Dự án “tỷ đô” của General Electric tại Việt Nam đang ra sao?

NGUYỄN CHUẨN 23/11/2020 03:06

Thứ bảy vừa qua, General Electric(GE) và EVNGenco3 đã ký một biên bản ghi nhớ để phát triển nhà máy khí tự nhiên hóa lỏng - LNG Long Sơn, Bà Rịa-Vũng Tàu.

Dự án tỷ đô đã bắt đầu “chạy đà”

Việc ký kết được diễn ra trong một sự kiện ở Hà Nội với sự tham dự của Robert O'Brien, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đang có chuyến thăm 3 ngày tới Việt Nam.

Nhà máy khí hóa lỏng LNG Long Sơn thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Việt Nam

Nhà máy khí hóa lỏng LNG Long Sơn thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Việt Nam

GE cho biết, theo Biên bản ghi nhớ đã ký với EVNGenco3 của Việt Nam, công ty Hoa Kỳ có trụ sở tại Massachusetts này sẽ nỗ lực cung cấp công nghệ tuabin khí “tốt nhất trong phân khúc”, cùng các thiết bị và dịch vụ khác ước tính hơn 1 tỷ USD trong suốt dự án.

Bên cạnh đó, GE cũng cho biết, tương lai nhà máy LNG Long Sơn tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tầu sẽ cung cấp nguồn điện từ 3.600-4.500 MW cho cả nước.

Quay trở lại năm 2017, Việt Nam đã đề xuất ý tưởng nghiên cứu và phát triển dự án Trung tâm Điện lực Long Sơn tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Thời điểm đó, Tổ hợp các nhà đầu tư gồm: Tổng công ty Phát điện 3 (EVNGENCO3), Công ty Đầu tư Thành Thành Công (TTC), Công ty Tư vấn Xây dựng điện 2 (PECC 2), Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Bình Dương (PACIFIC), Mitsubishi Corporation (MC), General Electric International(GE) - gọi tắt là Tổ hợp GTPP-MC-GE.

Đến đầu năm 2018, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và GENCO 3 cũng đã ký biên bản ghi nhớ về cam kết và hỗ trợ đầu tư dự án Trung tâm Điện lực Long Sơn.

Ngày 23/4/2020, dự án Trung tâm Điện lực LNG Long Sơn (giai đoạn 1) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung Quy hoạch điện lực. Và ngày 8/6/2020, Bộ Công Thương cũng đã có văn bản hướng dẫn một số nội dung liên quan đến dự án này.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trung tâm Điện lực LNG Long Sơn phải hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2025 -2026 để vận hành, kịp thời bổ sung thêm nguồn điện cho phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh năng lượng của Việt Nam trong những năm sắp tới.

“Dấu chân” của GE tại Việt Nam

GE được coi là một “kẻ khổng lồ bất diệt” trong nền công nghiệp lâu đời nước Mỹ. Tập đoàn này đã từng nắm trong tay cả đài NBC, hãng phim Universal Studios, một công ty thiết bị khổng lồ và thậm chí là cả một trong những ngân hàng lớn nhất nước Mỹ...

GE được coi là một “kẻ khổng lồ bất diệt” trong nền công nghiệp lâu đời nước Mỹ.

GE được coi là một “kẻ khổng lồ bất diệt” trong nền công nghiệp lâu đời nước Mỹ.

Người ta biết đến GE như là một trong 12 thành viên đầu tiên của chỉ số Dow Jones của thị trường chứng khoán Mỹ, và là cổ phiếu trụ lại lâu nhất trong chỉ số blue-chip này. Các phát minh của GE gắn liền với những đột phá khoa học của nhân loại từ bóng đèn, tia X, tủ lạnh, TV cho tới động cơ máy bay, nhà máy điện hạt nhân…

Đã có những thời điểm, GE nằm trên bờ vực của sự phá sản khi những bất ổn nội bộ, những cuộc khủng hoảng tài chính và những thương vụ đầu tư sai lầm tưởng chừng đã “giết chết” công ty của Thomas Edison này.

Đã có lúc, những mảng kinh doanh đã từng là "chứng nhân" trong lịch sử đáng tự hào của GE như mảng đường sắt hơn 100 năm tuổi và mảng kinh doanh bóng đèn kỳ cựu của Edison, cũng được đem rao bán.

Chỉ đến khi Larry Culp – một CEO “người ngoài” đến với GE trong cuộc khủng hoảng, ông nhanh chóng xử lý các tình huống cấp bách, bán một phần tài sản, cắt giảm chi phí, trang trải nợ nần và đưa GE ra khỏi “đống đổ nát” chỉ trong vòng thời gian ngắn, GE ngừng “đốt tiền mặt” và giá cổ phiếu tăng vọt từ 10,85 lên 13,16 USD vào tháng 2 năm 2020.

Riêng tại Việt Nam, GE đã có mặt từ rất lâu với những dấn ấn đậm nét trong sự phát triển quan hệ song phương Việt-Mỹ sau khi bình thường hóa quan hệ.

Ngày 14/12/1992, tổng thống Mỹ George Bush ký sắc lệnh cho phép các công ty của Mỹ có thể mở văn phòng đại diện tại Việt Nam. Chỉ sáu tháng sau, GE trở thành một trong số ít công ty Hoa Kỳ đầu tiên quay trở lại Việt Nam.

Tuy nhiên, chỉ đến ngày 3/2/1994, Tổng thống Mỹ thời điểm đó là Bill Clinton ra quyết định bãi bỏ lệnh cấm vận thương mại đối với Việt Nam. GE đã trở thành một biểu tượng của mối quan hệ kinh doanh song phương nói chung và của các doanh nghiệp giữa hai nền kinh tế Việt Nam – Hoa Kỳ nói riêng.

Hiện tại, GE hoạt động tại Việt Nam ở bốn lĩnh vực chính: truyền tải điện, năng lượng, hàng không và thiết bị y tế.

Khởi đầu bằng những hợp đồng thương mại đầu tiên khi vào Việt Nam: GE Medical Systems bán các thiết bị y tế cao cấp trị giá chỉ 1,3 triệu USD (1993) được Ngân hàng Thế giới tài trợ, máy nén khí đầu tiên cho dự án vận chuyển khí ngoài khơi Bạch Hổ (1995), hợp đồng cho thuê ba máy bay Boeing 767-300ER mới cho Vietnam Airlines…

Tiếp đó, những năm 2010 là nhà máy sản xuất máy phát điện tuabin gió Hải Phòng do GE đầu tư đi vào hoạt động. Cuối năm 2013, GE ký cung cấp 40 động cơ GEnx cho đội Boeing 787 Dreamliner của Vietnam Airlines và một hợp đồng khác cung cấp 40 động cơ CFM cho máy bay A320/321 CEO của VietJet Air.

Có thể bạn quan tâm

  • Giật mình với “cú chi mạnh” của General Electric!

    Giật mình với “cú chi mạnh” của General Electric!

    05:50, 24/08/2020

  • Cựu CEO General Electric chia sẻ bí quyết thăng tiến

    Cựu CEO General Electric chia sẻ bí quyết thăng tiến

    00:00, 12/06/2015

  • Kỳ vọng gì từ cuộc đổ bộ của các “ông lớn” ngành năng lượng Mỹ vào Việt Nam?

    Kỳ vọng gì từ cuộc đổ bộ của các “ông lớn” ngành năng lượng Mỹ vào Việt Nam?

    03:42, 29/10/2020

  • Tập đoàn năng lượng Mỹ đầu tư 12 tỷ USD vào Indonesia

    Tập đoàn năng lượng Mỹ đầu tư 12 tỷ USD vào Indonesia

    00:00, 12/01/2014

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Dự án “tỷ đô” của General Electric tại Việt Nam đang ra sao?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO