Trong giai đoạn vừa qua, hệ thống giáo dục nghề nghiệp của tỉnh Thái Nguyên đã từng bước đổi mới, phát triển mạnh mẽ cả về quy mô và chất lượng.
Qua đó đáp ứng tốt hơn nhu cầu lao động có kỹ năng cho các ngành kinh tế, góp phần tăng năng suất lao động, tăng trưởng kinh tế GRDP, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Đổi mới, đột phá về giáo dục nghề nghiệp
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) tỉnh Thái Nguyên chia sẻ, tại tỉnh Thái Nguyên, nhiều ngành, nghề đào tạo được mở thêm, từng bước phù hợp với thực tế của doanh nghiệp và thị trường lao động trong từng lĩnh vực. Hiện, trên địa bàn tỉnh có 37 cơ sở GDNN được cấp phép hoạt động, trong đó có 25 cơ sở công lập và 12 cơ sở tư thục. Thái Nguyên là 1 trong 3 trung tâm đào tạo nguồn nhân lực lớn của cả nước, đóng vai trò vừa là trung tâm đào tạo, vừa là trung tâm nghiên cứu, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, thu hút số lượng lớn giáo viên, sinh viên, học sinh và người lao động từ các tỉnh đến làm việc, lao động và nghiên cứu, học tập.
Để tạo cơ hội cho người lao động, người sử dụng lao động và các cơ sở GDNN có cơ hội nắm bắt thông tin, kết nối trong hoạt động đào tạo, tuyển dụng lao động, Sở LĐ-TBXH đã phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức Tháng cao điểm kết nối cung - cầu lao động tỉnh Thái Nguyên năm 2024 với trên 40 hoạt động giáo dục nghề nghiệp, lao động, việc làm; có 150 lượt đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tham gia, với hơn 30.000 chỉ tiêu tuyển dụng lao động, tuyển sinh đào tạo nghề, giáo dục đại học. Tuần cao điểm đã tổ chức các hoạt động trọng tâm như: hội thảo, hội nghị tư vấn, tuyển sinh, định hướng GDNN, việc làm bền vững; phiên giao dịch việc làm cấp tỉnh, huyện, xã; ký kết và trao biên bản ghi nhớ về tuyển sinh đào tạo, tuyển dụng lao động... Tổ chức Ngày hội việc làm cấp tỉnh tại Trường Trung cấp Dân tộc nội trú tỉnh Thái Nguyên.
Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố căn cứ nhiệm vụ, nguồn vốn được phân bổ tích cực phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo, Phòng Văn hóa – Thông tin tổ chức các hoạt động truyền thông về GDNN, tư vấn hướng nghiệp cho học sinh tại các trường THCS, THPT; tổ chức các lớp tập huấn, ngày hội việc làm, ngày hội khởi nghiệp cung cấp thông tin thị trường lao động, việc làm cho học sinh, sinh viên, người lao động tại địa phương.
Xác định vai trò quan trọng của GDNN trong việc đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, kỹ năng nghề phục vụ sự phát triển kinh tế-xã hội, những năm gần đây, các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên nói riêng và cả nước nói chung đã không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đây là vấn đề cần thiết, mang tính cấp bách trong tình hình hiện nay. (9 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đã đạt 76%, trong đó có bằng, chứng chỉ đạt 37,7% - vượt kế hoạch đề ra đến năm 2025 tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75%, trong đó có bằng cấp chứng chỉ đạt 32%)
Hiện nay, các ngành, nghề đào tạo đang được mở thêm và bám sát nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp và thị trường lao động, từng bước phù hợp với sự phát triển các ngành nghề trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ... góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cùng với việc từng bước nâng cao chất lượng đào tạo, liên kết với các doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh thường xuyên tổ chức các buổi tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh các trường THCS, THPT, định hướng nghề nghiệp cho lao động nông thôn, nhờ đó từng bước nâng cao nhận thức nghề nghiệp cho học sinh, lao động nông thôn để có sự lựa chọn phù hợp, đúng với nhu cầu xã hội…
Gắn kết 3 nhà: Nhà nước – Nhà trường - Nhà Doanh nghiệp
Theo Sở LĐ-TBXH tỉnh Thái Nguyên, thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp và chủ trương của Nhà nước về tăng cường gắn kết GDNN với thị trường lao động và việc làm bền vững, các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh tập trung đẩy mạnh việc đào tạo gắn kết với doanh nghiệp, đưa học sinh, sinh viên đến trải nghiệm và thực tập tốt nghiệp, học sinh, sinh viên được tiếp xúc và làm việc trong môi trường thực tế tại các doanh nghiệp, qua đó giúp hoàn thiện ý thức, tác phong làm việc công nghiệp.
Việc ký kết hợp đồng đào tạo với các doanh nghiệp đem lại lợi ích và hiệu quả thiết thực, nhà trường và doanh nghiệp cũng có các chính sách hỗ trợ cho học sinh, sinh viên trong quá trình đào tạo và thực tập. Nhiều doanh nghiệp có chính sách hỗ trợ học bổng cho học sinh, sinh viên, hỗ trợ ký kết các hợp đồng tư vấn, nghiên cứu khoa học với nhà trường để đào tạo nhân lực có tay nghề cao phục vụ cho doanh nghiệp. Thông qua các hoạt động gắn kết GDNN với doanh nghiệp, cơ chế phối hợp 3 bên (Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp) được hình thành và vận hành có hiệu quả trong thực tiễn.
Đánh giá về chất lượng nhân lực từ hệ thống GDNN trên địa bàn, ông Phạm Văn Quang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên cho rằng: Hiện có hơn 200 doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh ký kết hợp tác với một số cơ sở GDNN của tỉnh trong liên kết, đào tạo nghề. GDNN từ nhu cầu thực tiễn của thị trường lao động đã không chỉ bảo đảm nguồn nhân lực lao động kỹ thuật cho nền kinh tế mà còn góp phần giải quyết việc làm, nâng cao mức sống cho người dân; tạo cơ hội cho lao động nông thôn có thêm nghề mới.
Theo Lãnh đạo Trường Trung cấp Dân tộc nội trú tỉnh Thái Nguyên, trường được cấp Giấy chứng nhận hoạt động GDNN với 24 nghề. Ngoài giáo dục, đào tạo nghề, Nhà trường còn được phép tổ chức đào tạo để chuyển đổi nghề cho người lao động, như: Hàn, điện, may công nghiệp, … Bình quân có hơn 1.500 lao động được đào tạo và đều có việc làm ngay sau tốt nghiệp.
Ông Phan Văn Tư - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ và Thương Mại cho biết: Nhà trường đã phối hợp với các doanh nghiệp để điều chỉnh chương trình đào tạo cho phù hợp với nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp, trong các chương trình ngoại khóa kết hợp với chương trình chính hóa để hình thành kỹ năng, tác phong kỷ luật lao động của các em sau khi ra trường.
Em Trần Tuấn Anh, sinh viên Trường cao đẳng Công nghiệp Việt Đức Thái Nguyên cho biết: Để tăng cơ hội có việc làm sau khi ra trường, em đã lựa chọn ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng lao động cao là công nghệ ô-tô. Quá trình học tập, nhà trường luôn đổi mới chương trình đào tạo, chất lượng giảng dạy của giáo viên ngày càng được nâng cao. Hy vọng sau khi ra trường, em cũng như nhiều sinh viên khác có thể lựa chọn được công việc phù hợp.
Có thể nói, việc các cơ sở GDNN tuyển sinh ngày càng gắn với nhu cầu xã hội và phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, đã giúp nhiều lao động trên địa bàn tỉnh có việc làm ổn định, tăng thu nhập cho gia đình.
Chất lượng GDNN được nâng cao, ngoài ý nghĩa bảo đảm đủ nguồn nhân lực đáp ứng thị trường lao động, còn làm thay đổi năng lực tư duy sản xuất cho lao động trẻ. Qua đó tạo nên một thế hệ năng động, sáng tạo, có tác phong công nghiệp phù hợp với thời đại 4.0. Đây vừa là mục tiêu, vừa là nhiệm vụ mà Kế hoạch phát triển GDNN đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hướng đến.
Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận trên, theo đánh giá chung, hiện công tác GDNN trên địa bàn vẫn còn những khó khăn, vướng mắc cần khắc phục; trong đó chất lượng đào tạo ở một số lĩnh vực chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp; chất lượng, hiệu quả đầu tư cho công tác phát triển GDNN chưa cao, sự gắn kết giữa Nhà nước-nhà trường-doanh nghiệp chưa thật sự chặt chẽ. Hình thức, phương pháp tổ chức đào tạo chậm đổi mới, chưa đa dạng, linh hoạt để đáp ứng kịp thời nhu cầu của thị trường lao động. Công tác đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho người lao động chưa được chú trọng; Việc chuyển giao, nhân rộng các chương trình theo chuẩn quốc tế còn khó khăn, thiếu đồng bộ.…
Trong những năm tới, để nâng cao chất lượng đào tạo và hiệu quả của GDNN, các ngành chức năng cần tiếp tục quán triệt, triển khai các văn bản, chỉ thị của bộ, ngành về công tác GDNN. Theo đó, cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của xã hội về GDNN, qua đó tạo sự chuyển biến về nhận thức, sự đồng thuận và huy động sự tham gia của toàn xã hội đối với việc đổi mới, nâng cao chất lượng GDNN;
Đồng thời, cần tăng cường công tác hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông; thực hiện vừa đào tạo nghề vừa dạy văn hóa tại các cơ sở GDNN để học sinh tốt nghiệp vừa có bằng THPT vừa có bằng nghề bảo đảm chất lượng, có điều kiện tham gia thị trường lao động và cơ hội tiếp tục học tập, nâng cao trình độ; có chính sách khuyến khích học sinh khá, giỏi vào hệ thống GDNN; nâng cao hiệu quả liên kết, hợp tác về GDNN giữa Nhà nước-nhà trường-doanh nghiệp. Các cơ sở GDNN chủ động hợp tác đào tạo với doanh nghiệp, tăng thời gian đào tạo, thực hành cho người học trong doanh nghiệp. Tỉnh cũng cần khuyến khích doanh nghiệp tham gia GDNN từ khâu tuyển sinh, đào tạo đến sử dụng, thành lập các cơ sở thực hành tại các cơ sở GDNN; hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, gắn kết cung-cầu lao động với GDNN...
Để tạo sự phát triển đột phá cho GDNN, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần tăng năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, thay đổi nhanh cơ cấu và chất lượng nhân lực của tỉnh theo hướng hiện đại trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và hội nhập quốc tế.
Theo Phòng Giáo dục nghề nghiệp (Sở LĐ-TBXH tỉnh Thái Nguyên): Việc mở rộng quy mô GDNN cần phải có sự đổi mới toàn diện, có những đột phá về cơ cấu và chất lượng đào tạo; xây dựng hệ thống GDNN theo hướng hiện đại, linh hoạt, hiệu quả và phát triển bền vững, bao trùm. Bởi vậy, việc ban hành Nghị quyết thông qua Kế hoạch phát triển GDNN đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên là rất cần thiết, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, đúng thẩm quyền và đúng quy định.
Nhằm đáp ứng nhu cầu của người học, thị trường lao động, yêu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh và khu vực, những năm gần đây, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Thái Nguyên đã có nhiều giải pháp hiệu quả, không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo.