Theo dự báo của giới chuyên gia, tiếp nối đà tăng trưởng đã có trong năm 2020, bất động sản công nghiệp năm 2021 sẽ là bức tranh với gam màu sáng.
Trong năm 2020, mặc dù nền kinh tế nói chung, thị trường bất động sản nói riêng phải hứng chịu ảnh hưởng rất lớn do đại dịch COVID-19 thì bất động sản công nghiệp lại nổi lên như một sự “biến nguy thành cơ”.
Với việc khống chế tốt dịch bệnh, Việt Nam đã và đang trở thành điểm đến an toàn của dòng vốn và các chuyên gia nước ngoài. Bên cạnh đó, xu thế chuyển dịch dòng vốn từ các nước, đặc biệt là từ Trung Quốc do tác động của cuộc thương chiến Mỹ - Trung thì Việt Nam lại càng có lợi thế khi đang tham gia hàng loạt Hiệp định tự do thương mại thế hệ mới như Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu – Việt Nam (EVFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP),..
Với việc vừa qua nhiều tập đoàn trên thế giới lập kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất tại Việt Nam thì rõ ràng, trong năm 2021, bất động sản công nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng lợi và được kỳ vọng sẽ trở thành một trong những lực kéo quan trọng để kinh tế có thêm nhiều hi vọng cho năm tới.
Theo đó, phân khúc bất động sản công nghiệp tại Việt Nam vừa qua cũng đã chứng kiến sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư nước ngoài. Theo Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn nước ngoài đăng ký đầu tư vào BĐS trong 11 tháng năm 2020 đạt gần 3,8 tỷ USD. Trong đó, BĐS công nghiệp là lĩnh vực đóng vai trò dẫn dắt với hàng loạt dự án lớn liên tiếp.
Cụ thể, trong tháng 10/2020, Công ty CP Phát triển công nghiệp BW (BW) - liên doanh giữa quỹ đầu tư tư nhân Warburg Pincus (Mỹ) và Tập đoàn Becamex IDC đã rót 98 triệu USD vào dự án cho thuê văn phòng, nhà xưởng, nhà kho và dịch vụ kho bãi huyện Bàu Bàng - tỉnh Bình Dương.
Ngay sau đó, vào tháng 11/2020, thị trường BĐS công nghiệp cũng chào đón dự án của Cainiao Swan Holding (Hong Kong) đầu tư vào xây dựng, phát triển, cho thuê nhà kho xây dựng sẵn, dịch vụ kho bãi và lưu giữ hàng hóa tại KCN Phú An Thạnh - tỉnh Long An.
Theo các chuyên gia với sự cải thiện trong chỉ số quản lý thu mua (PMI) sản xuất và sản xuất công nghiệp trong tháng 9, các chuyên gia hy vọng tốc độ tăng trưởng này sẽ tiếp tục nếu Việt Nam kiểm soát số ca Covid-19 ở mức thấp.
Bên cạnh việc hưởng lợi từ các nguồn vốn FDI, phân khúc BĐS Công nghiệp của Việt Nam cũng đang nhận được sự quan tâm của nhiều ông lớn bất động sản trong nước khi mới đây tập đoàn Vingroup cũng đã công bố những kế hoạch liên quan đến các dự án khu công nghiệp lớn.
Trong nguy có cơ, một số ý kiến chuyên gia cho rằng, việc đại dịch Covid-19 kéo dài thậm chí được kỳ vọng sẽ là yếu tố đẩy nhanh việc di dời các cơ sở sản xuất của các công ty đa quốc gia ra khỏi Trung Quốc. Đáng chú ý nhất là Apple Computers, Pegatron và Foxconn đã công bố kế hoạch chuyển đến hoặc mở rộng sản xuất tại Việt Nam.
Ông Troy Griffiths, Phó Tổng giám đốc Savills Việt Nam cho biết “Mô hình Trung Quốc + 1” có thể ngày càng được các nhà sản xuất theo đuổi, dẫn đến nhu cầu lớn hơn đối với thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam, khi các tập đoàn tìm cách giảm thiểu rủi ro và đa dạng hóa địa điểm sản xuất.
Chiến lược “Trung Quốc +1” chắc chắn sẽ có hiệu quả trong thời gian tới khi nhiều tập đoàn đang tìm cách giảm thiểu rủi ro và đa dạng hóa địa điểm. Điều này sẽ tăng cường việc cố gắng theo đuổi để sở hữu BĐS công nghiệp nói chung tại các khu kinh tế trọng điểm.
Trong bối cảnh “bình thường mới” hiện nay, theo nhận định của CBRE Việt Nam thì bản thân các chủ đầu tư bất động sản công nghiệp đang có những thay đổi trong việc phát triển sản phẩm nhằm thích ứng với tình hình mới.
Cụ thể, CBRE cho rằng việc ứng dụng công nghệ vào quản lý và vận hành nhà xưởng, cung cấp các gói dịch vụ đi kèm đang dần tạo nên một mô hình phát triển bất động sản công nghiệp mới tại Việt Nam tích hợp giữa cung cấp bất động sản lẫn dịch vụ hỗ trợ đầu tư và quản lý.
Có thể bạn quan tâm
COVID-19 sẽ mở ra cơ hội cho BĐS Công nghiệp tại Việt Nam
14:41, 24/02/2020
Triển vọng tăng trưởng từ các doanh nghiệp bất động sản công nghiệp
05:00, 25/12/2020
Đa dạng hóa địa điểm đầu tư bất động sản công nghiệp
15:14, 24/11/2020
Bất động sản công nghiệp: “Kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra”
05:30, 24/11/2020
Bất động sản công nghiệp cần có kết cấu mềm
00:14, 22/11/2020