Dư địa hợp tác giữa Việt Nam và khu vực Trung Đông-châu Phi còn rất lớn

BBT 10/09/2019 22:19

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh như vậy tại buổi tiếp đoàn Đại sứ các nước Trung Đông-châu Phi chiều 10/9.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc tiếp đoàn Đại sứ các nước Trung Đông-châu Phi. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc tiếp đoàn Đại sứ các nước Trung Đông-châu Phi. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Quan hệ đặc biệt, có bề dầy truyền thống

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sáng kiến lần đầu tiên tổ chức Hội nghị “Gặp mặt Đại sứ các nước Trung Đông-châu Phi năm 2019” của Bộ Ngoại giao Việt Nam với sự tham dự của 300 đại biểu, trong đó có 44 trưởng cơ quan đại diện ngoại giao thường trú và không thường trú, lãnh sự danh dự của các quốc gia Trung Đông-châu Phi tại Việt Nam.

Thủ tướng khẳng định, quan hệ giữa Việt Nam và các nước Trung Đông- châu Phi là quan hệ đặc biệt, có bề dầy truyền thống, được tôi rèn và thử thách qua giai đoạn đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây và quá trình phát triển và hội nhập kinh tế hiện nay.

Thời gian qua, hợp tác giữa Việt Nam và các nước Trung Đông-châu Phi phát triển tích cực trên tất cả các mặt từ chính trị, ngoại giao, thương mại, đầu tư, nông nghiệp, giáo dục, khoa học-công nghệ đến du lịch, văn hóa… đóng góp tích cực vào sự phát triển của mỗi nước cũng như vào hòa bình, hợp tác và phát triển của các khu vực châu Á và Trung Đông, châu Phi.

Trong chính sách đối ngoại của mình, Việt Nam luôn coi trọng và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống với các nước bạn bè Trung Đông-châu Phi. Và với con số kim ngạch hai chiều năm 2018 với cả Trung Đông-châu Phi mới đạt 22,5 tỷ USD, mặc dù tăng đến 300% so với năm 2010, nhưng theo Thủ tướng, dư địa hợp tác giữa Việt Nam và khu vực Trung Đông-châu Phi còn rất lớn. Để có thể tận dụng dư địa này, các vị Đại sứ và các cơ quan đại diện của các nước Trung Đông-châu Phi có vai trò hết sức quan trọng trong việc đề xuất, kết nối, đồng hành và thúc đẩy hợp tác.

Biến tin cậy chính trị thành kết quả hợp tác cụ thể

Trên cơ sở đó, Thủ tướng gợi ý một số hướng để các nhà ngoại giao Trung Đông-châu Phi cùng với Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành Việt Nam cùng nghiên cứu, thúc đẩy. Trong bối cảnh tình hình an ninh-chính trị tại nhiều khu vực trên thế giới, chủ nghĩa đa phương toàn cầu, các nguyên tắc căn bản của hợp tác quốc tế đang đối mặt với những thách thức mới, phức tạp hơn, khó lường hơn, các quốc gia như Việt Nam và các nước khu vực Trung Đông-châu Phi cần tiếp tục giương cao ngọn cờ đoàn kết, hợp tác cùng phát triển bền vững trên cơ sở quan hệ đối tác các bên cùng có lợi; cùng ủng hộ các nỗ lực đối thoại và giải quyết các bất đồng và xung đột bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế và các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc.

“Phát huy quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và các nước Trung Đông-châu Phi, biến tin cậy chính trị thành những kết quả hợp tác cụ thể, trong đó chú trọng thúc đẩy hợp tác kinh tế, nhất là các lĩnh vực giàu tiềm năng như thương mại, đầu tư, nông nghiệp, công nghệ thông tin và truyền thông, năng lượng, giáo dục-đào tạo, lao động, du lịch…”, Thủ tướng nói.

Bên cạnh hợp tác song phương giữa Việt Nam và các nước trong khu vực Trung Đông-châu Phi, Thủ tướng đề xuất cần mở rộng hợp tác trên bình diện khu vực và quốc tế để tạo cơ chế phối hợp và hợp tác đồng bộ. Trên cơ sở đó, tôi hoan nghênh việc GCC (Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh) và Việt Nam chuẩn bị ký kết thỏa thuận thiết lập cơ chế đối thoại; đề nghị sớm thúc đẩy việc lập quan hệ chính thức giữa Việt Nam và Liên minh châu Phi và mở rộng hợp tác giữa Việt Nam cũng như ASEAN với các tổ chức khu vực và tiểu khu vực khác tại Trung Đông-châu Phi. “Cần khuyến khích và tạo điều kiện cho khu vực tư nhân cùng với nhà nước và các chính quyền địa phương tham gia vào tiến trình thúc đẩy và mở rộng hợp tác giữa Việt Nam và các nước Trung Đông-châu Phi”.

Bên cạnh huy động các nguồn lực song phương, các cơ chế hợp tác Nam-Nam, Thủ tướng mong muốn các tổ chức quốc tế và khu vực, các cơ quan phát triển của các nền kinh tế phát triển cùng đồng hành với Việt Nam và các nước Trung Đông, châu Phi triển khai các hoạt động hợp tác trong các lĩnh vực theo mô hình 3-4 bên, để chia sẻ kinh nghiệm tiên tiến và nguồn lực, phục vụ các mục tiêu phát triển chung.

Phát huy hơn nữa vai trò của các Đại sứ

Cần phát huy hơn nữa vai trò chủ động, tiên phong của các vị Đại sứ, các nhà ngoại giao của Việt Nam cũng như khu vực Trung Đông-châu Phi trong việc mở đường, dẫn dắt và thúc đẩy hợp tác, xứng đáng với trọng trách sứ giả, cầu nối giữa chính phủ và nhân dân các nước Trung Đông-châu Phi với chính phủ và nhân dân Việt Nam. “Tôi mong rằng những cây cầu nối này phải luôn hoạt động ổn định, hiệu quả để phục vụ cho lợi ích của nhân dân hai bên”, Thủ tướng nói.

Tại cuộc tiếp, thay mặt đoàn, Đại sứ Cộng hòa Djibouti, ông Admed Araita Ali cho rằng, Hội nghị thực sự hữu ích, được đông đảo đại biểu đánh giá cao. Trong thời gian hội nghị, các đại biểu được đi tham quan thực tế trong hai ngành là viễn thông và nông nghiệp. “Tôi xin chúc mừng Thủ tướng và Chính phủ Việt Nam về những thành tựu kinh tế ấn tượng mà Việt Nam đã đạt được trong những năm qua”, ông nói. “Chúng ta đã chứng kiến những thành quả hợp tác thực chất, cụ thể trong những năm qua. Điều này khẳng định tiềm năng hợp tác thương mại giữa chúng ta”.

Đại sứ Cộng hòa Djibouti cho biết, Liên minh châu Phi đã khởi động một thỏa thuận thương mại tự do trên toàn châu lục. Trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ có xu hướng gia tăng, hợp tác Trung Đông-châu Phi và Việt Nam minh chứng cho tầm quan trọng của nhu cầu mở cửa thị trường.

Ghi nhận ý kiến của Đại sứ cộng hòa Djibouti, Thủ tướng khẳng định Việt Nam làm hết sức mình để thúc đẩy hợp tác với các nước Trung Đông-châu Phi. “Vai trò của các vị Đại sứ, đại biện đóng góp vào hợp tác này rất quan trọng. Việt Nam luôn đón chờ, mở cửa để hợp tác với các bạn trên tinh thần hai bên cùng có lợi, cùng phát triển”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Dư địa hợp tác giữa Việt Nam và khu vực Trung Đông-châu Phi còn rất lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO