo viên, bên sử dụng (Giáo dục) lại không được quyền tuyển dụng dẫn tới tình trạng tuyển nhân sự chưa đủ năng lực chuyên môn phù hợp với yêu cầu công việc của ngành Giáo dục.
Đặc biệt, nếu ngành Giáo dục được phép tuyển dụng giáo viên sẽ có tiếng nói với nhân sự, giáo viên chỉ thực hiện công việc chuyên môn mà không phải làm các nhiệm vụ “phi giáo dục” khác.
Nhìn nhận về Dự án Luật này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - Nguyễn Thị Mai Hoa cũng bày tỏ, việc giao thẩm quyền cho Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ giúp ngành chủ động trong xây dựng chiến lược, đề án, kế hoạch phát triển, tổng biên chế đội ngũ nhà giáo thuộc thẩm quyền quản lý, từ đó nắm tổng thể đội ngũ, dự báo nhu cầu, cân đối hợp lý các khâu tuyển sinh, đào tạo, tuyển dụng; điều tiết giáo viên kịp thời, hợp lý. Như vậy, có thể khắc phục tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ đã và đang diễn ra trong thực tiễn thời gian qua; đồng thời góp phần phát triển đội ngũ nhà giáo bảo đảm đủ về số lượng, chuẩn về chất lượng và đồng bộ về cơ cấu.
“Tôi cho rằng, nếu được Quốc hội chấp thuận, ủng hộ thì đây sẽ là một trong những chính sách mang tính đột phá của Dự thảo Luật Nhà giáo đang trình Quốc hội tại kỳ họp này”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục bày tỏ.