Để đảm bảo quyền của cổ đông nhỏ, Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đã bỏ quy định cần nắm giữ 6 tháng và giảm tỷ lệ sở hữu cần thiết từ 10% vốn xuống còn 1% đối với các cổ đông.
Sáng nay (15/10), Hội thảo “Góp ý Dự Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)” được tổ chức tại Hà Nội.
Về Quyền của cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu cổ phần Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư đã bỏ điều kiện sở hữu cổ phần trong thời hạn liên tục ít nhất 6 tháng. Đồng thời, Dự thảo cũng giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% xuống còn 1%.
Có thể bạn quan tâm
15:00, 15/06/2019
16:06, 18/08/2019
“Loại trừ các hành vi gây cản trở doanh nghiệp”
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, một trong các điểm đáng chú ý của luật sửa đổi lần này sẽ điều chỉnh quy định cổ đông chỉ cần sở hữu 1% vốn doanh nghiệp có quyền ứng cử và đề cử vào Hội đồng Quản trị và Ban kiểm sát, cùng một số quyền khác như yêu cầu triệu tập ĐHĐCĐ, yêu cầu BKS kiểm tra các vấn đề liên quan đến điều hành hoạt động của doanh nghiệp.
Như vậy, Luật đã bỏ quy định cần nắm giữ 6 tháng và giảm tỷ lệ sở hữu cần thiết từ 10% vốn xuống còn 1% đối với các cổ đông.
Theo quan điểm của ông Hiếu quy định cần nắm giữ 6 tháng để đề cử người vào HĐQT là bất hợp lý. Đơn cử như trường hợp của Sabeco, sau khi Tập đoàn Thaibev mua chi phối trên 51% vốn, các nhân sự từ cổ đông Thái phải đợi sau 6 tháng mới có thể đề cử và ứng cử tham gia vào HĐQT và BKS, điều này cho thấy sự bất cập.
Mặt khác việc giảm tỷ lệ sở hữu bắt buộc từ 10% xuống 1% là nhằm đảm bảo cân bằng quyền lợi giữa cổ đông nhỏ và cổ đông lớn, đồng thời cũng loại trừ các hành vi gây cản trở doanh nghiệp.
“Dù việc giảm tỷ lệ nắm giữ bắt buộc là cần thiết nhưng không thể giảm về 0% do có thể xuất hiện một số thành phần cổ đông với mục đích xấu, mặc dù không mua cổ phần nhưng vẫn phá rối, đòi đình chỉ các quyết định kinh doanh công ty không vì lí do gì. Điều này cần phải cân bằng giữa việc bảo vệ cổ đông nhỏ lẻ và quyền của doanh nghiệp”, ông Hiếu nói.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng việc dự thảo giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% xuống còn 1% là thông lệ tốt trên thế giới.
“Cổ đông có 1% của công ty cổ phần thì quyền lợi của họ cũng sẽ khác và họ sẽ gắn bó với doanh nghiệp hơn”, ông Tuấn nói.
Còn nhiều tranh cãi
Bằng thực tế kinh doanh, ông Phan Lê Hoàng, Phó TGĐ Tập đoàn Thái Bình Dương cho rằng việc bỏ điều kiện sở hữu cổ phần trong thời hạn liên tục ít nhất 6 tháng là phù hợp, vì đã là cổ đông của công ty thì đương nhiên cổ đông phải được thực hiện ngay các quyền của mình mà không phân biệt cổ đông cũ hay cổ đông mới.
Tuy nhiên, về việc giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% xuống còn 1% thì ông Hoàng cho rằng quy định về giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% xuống còn 1% thì không phù hợp, không đảm bảo được môi trường cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Theo quan điểm của ông Hoàng việc bảo vệ quyền lợi cho cổ đông nhỏ là việc làm đúng, nhưng để ổn định công ty thì vẫn cần phải có một tỷ lệ nhất định để biểu quyết theo số đông, đảm bảo cho quyền lợi cũng như trách nhiệm cổ đông lớn.
“Do vậy, tôi đề nghị giữ nguyên tỷ lệ sở hữu 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên của cổ đông hoặc nhóm cổ đông như quy định tại khoản 2 Điều 114 Luật Doanh nghiệp hiện hành”, ông Hoàng nói.
Ông Hoàng cũng đề nghị: “Quy định thống nhất về thủ tục thay đổi thông tin cổ đông trong Luật Doanh nghiệp theo hướng: Các trường hợp bắt buộc thực hiện thủ tục thay đổi thông tin cổ đông thì thực hiện theo quy định hiện hành của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư”.
Đối với các trường hợp không bắt buộc thực hiện thủ tục thay đổi thông tin cổ đông nhưng nếu doanh nghiệp có nhu cầu thông báo/đăng ký thì cơ quan đăng ký kinh doanh vẫn tiếp nhận thủ tục để giải quyết theo quy định. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho cổ đông trong các giao dịch chuyển nhượng theo quy định hoặc chứng minh năng lực khi cần có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.