Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 có hồi sinh?

NGUYỄN VIỆT 06/04/2022 00:17

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã yêu cầu PVN dựng đồng hồ “đếm ngược” tại công trường Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, để biết còn bao nhiêu ngày sẽ đến mục tiêu. 

>>TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Phấn đấu đưa Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 vào hoạt động tháng 4/2022

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết như vậy tại tại Toạ đàm "Xử lý các dự án yếu kém: Bài học kinh nghiệm và hướng đi tiếp theo".

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An.

Đánh giá về Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho biết, hơn một năm nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trực tiếp chỉ đạo tại các phiên họp thường trực Chính phủ và Thủ tướng đã giao Phó Thủ tướng Lê Văn Thành trực tiếp chỉ đạo.

“Chỉ đạo gần như là pháp lệnh”

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã 4 lần trực tiếp xuống hiện trường tính từ tháng 4/2021, lần gần nhất là ngày 23/3 nhân sự kiện đốt dầu được thực hiện.

Yêu cầu của Thủ tướng là bằng mọi giá, mọi cách phải đưa dự án này vào vận hành, tháng 11 là phải đưa tổ máy 1 vào vận hành thương mại. Sau đó 1 tháng, tức tháng 12, là tổ máy số 2 vận hành thương mại.

Đây là dự án quan trọng, đóng vai trò quan trọng trong hệ thống an ninh năng lượng quốc gia. Đồng thời, có đóng góp rất lớn đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Thái Bình, khoảng 1.000 tỷ cho ngân sách của Thái Bình.

“Chỉ đạo gần như là pháp lệnh, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu PVN với tư cách chủ đầu tư dựng đồng hồ đếm ngược tại công trường, hàng ngày nhìn thấy còn bao nhiêu ngày nữa sẽ đến mục tiêu”, ông An bày tỏ.

Tuy nhiên, theo ông An, mục tiêu hoà lưới vào cuối tháng 4/2022 hoặc đầu tháng 5 như chỉ đạo của Chính phủ, và đốt than lần đầu vào 16/6 sẽ còn rất nhiều việc phải làm.

Qua theo dõi, chủ đầu tư và nhà thầu trên công trường rất nỗ lực. Cho đến nay, số người làm việc tại dự án là 1.000 người, 29 nhà thầu đang làm những việc mang tính quan trọng để phục vụ đốt than.

Chủ đầu tư Tập đoàn Dầu khí đã phê duyệt tiến độ cấp 4. Có những hạng mục rất quan trọng, như cấp than, máy nghiền than, băng tải than, các hệ thống liên quan đến xử lý lưu huỳnh… đang chạy hết tốc lực, song song với việc chạy thử và thí nghiệm các hệ thống đã lắp đặt.

“Tôi kỳ vọng từ nay đến 16/6 sẽ đạt được 2 mốc quan trọng. Một là hoà lưới điện lần đầu vào cuối tháng 4. Hai là ngày 16/6”, ông An nói.

Ông Hồ Sỹ Hùng, Phó Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Ông Hồ Sỹ Hùng, Phó Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Bình luận về dự án này, ông Hồ Sỹ Hùng, Phó Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho rằng, việc vận hành nhà máy có ý nghĩa rất lớn trong cấp điện cho cả nước. Tuy nhiên, thách thức hiện nay là hệ thống thiết bị để quá lâu, giờ lắp đặt để vận hành. Trong quá trình đó, đội ngũ lãnh đạo nhà máy và nhà thầu phải họp lại nhiều lần để xem xét…

Đây là quá trình gian truân để dự án được triển khai. Dựa trên thực tế, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu tái cơ cấu tất cả, thậm chí thay đổi nhân sự để có hiệu quả, yêu cầu đánh giá việc để lâu phát sinh chi phí khác như thế nào?

Thực hiện dự án đòi hỏi đặt ra quyết tâm triển khai rất lớn. Thủ tướng và Phó Thủ tướng chỉ đạo và rà soát trực tiếp để tránh phát sinh không lường trước được. Điều này thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo cấp trên với dự án trọng điểm này.

Chính vì vậy, Ban Quản lý dự án và các nhà thầu đã làm việc rất quyết liệt để đưa vào vận hành, cuối tháng 2 vừa qua hệ thống thiết bị đã vận hành. Với quyết tâm của PVN và Chính phủ, dự án sẽ hoàn thành và kỳ vọng đưa vào sản xuất thương mại vào tháng 9 hoặc tháng10 năm nay.

>>Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 phấn đấu đến 30/4/2022 hoà vào lưới điện

Dứt điểm từng dự án

Như vậy, kể từ sau khi được kiện toàn, Chính phủ đã cùng lúc xử lý nhiều nhiệm vụ đặt ra. Trong đó, Chính phủ luôn xác định việc xử lý các vấn đề tồn tại của một số dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả, thua lỗ là nhiệm vụ quan trọng và được Chính phủ tập trung chỉ đạo thường xuyên, liên tục, quyết liệt.  

Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2.

Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính từng nhấn mạnh, đây là những nhiệm vụ rất khó khăn, phức tạp, trong khi thời gian, nguồn lực lại có hạn, không thể cùng lúc xử lý tất cả các dự án mà phải phân loại, lựa chọn một số để làm trước, làm dứt điểm; sau đó tiếp tục rút kinh nghiệm, phát huy cách làm tại các dự án được xử lý thành công để giải quyết các vướng mắc tại các dự án khác.

Kế thừa kết quả của nhiệm kỳ trước, đặc biệt từ năm 2021, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, một số dự án trì trệ đã có bước chuyển biến tích cực, có dự án đã hoạt động và kinh doanh có lợi nhuận.

Tiêu biểu là nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 sau 11 năm “đóng băng” đã tổ chức đốt lửa lần đầu tổ máy số 1 ngày 23/3 vừa qua, hướng tới mục tiêu hòa lưới điện vào ngày 30/4 và đốt than lần đầu tổ máy 1 vào ngày 16/6 tới đây.

Toạ đàm

Toạ đàm "Xử lý các dự án yếu kém: Bài học kinh nghiệm và hướng đi tiếp theo".

Cùng với đó, sau hơn 3 năm triển khai Quyết định số 1468/QĐ-TTg của Thủ tướng phê duyệt Đề án xử lý các tồn tại yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ kém hiệu quả thuộc ngành công thương (Đề án 1468), ngày 4/11/2021, Ban chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của các dự án trên thống nhất đưa 5 dự án ra khỏi "danh sách đen" 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả.

Tuy nhiên, chặng đường phía trước còn rất nhiều thách thức trong xử lý các dự án yếu kém gắn với điều kiện phát triển thị trường, hướng dẫn doanh nghiệp về pháp lý trong việc xử lý tranh chấp hợp đồng EPC, hay giải quyết khó khăn về tài chính.

Có thể bạn quan tâm

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Phấn đấu đưa Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 vào hoạt động tháng 4/2022

    20:52, 13/01/2022

  • Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 phấn đấu đến 30/4/2022 hoà vào lưới điện

    01:35, 05/09/2021

  • Xử lý thế nào Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2?

    03:00, 17/11/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 có hồi sinh?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO