Đại biểu lo lắng tăng tuổi hưu sẽ gây tác động lớn, tuy nhiên đây là yêu cầu bắt buộc, do đó, đề nghị đưa quy định tăng tuổi nghỉ hưu cụ thể vào Luật Lao động (sửa đổi), không giao Chính phủ quy định.
Trao đổi với DĐDN bên lề Quốc hội, Đại biểu Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị), Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết ủng hộ phương án tăng tuổi nghỉ hưu nhưng cần đưa vào Luật để luật hoá.
Già hoá dân số gây thiếu hụt lao động
Theo đó, Đại biểu cho biết đồng tình với quan điểm tăng tuổi nghỉ hưu bởi vài năm nữa chúng ta sẽ thiếu hụt lao động, bởi thứ nhất, phải thấy được quá trình, liên quan đến luật bảo hiểm, đến lúc nghỉ ngơi thì được hưởng chế độ hưu.
“Như các bạn biết, đạo luật về chế độ hưu đã được Hồ Chủ Tịch ban hành từ năm 1945. Như vậy trong hơn 70 năm qua, chúng ta vẫn giữu tuổi nghỉ hưu đối với nam là 60, nữ là 55”, Đại biểu nói, đồng thời lý giải ở thời điểm đó, tuổi thọ của người Việt Nam chỉ có 55-56 tuổi. Đến nay, tuổi thọ đã được cải thiện lên đến 76 – 80 tuổi.
Thứ hai, Đại biểu Đỗ Văn Sinh cho biết, trình độ phát triển hiện cũng khác cách đây 70 năm. "Rõ ràng có câu chuyện nữa là sức khỏe, trí tuệ, năng lực của hợp đồng đã tăng lên rất nhiều so với 70 năm trước đây. Vậy chúng ta cần phải xem xét lại thực trạng”, Đại biểu nhấn mạnh.
Dự thảo Luật Lao động (sửa đổi) đề xuất 2 phương án tăng tuổi nghỉ hưu: Phương án 1: Chính phủ trình quy định cụ thể lộ trình và tuổi
Phương án 2: Phương án quy định cụ thể tuổi nghỉ hưu của lao động nam và nữ nhưng giao Chính phủ quy định lộ trình
Thứ ba, Việt Nam đang bắt đầu bước vào giai đoạn già hóa dân số. Do đó, Đại biểu cho rằng nếu không điều chỉnh tuổi nghỉ hưu tăng lên thì trong tương lai, Việt Nam sẽ không đảm bảo được nguồn lao động.
Đơn cử như các nước phát triển trước ta như Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc, người ta đang thiếu nhân lực lao động, bởi trình độ phát triển của họ rất cao rồi. Tỷ lệ già hóa dân số cũng rất lớn nên cần lao động của chúng ta xuất khẩu sang đấy.
“Vậy, nếu vài năm nữa, trình độ phát triển của Việt Nam như các nước phát triển, thì chúng ta cũng thiếu lao động như họ. Vậy nên việc điều chỉnh tuổi thọ lao động là vô cùng cần thiết”, Đại biểu nhấn mạnh.
Các đại biểu cũng cho biết nếu được thống nhất tăng tuổi nghỉ hưu, lộ trình cũng sẽ rất chậm. Theo đó, mỗi năm chỉ nâng 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ, nghĩa là tới năm 2028 mới có nam giới đầu tiên nghỉ hưu ở tuổi 62 và tới năm 2035 mới có nữ lao động đầu tiên nghỉ hưu ở tuổi 60.
“Đặc biệt, cung lao động của chúng ta hiện đã thấp hơn cầu. Năm 2014, mỗi năm chúng ta có 1,2 triệu lao động đủ tuổi tham gia vào thị trường lao động, nhưng đến năm chúng ta chỉ có khoảng 400.000 lao động do chương trình kế hoạch hoá gia đình suốt 20 năm quan của chúng ta”, Đại biểu Bùi Sỹ Lợi trao đổi với DĐDN.
Có thể bạn quan tâm
13:08, 23/10/2019
11:14, 23/10/2019
10:15, 23/10/2019
06:30, 23/10/2019
Tính thực thi không cao...
Đặc biệt, nói về lộ trình tăng tuổi hưu, Đại biểu Đỗ Văn Sinh bày tỏ lo lắng về tính thực thi. Do đó, Đại biểu đề xuất nên quy định lộ trình tăng tuổi hưu ngay trong Luật (tức phương án 2 của Dự Luật).
“Bởi đây là quy định có sự tác động rất lớn lên toàn bộ nền kinh tế - xã hội, đặc biệt là vấn đề sử dụng nguồn nhân lực. Vậy nên khi luật đã ban hành ra thì tất cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, từ công tác quy hoạch đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực như thế nào cho hiệu quả. Còn nếu giao cho Chính phủ quy định độ tuổi thì rõ ràng câu chuyện tính thực thi sẽ không cao”, Đại biểu nhấn mạnh.
Có cùng lo lắng, Đại biểu Bùi Sỹ Lợi cũng khẳng định tăng tuổi nghỉ hưu luôn là vấn đề khó ở tất cả các quốc gia.
Do đó, Chính phủ cần có báo cáo, giải trình cụ thể để người lao động, dư luận hiểu được rằng tăng tuổi hưu là cần thiết và nâng cao sự đồng thuận, tăng tính thực thi cho quy định. Tuy nhiên tăng tuổi hưu sẽ không phải với tất cả người lao động mà chủ yếu ở lao động trong điều kiện bình thường.
Như vậy, với lao động nặng nhọc, lao động trực tiếp hầm lò không nâng tuổi nghỉ hưu, có nâng thì cũng chỉ là lao động gián tiếp như quản lý doanh nghiệp.