Công nghệ

Du lịch Việt Nam chuyển đổi số

Quân Bảo 27/07/2025 03:00

Các công nghệ như AR, VR, AI đang thay đổi cách du khách quốc tế trải nghiệm di sản văn hóa, tạo ra những hành trình du lịch được cá nhân hóa cho từng du khách.

Trong những năm gần đây, ngành du lịch Việt Nam đã trải qua một cuộc chuyển đổi số mạnh mẽ với tâm điểm là các công nghệ tiên tiến như Thực tế tăng cường (AR), Thực tế ảo (VR) và Trí tuệ nhân tạo (AI). Những bước tiến này làm thay đổi cách du khách quốc tế trải nghiệm di sản văn hóa phong phú của Việt Nam, mang đến những hành trình du lịch được cá nhân hóa theo sở thích từng du khách.

na.jpg
Công nghệ như AR, VR, AI đang thay đổi cách du khách quốc tế trải nghiệm di sản văn hóa

Với tầm nhìn chiến lược của Chính phủ và sự chung tay của các bên liên quan trong ngành du lịch & công nghệ, Việt Nam đang hướng đến một sự giao thoa giữa truyền thống lâu đời và công nghệ hiện đại theo cách cởi mở và mang tính tương tác.

Hồi sinh di sản bằng công nghệ AR

Một trong những bước tiến nổi bật trong ngành du lịch Việt Nam là việc ứng dụng công nghệ AR để “hồi sinh” các di tích lịch sử.

Ví dụ điển hình là dự án “Đi tìm Hoàng cung đã mất” do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thực hiện. Nhờ sử dụng kính AR Nreal Air, người tham gia dường như được trở về thời kỳ triều Nguyễn, “chứng kiến tận mắt” những nghi lễ cung đình, cảnh đổi gác tại Ngọ Môn hoặc những màn biểu diễn tại Duyệt Thị Đường. Tất cả đều được tái hiện bằng công nghệ AR chính tại địa điểm mà trong quá khứ chúng từng diễn ra.

Công nghệ AR không chỉ đơn thuần tái hiện các công trình kiến trúc đã biến mất, mà còn có khả năng khơi gợi cảm xúc và tạo sự kết nối sâu sắc với lịch sử. Hay nói các khác, AR đang định hình lại cách bảo tồn văn hóa, kết nối giữa quá khứ và hiện tại, đồng thời hấp dẫn cả những du khách yêu công nghệ lẫn những người đam mê lịch sử.

Chuyển đổi số di sản văn hóa tại Quảng Trị

Cách Huế không xa, tỉnh Quảng Trị cũng đang tích cực áp dụng công nghệ số để nâng tầm du lịch văn hóa. Cụ thể, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Trị phối hợp MobiFone thực hiện số hóa tại nhiều địa điểm như bảo tàng, không gian văn hóa dân tộc Chứt và Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Các tính năng số hóa được triển khai bao gồm ảnh chụp 360 độ, mô hình 3D, video VR và thuyết minh số. Những thứ này giúp du khách mọi nơi có thể tìm hiểu những điểm đến nổi bật của Quảng Trị chỉ bằng một thiết bị thông minh như điện thoại hoặc máy tính bảng.

Mục tiêu của sáng kiến này là đưa di sản văn hóa và thiên nhiên Việt Nam đến gần hơn với công chúng, đặc biệt là giới trẻ - những người vốn rất quen thuộc với công nghệ số. Không những vậy, việc tạo các tour ảo mang tính tương tác này cũng giúp tỉnh có thể vừa bảo tồn và địa điểm du lịch, vừa bảo đảm rằng chúng vẫn được biết đến và nhớ đến trong thời đại số.

AI và tương lai của tua cá nhân hóa

Nếu AR và VR đem đến những trải nghiệm mang tính tương tác cao, thì AI lại đóng vai trò quan trọng trong việc định hình lại cách thực hiện các chuyến du lịch. Ngày nay, những nền tảng có tích hợp AI có thể tự lên một lịch trình riêng cho du khách dựa trên sở thích, hành vi và những trải nghiệm lúc trước. Đó có thể là tua ẩm thực, trải nghiệm thiên nhiên hoặc khám phá các phố cổ. Hoặc đơn giản hơn, AI có thể gợi ý các lịch trình thích hợp cho du khách. Điều này giúp du khách không còn phụ thuộc quá nhiều vào các đại lý du lịch truyền thống.

Thực tế ảo VR: Cơ hội và giới hạn

hue-0.jpg
Những tua bằng VR chủ yếu đóng vai trò “kích thích sự tò mò”

Dù VR đã và đang thay đổi cách du khách tiếp cận những địa điểm du lịch, nhưng các chuyên gia cho rằng chúng không thể thay thế hoàn toàn trải nghiệm thực tế. Những tua bằng VR chủ yếu đóng vai trò “kích thích sự tò mò”, từ đó khơi gợi ở du khách mong muốn được trải nghiệm thực sự. Bởi vì VR chỉ có thể giúp du khách có cái nhìn sơ bộ về cảnh sắc, âm thanh và cảm xúc tại một địa phương; thế nhưng nếu du khách muốn cảm nhận trọn vẹn thì vẫn cần đặt chân trực tiếp đến vùng đất ấy.

Tại Việt Nam, VR được dùng như một công cụ để giới thiệu vẻ đẹp và giá trị văn hóa của các điểm đến. Song mục đích của công nghệ này vẫn là hỗ trợ, không phải thay thế du lịch thực tế. Khi được sử dụng đúng cách, VR có thể truyền cảm hứng mạnh mẽ để thúc đẩy du khách khám phá sâu hơn.

Hệ sinh thái thông minh

Việt Nam đang hướng tới xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh - một phần trong chiến lược phát triển ngành đến năm 2030. Chính vì vậy, Chính phủ đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số để nâng cao trải nghiệm du lịch, với trọng tâm là công nghệ thực tế mở rộng (XR), AI và VR. Ngoài ra, họ cũng nhanh chóng triển khai các nền tảng số giúp khách du lịch có thể dễ dàng tiếp cận thông tin, đặt dịch vụ và lên kế hoạch chuyến đi chỉ bằng vài thao tác trên điện thoại.

Ông Hồ Anh Phong, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, khẳng định chuyển đổi số là yếu tố then chốt để ngành du lịch phát triển bền vững. Việc ứng dụng công nghệ không chỉ nhằm thu hút du khách, mà còn hướng đến cung cấp dịch vụ tiện lợi, cá nhân hóa và chất lượng hơn. Khi nhu cầu trải nghiệm du lịch tương tác và thông minh ngày càng tăng, mô hình du lịch thông minh sẽ là xu hướng tất yếu trong chiến lược dài hạn của Việt Nam.

Thách thức và cơ hội trong hành trình chuyển đổi số

Dù có nhiều bước tiến, ngành du lịch Việt Nam vẫn đối mặt với một số thách thức, trong đó bao gồm các khó khăn khi tiếp cận công nghệ của người lớn tuổi chưa quen sử dụng công cụ số. Tuy nhiên, ông Trần Tuyên (Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Du lịch Bền vững), nhận định rằng khi thế hệ trẻ ngày càng am hiểu công nghệ, việc sử dụng VR và AI sẽ ngày một phổ biến và thu hút đa dạng đối tượng hơn.

Ngoài ra, cũng có những lo ngại rằng công nghệ số sẽ thay thế vai trò của con người trong du lịch. Nhưng thực tế, công nghệ đang góp phần nâng tầm sự tương tác giữa con người với nhau. Ví dụ, trên các xe du lịch, hướng dẫn viên vẫn đóng vai trò trung tâm, là những người kể chuyện “sống”, giúp truyền tải chiều sâu và cảm xúc cho những trải nghiệm ảo. PGS TS Nguyễn Thị Vân Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Du lịch Bền vững, cho rằng sự kết hợp giữa công nghệ cao và yếu tố con người sẽ mang đến những hành trình phong phú và sâu sắc hơn cho du khách khi tham quan Việt Nam.

Lời kết: Kỳ vọng vào đột phá trong 2025

Năm 2025 được kỳ vọng là thời điểm đột phá của công nghệ AR tại Việt Nam. Các dự báo cho rằng công nghệ này sẽ trở nên phổ biến như mã QR hiện nay. Thêm vào đó, khi AI ngày càng cá nhân hóa trải nghiệm và các thiết bị công nghệ trở nên gọn nhẹ, thân thiện, giá cả hợp lý hơn, ngành du lịch Việt Nam đứng trước cơ hội bùng nổ. Từ đó, một thế hệ du khách hoàn toàn mới sẽ tìm đến Việt Nam. Đó là những người không chỉ yêu thiên nhiên và văn hóa địa phương, mà còn muốn khám phá những điều mới mẻ, mở đường cho thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Du lịch Việt Nam chuyển đổi số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO