"Việt Nam chưa có những "quả đấm lớn", những sản phẩm đặc biệt, độc đáo để thu hút khách du lịch tới nhiều, chi tiêu nhiều..."
Thời gian qua, với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế du lịch, nhiều năm liền số lượng khách trong nước và quốc tế tăng mạnh, có năm du khách nước ngoài đến Việt Nam đạt hơn 18 triệu người, tương đương nhiều quốc gia có du lịch phát triển ở Đông Nam Á, chiếm 80% lượng khách hàng không quốc tế ra vào Việt Nam.
Ngành du lịch đã đóng góp ước tính 9,2% tổng sản phẩm trong nước, tạo công ăn việc làm trực tiếp và gián tiếp cho gần 5 triệu người trong các lĩnh vực phụ trợ của du lịch và liên ngành. Tuy nhiên, khi đại dịch COVID-19 bùng phát đã ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động kinh tế-xã hội, trong đó du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong lịch sử hơn 60 năm ngành Du lịch Việt Nam.
>>> Nâng mục tiêu đón khách quốc tế, du lịch có kịp về đích?
Về tầm quan trọng của ngành, tại Đại hội Công nghiệp du lịch Quốc gia lần thứ nhất - năm 2023, TS. Vũ Tiến Lộc - Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam nhận định: “Du lịch đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của các quốc gia trên thế giới. Với mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn khai thác tài nguyên du lịch, là giải pháp căn cơ tháo gỡ những hạn chế, yếu kém. Phấn đấu đến năm 2030, du lịch Việt Nam thực sự là ngành kinh tế trọng tâm, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội”.
Nhưng thực tế hiện nay, ông Vũ Tiến Lộc cũng thẳng thắn nhìn nhận vẫn tồn tại một số hạn chế, yếu kém, khiến du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và kỳ vọng của xã hội.
Theo đó, ngành du lịch chưa được coi là ngành kinh tế mũi nhọn, tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hoá và hội nhập quốc tế; thiếu chính sách phù hợp để du lịch phát triển, vận hành theo quy luật thị trường; chưa mở rộng huy động và phát huy nhiều nguồn lực xã hội cho phát triển thành ngành công nghiệp du lịch quốc gia.
Bổ sung thêm về mặt hạn chế, ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty du lịch Vòng Tròn Việt, khẳng định rằng: cơ chế, hành lang phát triển cơ sở hạ tầng là yếu tố quan trọng quyết định chiến lược cạnh tranh điểm đến của du lịch Việt Nam. Nhưng hiện nay, giá tour của VN thuộc hạng cao so với các nước trong khu vực, gây bất lợi trong thu hút khách từ thị trường các nước lân cận khu vực Đông Nam Á. Cơ cấu khách các nước láng giềng rất thấp trong khi khu vực có tới 600 triệu dân, lại gần 2 thị trường khổng lồ là Trung Quốc và Ấn Độ.
Thêm nữa, ông Huê cũng nhấn mạnh việc Việt Nam chưa có những "quả đấm lớn", những sản phẩm đặc biệt, độc đáo để thu hút khách du lịch tới nhiều, chi tiêu nhiều. Mặt khác, không thể yêu cầu các doanh nghiệp hạ giá dịch vụ thêm nữa bởi bản chất câu chuyện là chi phí đầu vào cho các sản phẩm du lịch tốt hiện nay rất cao.
>>> Quảng Nam đẩy mạnh chuyển đổi số ngành du lịch
"Ngành du lịch tạo ra nhiều việc làm, có tác động lan tỏa mạnh và phát triển bền vững hơn các ngành khác. Song, du lịch cũng là ngành đầu tư tiền tỉ nhưng thu về tiền cắc. Vì thế rất cần thiết phải được sự ủng hộ, khuyến khích từ chính sách. Những bất cập từ luật Đất đai cũng chỉ ra một thực trạng rằng ngành du lịch đang bị o ép bởi rất nhiều quy định liên quan tới nhiều bộ luật từ nhiều ngành. Muốn phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thì không thể chỉ hô khẩu hiệu, nói chung chung mà phải đi vào từng giải pháp cụ thể. Phải có một Ủy ban du lịch tầm quốc gia, đủ mạnh để điều phối và thực thi chính sách có sự phối hợp giữa tất cả các ngành", ông Huê nhấn mạnh.
Giám đốc Công ty du lịch Vòng Tròn Việt cũng chia sẻ từ thực tế rất cần lấy ý kiến từ các chuyên gia, các địa phương về giải pháp khắc phục, đa số ý kiến đều cho rằng chuyển đổi số trong ngành du lịch - đây là phương án hiệu quả nhất, bước đầu đã đem lại tín hiệu tích cực cho ngành cũng như các địa phương triển khai.
Đồng thời, Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn, tiếp cận thị trường, giảm thuế, giá thuê đất… đây là cách để Thái Lan, Singapore… hình thành nên những "bom tấn" du lịch thu hút hàng triệu khách cả trong khu vực lẫn thị trường xa.
>>> Xu hướng mới thúc đẩy bùng nổ du lịch
Cũng tại Đại hội Công nghiệp du lịch Quốc gia lần thứ nhất, Ngài Andrew Goledzinowski, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Australia tại Việt Nam cho rằng: “Tiềm năng đối với ngành du lịch Việt Nam là không giới hạn. Việt Nam có sự thu hút tuyệt vời mang đẳng cấp thế giới.
"Tôi nghĩ du lịch Việt Nam nên có tham vọng hơn trong việc làm thế nào để hướng tới thu hút nhóm du khách cao cấp. Có thể khẳng định rằng, Đại hội liên ngành Công nghiệp Du lịch Quốc gia - “National Tourism Industry Summit” sẽ là dấu ấn đưa nền công nghiệp du lịch Việt Nam thêm một bước tiến mới, đồng thời nâng cao hình ảnh của Việt Nam không chỉ với khách du lịch, mà còn với chính bản thân ngành du lịch Việt Nam", Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Australia tại Việt Nam nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
11:00, 06/10/2023
08:24, 06/10/2023
04:00, 06/10/2023
01:03, 06/10/2023