Mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn không chỉ góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, phát triển điểm đến du lịch mà còn đem lại sinh kế cho nông dân…
Với bề dày lịch sử truyền thống cùng tiềm năng thiên nhiên ưu đãi, huyện Sóc Sơn đã xác định đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn theo hướng đặc sắc, khác biệt, có tính trải nghiệm và giá trị gia tăng cao, nhằm tạo sự hấp dẫn, thu hút khách du lịch.
Theo số liệu báo cáo của UBND huyện Sóc Sơn cho thấy, trên địa bàn hiện có hơn 10.000ha đất sản xuất nông nghiệp, hơn 4.500ha đất lâm nghiệp; 112 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động nhiều ngành nghề, loại hình; 3.447 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và 2 làng nghề truyền thống... Những năm gần đây, huyện Sóc Sơn xây dựng được khá nhiều vùng sản xuất nông sản an toàn có thương hiệu như đu đủ sạch Nam Sơn, gà đồi Sóc Sơn, dưa lê Đông Xuân, rau hữu cơ Thanh Xuân, dược liệu Sóc Sơn…
Đây vốn là những sản phẩm nổi tiếng từ lâu nhưng do cách sản xuất của người dân manh mún với số lượng nhỏ nên không mang tính hiệu quả cao, đặc biệt là khó thuyết phục khách du lịch. Hiện nay, các nông sản đã được đầu tư theo chuỗi với sự tham gia của Hợp tác xã, doanh nghiệp nên nhiều mô hình sản xuất còn là điểm tham quan, học hỏi kinh nghiệm lý tưởng cho người dân, du khách, cơ quan đoàn thể…
Bên cạnh đó, Sóc Sơn là huyện cách trung tâm Hà Nội 30km, là vùng đất có giá trị tài nguyên du lịch cả về thiên nhiên và văn hóa. Huyện có nhiều địa danh nổi tiếng như: Núi Sóc, núi Đôi, hồ Đồng Quan, hồ Đồng Đò, hồ Hàm Lợn với 174 lễ hội được tổ chức hằng năm nên thu hút không ít khách về tham quan, trải nghiệm, là đòn bẩy để thúc đẩy tiêu thụ nông sản hàng hóa.
Tiêu biểu như Festival nông sản Hà Nội năm 2023 nhằm kỷ niệm 69 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2023) diễn ra từ ngày 28/9-1/10 tại Sân vận động huyện Sóc Sơn với quy mô 160 gian hàng, 1.500 dòng sản phẩm, thực phẩm chế biến, sản phẩm OCOP của các HTX, làng nghề tiêu biểu của Hà Nội và 30 tỉnh, thành phố khác. Sự kiện thu hút đông đảo khách du lịch đến Sóc Sơn nên chính là cơ hội cho huyện quảng bá nông đặc sản địa phương cũng như các điểm du lịch.
Trong điều kiện nhu cầu du lịch trải nghiệm, du lịch nông nghiệp, nông thôn ngày càng tăng ở các đô thị lớn, trong đó có thành phố Hà Nội, làm sao để đón sóng được thị trường cũng như phát huy được thế mạnh của địa phương trong du lịch nông nghiệp luôn được huyện Sóc Sơn và Thành phố Hà Nội quan tâm.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Đỗ Minh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn cho biết, huyện đã có nhiều mô hình du lịch, nhiều vùng sản xuất tập trung được hình thành, trở thành điểm tham quan, trải nghiệm cho du khách. Để tiếp tục phát triển du lịch nông nghiệp, thời gian tới, huyện mong muốn kết hợp với Sở Du lịch Hà Nội để phát triển hệ thống cơ sở lưu trú cao cấp (khách 4-5 sao, khu nghỉ dưỡng quy mô lớn) dọc tuyến Nhật Tân - Nội Bài, đường Vành đai 4, khu vực núi Sóc - hồ Đồng Quan… bởi huyện đang nằm trong nghiên cứu không gian quy hoạch du lịch của thành phố Hà Nội đến năm 2030.
Được biết, Sở Du lịch Hà Nội sẽ phối hợp xây dựng các tuyến du lịch kết nối các điểm đến trong khu vực 3 huyện (Sóc Sơn - Mê Linh - Đông Anh) vì đây đều là những huyện có thế mạnh về nông nghiệp du lịch, đặc biệt là nông nghiệp theo chuỗi và ứng dụng công nghệ cao. Việc hình thành các tuyến du lịch hoàn chỉnh giữa các huyện sẽ tăng thời gian lưu trú của khách, từ đó nâng cao giá trị kinh tế cho người dân, hợp tác xã và cả địa phương.
Liên quan đến định hướng phát triển mô hình du lịch nông nghiệp, thông tin từ UBND huyện Sóc Sơn cũng cho biết, từ ngày 20- 24/12/2024 tới đây, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội và UBND huyện Sóc Sơn sẽ phối hợp tổ chức "Lễ hội mua sắm" năm 2024 tại khu đất đấu giá Dược Thượng (Tiên Dược, huyện Sóc Sơn).
Lễ hội được tổ chức nhằm thực hiện và cụ thể hóa các chương trình hợp tác của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong cả nước, với tinh thần “Hà Nội với cả nước, cả nước với Hà Nội”; Kế hoạch số 73/KH-UBND ngày 4/3/2022 của UBND thành phố Hà Nội về phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025.
Trong khuôn khổ chương trình sẽ diễn ra các hoạt động tuyên truyền quảng bá, trình diễn văn hóa, văn nghệ truyền thống chào Xuân, đón năm mới và chào mừng Đại hội đảng các cấp; các hoạt động quảng diễn sản phẩm nghề truyền thống, sản phẩm OCOP; các hoạt động quảng bá, kết nối, dùng thử sản phẩm tại gian hàng...