Ông Phạm Hà - Chủ tịch HĐQT kiêm CEO Lux Group cho rằng, trong nền kinh tế sáng tạo, đừng “ăn mày” di sản, phải nâng cao giá trị và lồng ghép những câu chuyện trong mỗi hành trình trải nghiệm du lịch.
Đại dịch Covid-19 đã và đang làm tan hoang ngành kinh tế xanh. Sự “không thể thê thảm hơn” càng trầm trọng nếu sau đại dịch doanh nghiệp du lịch không tạo ra bằng được những sản phẩm du lịch có chất lượng, một hệ sinh thái với các dịch vụ trọn gói phục vụ du khách trong tương lai.
- “Quá tam ba bận”, COVID-19 lần thứ 4 chắc chắn đã khiến Lux Group rơi vào cảnh đóng băng hệ thống với muôn vàn khó khăn chưa từng có, thưa ông?
Đúng vậy. Có thể nói, những tác động của COVID-19 được ví như cơn sóng thần, nhấn chìm vô vàn doanh nghiệp du lịch. Mọi tác động từ dịch bệnh đều vô cùng khủng khiếp và với tính toán lạc quan, Lux Group có thể mất đến 4 năm để có thể khôi phục tình hình kinh doanh ở trạng thái bình thường cũ. Lux Group đã chuẩn bị và chống đỡ với đợt tấn công của ba đợt dịch trước nhưng vẫn “bàng hoàng” trước làn sóng lần thứ 4 chưa có hồi kết.
Khi đợt dịch đầu tiên “ập tới”, doanh nghiệp chúng tôi đã ngay lập tức chuyển đổi sang mô hình kinh doanh với khách du lịch nội địa, tối ưu hóa quy trình và số hóa toàn bộ doanh nghiệp. Các ý tưởng mới, sản phẩm mới, cách tư duy mới được đưa vào triển khai. Kết quả, Lux Group đã sống sót trước 3 đợt dịch và chuẩn bị sẵn sàng dành toàn bộ nguồn lực, đặt cọc hàng ngàn vé máy bay, phòng khách sạn để đón đầu mùa du lịch hè 2021. Cuối cùng, với mức độ nghiêm trọng, lan rộng của dịch bệnh ngay đầu “mùa vàng” du lịch hè 2021 là điều doanh nghiệp không thể ngờ tới. Bao nhiêu hy vọng tan vỡ, đau đớn và chua xót vô cùng!
- Các doanh nghiệp du lịch đã cạn kiệt nguồn lực thì khủng hoảng về nguồn nhân lực du lịch sẽ càng thêm trầm trọng, thưa ông?
Tinh thần của người làm du lịch sau những cố gắng như “dã tràng xe cát biển Đông” đã vô cùng uể oải và thất vọng ở tương lai mù mịt của ngành du lịch. Dưới cương vị người lãnh đạo, mặc dù mọi thành viên của Lux Group đều cố gắng không ngừng nghỉ, nhưng “cú đánh” này đã khiến nguồn nhân lực của chúng tôi có sự thay đổi lớn. Hơn ai hết, những nhân sự có năng lực hiểu và cảm thông được cho sự khó của chủ doanh nghiệp, nên một số chuyển sang mảng kinh doanh nội địa, một số tự tìm công việc khác.
Phần lớn, doanh nghiệp du lịch chúng tôi đang là “tự cứu mình”. Các doanh nghiệp du lịch tôi biết chưa chạm được vào các gói cứu trợ của Chính phủ. 95% các doanh nghiệp du lịch phải đóng cửa và chuyển đổi kinh doanh, 5% doanh nghiệp du lịch còn lại, từ lớn đến nhỏ đã cạn kiệt nguồn vốn, nếu không có những chính sách thực sự hữu hiệu để cứu doanh nghiệp và người lao động ngành kinh tế xanh thì cả thị trường nội địa và quốc tế đều khó có thể phục hồi.
- Khó khăn là thế. Điều gì khiến ông luôn vững tin, bền bỉ trong những đợt sóng thần COVID-19 chưa có hồi kết, thưa ông?
Tôi không nghĩ rằng mình tài giỏi. Nhưng, Lux Group có một đội ngũ đồng hành cùng chí hướng, đồng lòng đã giúp chúng tôi vượt qua khó khăn. Trong khủng hoảng, chúng tôi tự tin về giá trị cốt lõi của thương hiệu, về tầm nhìn sứ mệnh của doanh nghiệp đã giúp Lux Group đứng vững và có được lòng tin của cả hệ thống nhân sự.
COVID-19 chỉ có thể làm chậm lại việc hiện thực hóa những ý tưởng trong kinh doanh, chứ không thể xóa đi mục tiêu và lý tưởng. Du lịch sẽ trở thành nhu cầu tất yếu trong cuộc sống, nên không ngừng sáng tạo, làm mới mình. Du lịch Việt Nam phải phát triển theo hướng: tất cả là điểm đến, trải nghiệm và ký ức.
Chúng tôi không chỉ bán sản phẩm, chúng tôi bán cảm xúc, bán trải nghiệm về lịch sử văn hóa cho du khách. Chuyến đi sẽ mang đến giá trị không chỉ dừng lại ở thư giãn mà còn đem đến nhiều bài học, đề cao lòng tự tôn dân tộc và quảng bá lịch sử Việt Nam cho mọi du khách trong và ngoài nước.
- Sự khác biệt giữa Lux Group và các doanh nghiệp du lịch lữ hành khác là gì, thưa ông?
Như tôi có đề cập. Điều đặc biệt nhất, Lux Group không chỉ là một doanh nghiệp du lịch bán sản phẩm. Chúng tôi “bán” cảm xúc, lồng ghép những câu chuyện trong mỗi hành trình trải nghiệm. Ví dụ như Du thuyền Heritage Cruises Bình Chuẩn tại Cát Bà (Hải Phòng), được thiết kế dựa trên con tàu Bình Chuẩn của doanh nhân Bạch Thái Bưởi từ thế kỷ 20.
Tôi kỳ vọng người Việt sẽ được sống dậy một ký ức lịch sử đầy kiêu hãnh về con tàu “made in Việt Nam” đầu tiên trong lịch sử. Đặc biệt, du khách sẽ rất ấn tượng với những bộ sưu tập tranh đậm đà bản sắc văn hóa, tinh thần Việt Nam trên du thuyền. Trong nền kinh tế sáng tạo, cần sáng tạo, đừng ‘ăn mày’ di sản, mà phải nâng cao giá trị và phải biết kể chuyện.
Chúng tôi không chọn trở nên lớn nhất mà chọn trở thành tuyệt vời nhất. Mỗi công ty thuộc Lux Group là một người tí hon vĩ đại, mang hạnh phúc đến với mọi người.
“Tôi đặt tâm huyết và nhiều cảm xúc vào mỗi sản phẩm để truyền tải và chạm đến khách hàng theo một cách riêng. Tôi thích sống trong một ngôi nhà thật đơn giản, nhưng phải ngập tranh. Du thuyền của tôi cũng tràn ngập tranh. Điều này xuất phát từ sở thích cá nhân và đến từ sự tìm tòi, trân trọng những di sản văn hóa lịch sử và đồng thời cũng kích thích sự tìm tòi, khám phá của mỗi du khách khi trải nghiệm tranh trên du thuyền.
Tôi làm những điều mình yêu thích và đem đến niềm vui, sự hài lòng của khách hàng. Đó chính sứ mệnh làm “nghề hạnh phúc” - CEO Phạm Hà.
Có thể bạn quan tâm
Xe điện “Made in ông Tâm”
04:00, 31/07/2021
Tân Tổng giám đốc toàn cầu sẽ đưa Vinfast đi đến đâu?
04:00, 30/07/2021
Tỷ phú Lee Man Tat và cuộc hồi sinh đế chế sản xuất dầu hào lớn nhất thế giới
11:00, 29/07/2021
Chuyện về cô gái Việt lãnh đạo quỹ đầu tư Mỹ
03:00, 29/07/2021
Ông chủ Zomato đã xây dựng kỳ lân tỷ đô như thế nào?
01:36, 28/07/2021