Đây là ý kiến đóng góp của các ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc tại phiên thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, ngày 26/10.
Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, đa số các ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung luật, nhưng cho rằng mức độ cụ thể của dự thảo luật chưa cao, cần rà soát, nghiên cứu kỹ hơn.
Một số đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu văn phong của dự thảo luật để đảm bảo tính dễ hiểu và chặt chẽ hơn, một số điều luật cần viết lại cho ngắn gọn hơn; xem xét lại thời gian xử lý hồ sơ và thời hạn đăng ký văn bằng bảo hộ; nghiên cứu các chính sách hỗ trợ về các sản phẩm có quyền sở hữu trí tuệ và quy định cụ thể về kiểu dáng công nghiệp ngay trong luật…
Tham gia thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, Luật sửa đổi, bổ sung liên quan đến 97 điều, trong đó có đến 23 điều, khoản giao cho Chính phủ quy định chi tiết, chiếm trên 23% số điều sửa đổi, bổ sung.
“Vì vậy, đề nghị đối với những điều, khoản sửa đổi, bổ sung đã rõ về nội hàm cần được quy định ngay trong luật nhằm hạn chế việc giao cho các cơ quan quy định tại văn bản dưới luật, đảm bảo tính công khai, minh bạch của luật”, đại biểu Trần Văn Tiến nói.
Đồng thời, đại biểu Trần Văn Tiến cũng đề nghị xem xét, bổ sung quyền sở hữu trí tuệ đối với “giống vật nuôi và thủy sản” vào phạm vi điều chỉnh của luật. Khoản 34 sửa đổi, bổ sung câu đầu tiên của Điều 75 quy định chưa rõ ràng, chưa cụ thể sẽ dẫn đến khả năng bị lợi dụng trong quá trình thực hiện.
Đề nghị cụ thể hóa tên cơ quan trong một số điều, khoản của luật, tránh sử dụng thuật ngữ chung chung, gây khó khi thực thi luật; đổi tên là dự thảo là “Luật sửa đổi nhiều điều của Luật Sở hữu trí tuệ” vì tổng số điều sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ liên quan chiếm trên 43% tổng số điều của luật cũ.
Bên cạnh đó, đối với các nội dung Chính phủ xin ý kiến, đại biểu Trần Văn Tiến nhất trí với phương án 1 tại dự thảo về nội dung khoản 36 sửa đổi, bổ sung Điều 86 về Quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí; nhất trí phương án 2 về nội dung xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Trước đó, thảo luận về dự án Luật Cảnh sát cơ động (CSCĐ), đa số ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cơ bản tán thành sự cần thiết xây dựng luật. Một số ý kiến đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát, cân nhắc quy định rõ phạm vi, nội dung, địa bàn hợp tác quốc tế của CSCĐ, tránh việc quy định trùng lặp, chồng chéo với nội dung hợp tác quốc tế của các cơ quan, đơn vị, lực lượng thuộc Bộ Quốc phòng nói chung, Cảnh sát biển Việt Nam nói riêng.
Về nhiệm vụ của CSCĐ cần quy định rõ địa bàn, phạm vi được thực hiện nhiệm vụ vũ trang nhằm chống lại hoạt động phá rối an ninh, khủng bố, bắt cóc con tin, trấn áp tội phạm có sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và tuần tra, kiểm soát, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Bên cạnh đó, cần bổ sung quy định khen thưởng và xử lý vi phạm pháp luật khác của cán bộ, chiến sĩ CSCĐ, cá nhân, tổ chức…
Góp ý kiến đối với dự án này, đại biểu Lê Tất Hiếu, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị Ban soạn thảo nên thay cụm từ “cảnh sát nhân dân” bằng “cảnh sát cơ động” ở Điều 2, bởi, mặc dù CSCĐ thuộc lực lượng Công an nhân dân, đặt dưới sự chỉ đạo, chỉ huy trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Công an nhưng lực lượng CSCĐ vẫn có tính độc lập tương đối trong tổ chức bộ máy của lực lượng Công an nhân dân.
Biện pháp vũ trang quy định trong luật cũng do lực lượng CSCĐ trực tiếp triển khai trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình nên phần giải thích từ ngữ nên đi thẳng vào lực lượng CSCĐ.
Đồng thời, đại biểu Lê Tất Hiếu đề nghị Ban soạn thảo chuyển nội dung “bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật” tại khoản 3, Điều 4 lên Điều 3 thì sẽ phù hợp hơn.
Nghiên cứu thay một số từ, cụm từ tại khoản 1, Điều 4 và khoản 1, khoản 3 Điều 18 để bảo đảm tính chính xác, tránh trùng lặp từ. Cần thiết quy định cho lực lượng CSCĐ được quyền huy động người, phương tiện, thiết bị để ngăn chặn, trấn áp đối với tội phạm sử dụng vật liệu dễ cháy, nổ.
Đề nghị sửa lại tiêu đề của Chương IV thành “Nội dung quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với CSCĐ”.
Bên cạnh đó, việc không quy định một số chế độ, chính sách của CSCĐ trong luật này vì đã có quy định trong Luật Công an nhân dân là phù hợp để bảo đảm ngắn gọn, tránh trùng lặp giữa Luật CSCĐ và Luật Công an nhân dân.
"Tuy nhiên, cần bổ sung thêm một số điều luật viện dẫn đến các quy định tương ứng trong Luật Công an nhân dân để bảo đảm tính chặt chẽ, đầy đủ", đại biểu Lê Tất Hiếu đề xuất.
Có thể bạn quan tâm
05:00, 26/10/2021
20:55, 22/10/2021
12:38, 22/10/2021
15:42, 21/10/2021
16:34, 20/10/2021