Dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi): Doanh nghiệp chế xuất “khó chồng khó”

THY HẰNG thực hiện 27/03/2024 03:00

Theo chuyên gia, một số vấn đề về thuế GTGT áp dụng với doanh nghiệp chế xuất cần phải nghiên cứu để có hướng xử lý phù hợp, tránh việc doanh nghiệp “khó chồng khó”.

>>>Doanh nghiệp chế xuất gặp “gánh nặng” thuế GTGT

Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 của Quốc hội, dự án Luật Thuế GTGT (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Bảy, sau đó xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Tám tới. Hiện nay, dự thảo Luật thuế GTGT (sửa đổi) đang được xây dựng và lấy ý kiến rộng rãi, nhận được nhiều quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp.

bà Nguyễn Hải Vân, Phó Giám đốc, Dịch vụ Tư vấn Thuế, Deloitte Việt Nam.

Bà Nguyễn Hải Vân, Phó Giám đốc, Dịch vụ Tư vấn Thuế, Deloitte Việt Nam. 

Trao đổi với DĐDN, bà Nguyễn Hải Vân, Phó Giám đốc, Dịch vụ Tư vấn Thuế, Deloitte Việt Nam nhận định, một số vấn đề về thuế GTGT áp dụng với doanh nghiệp chế xuất cần phải nghiên cứu để có hướng xử lý phù hợp, tránh việc doanh nghiệp “khó chồng khó”.

- Thời gian qua có nhiều doanh nghiệp gặp vướng mắc trong quá trình áp dụng và hoàn thuế GTGT, vậy theo bà những vướng mắc này đã được giải quyết tại dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi) lần này?

Vấn đề áp dụng và hoàn thuế GTGT hiện nay có thể phân thành ba loại chính: hoàn thuế GTGT cho hoạt động xuất khẩu, hoàn thuế GTGT cho dự án đầu tư, và các loại khác như hoàn theo chương trình, dự án ODA, theo Điều ước quốc tế...

Qua nghiên cứu của chúng tôi, dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi) được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Bộ Tài chính đưa ra đã cơ bản giải quyết được một số vướng mắc hiện nay của doanh nghiệp về vấn đề hoàn thuế GTGT (quy định tại Điều 13 Luật thuế GTGT hiện hành), như làm rõ quy định về các trường hợp hoàn thuế của dự án đầu tư, trách nhiệm của cơ quan thuế và người nộp thuế trong quá trình hoàn thuế….

Tuy nhiên, với kinh nghiệm thực tiễn của Deloitte Việt Nam, một số vấn đề về thuế GTGT áp dụng với doanh nghiệp chế xuất, loại hình doanh nghiệp được áp dụng chính sách thuế của khu phi thuế quan được nhiều nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn khi thành lập dự án đầu tư tại Việt Nam, vẫn cần phải nghiên cứu để có hướng xử lý phù hợp, đặc biệt trong bối cảnh hiện tại khi nhiều doanh nghiệp chế xuất vẫn đang gặp khó khi áp dụng chính sách thuế GTGT.

- Cụ thể các quy định đang “làm khó” doanh nghiệp chế xuất của Luật thuế GTGT là gì thưa bà?

Một trong những nguyên nhân dẫn đến vướng mắc của doanh nghiệp chế xuất khi áp dụng chính sách thuế GTGT là sự thiếu nhất quán trong quy định điều chỉnh hoạt động của doanh nghiệp chế xuất ở các văn bản quy phạm khác nhau, bao gồm Luật Đầu tư và Nghị định số 35/2022/NĐ-CP, Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và Nghị định số 134/2016/NĐ-CP, Nghị định số 18/2021/NĐ-CP, Luật Hải quan và các văn bản hướng dẫn, Luật thuế GTGT và các văn bản hướng dẫn.  

Luật Đầu tư hiện hành và Nghị định số 35/2022/NĐ-CP đã thể hiện rõ tinh thần của các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế khi quy định doanh nghiệp chế xuất được phép thực hiện các hoạt động kinh doanh khác theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về doanh nghiệp và các quy định khác của pháp luật có liên quan, bên cạnh hoạt động chính là chế xuất, đồng thời đảm bảo tuân thủ các điều kiện kiểm tra, giám sát của cơ quan hải quan. Điều này có nghĩa là, đối với các hoạt động khác như hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ… của doanh nghiệp chế xuất sẽ thuộc đối tượng kê khai, tính nộp thuế GTGT và thực tế doanh nghiệp chế xuất có các hoạt động đó vẫn đăng ký kê khai, tính nộp thuế GTGT với cơ quan thuế.

Tuy nhiên, về góc độ quy định, khi đối chiếu với Luật Hải quan, Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Luật thuế GTGT hiện hành và các văn bản hướng dẫn, hiện vẫn chưa có quy định hoặc quy định chưa nhất quán để áp dụng chính sách thuế GTGT trên thực tiễn cho các hoạt động khác nhau của doanh nghiệp chế xuất trong chuỗi cung ứng tại Việt Nam.

Cụ thể, Luật thuế GTGT hiện hành chưa quy định rõ ràng trường hợp doanh nghiệp chế xuất được đăng ký/áp dụng phương pháp khấu trừ thuế GTGT, làm cơ sở cho doanh nghiệp chế xuất có thể áp dụng hoàn thuế, trong trường hợp doanh nghiệp chế xuất có cả hoạt động chế xuất và ngoài chế xuất. Nguyên do đến từ việc cơ quan quản lý hiện tại coi doanh nghiệp chế xuất là khu phi thuế quan, không thuộc đối tượng nộp thuế GTGT, quan hệ giữa doanh nghiệp chế xuất và doanh nghiệp nội địa là hoạt động xuất nhập khẩu. Vì vậy, chưa có cơ chế rõ ràng về việc xử lý hoàn thuế GTGT cho doanh nghiệp chế xuất đối với số thuế GTGT đầu vào phát sinh trong giai đoạn đầu tư xây dựng cơ bản trước thời điểm doanh nghiệp đáp ứng điều kiện về kiểm tra, giám sát hải quan, cũng như cơ chế quản lý đối với hàng hóa của doanh nghiệp ở giai đoạn trước và sau khi được công nhận đáp ứng các điều kiện của doanh nghiệp chế xuất, nếu trên thực tiễn doanh nghiệp đã phải nộp thuế GTGT khi nhập khẩu hàng hóa, tài sản cố định trong giai đoạn này.

>>>Thu hẹp phạm vi áp dụng thuế suất 0% và nỗi lo của doanh nghiệp

- Vậy theo bà, những đề xuất điều chỉnh của Dự thảo Luật GTGT (sửa đổi) đã giải quyết được vấn đề nêu trên hay chưa?

Trong nội dung sửa đổi Luật thuế GTGT, nhóm đối tượng áp dụng thuế suất GTGT 0% được áp dụng cho hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu đã bị thu hẹp và thậm chí đã loại bỏ nhóm dịch vụ cung cấp cho doanh nghiệp chế xuất. Điều này vô hình trung khiến các doanh nghiệp nội địa cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp chế xuất sẽ phải xuất hóa đơn GTGT 10%. Vấn đề này đi ngược lại nguyên lý địa điểm tiêu dùng trong thuế GTGT cung cấp cho khu phi thuế quan, tương đương xuất khẩu, dẫn tới doanh nghiệp chế xuất phải ghi nhận giá trị thuế GTGT lớn vào chi phí vì không có cơ chế hoàn. Hệ quả là dòng tiền của các doanh nghiệp chế xuất bị ảnh hưởng, sức cạnh tranh giảm, dẫn đến tình trạng lỗ do tỷ suất lợi nhuận thường nhỏ hơn 10%. Việc loại bỏ nhóm dịch vụ cung cấp cho khu phi thuế quan ngay lập tức sẽ gây nên ảnh hưởng tài chính sâu rộng và tâm lý kinh doanh của các nhà đầu tư.

Theo chuyên gia, một số vấn đề về thuế GTGT áp dụng với doanh nghiệp chế xuất cần phải nghiên cứu để có hướng xử lý phù hợp, tránh việc doanh nghiệp “khó chồng khó”.

Theo chuyên gia, một số vấn đề về thuế GTGT áp dụng với doanh nghiệp chế xuất cần phải nghiên cứu để có hướng xử lý phù hợp, tránh việc doanh nghiệp “khó chồng khó”.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp sau một thời gian hoạt động kinh doanh đã lựa chọn chuyển đổi loại hình từ doanh nghiệp không hưởng chính sách doanh nghiệp chế xuất thành doanh nghiệp chế xuất. Trường hợp này, doanh nghiệp phát sinh số dư thuế GTGT đầu vào lớn chưa được khấu trừ chuyển kỳ sau cần xử lý và làm hồ sơ xin hoàn thuế GTGT.

Tuy nhiên, do Luật thuế GTGT hiện nay không có cơ chế rõ ràng để xử lý thuế đối với trường hợp hoàn thuế trong giai đoạn chuyển đổi và sau khi trở thành doanh nghiệp chế xuất, doanh nghiệp không được hoàn thuế và đồng thời không thể tiếp tục khấu trừ thuế GTGT đầu vào sau chuyển đổi. Số dư thuế GTGT đầu vào buộc phải ghi nhận một lần vào chi phí trong kỳ hoặc vốn hóa vào nguyên giá tài sản cố định, dẫn đến tăng chi phí trong năm tính thuế của doanh nghiệp, tăng giá bán của hàng hóa, ảnh hưởng đến biên độ lợi nhuận và sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Đây cũng là nội dung cần được cân nhắc bổ sung vào Dự thảo Luật thuế GTGT (sửa đổi) trước khi được xem xét thông qua trong thời gian tới.

- Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng cho biết cần tháo gỡ về hoạt động xuất nhập khẩu tại chỗ và vướng mắc xử lý hoàn thuế GTGT liên quan, thưa bà?

Luật thuế GTGT hiện hành và các văn bản hướng dẫn đã đưa ra quy định chung về nguyên tắc hoàn thuế GTGT đối với hoạt động xuất khẩu, bao gồm giao dịch xuất nhập khẩu tại chỗ. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện giao dịch xuất nhập khẩu tại chỗ đối với hàng hóa mua bán giữa doanh nghiệp Việt Nam với tổ chức, cá nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam và được thương nhân nước ngoài chỉ định giao, nhận hàng hóa với doanh nghiệp khác tại Việt Nam, nhiều trường hợp người nộp thuế không được giải quyết hồ sơ hoàn thuế GTGT đối với các giao dịch xuất nhập khẩu tại chỗ do không thỏa mãn điều kiện về hiện diện thương mại nhưng đã thực hiện thủ tục hải quan xuất nhập khẩu tại chỗ trong giai đoạn quá khứ.

Hiện tại, chưa có cơ sở pháp lý hướng dẫn về căn cứ và thủ tục rõ ràng để xác định thương nhân nước ngoài đã có hiện diện tại Việt Nam như thế nào, và cơ quan chức năng nào có thẩm quyền quản lý hoặc xác minh, gây khó khăn cho cả doanh nghiệp và cơ quan thuế, cơ quan hải quan trực tiếp xử lý các giao dịch liên quan.

Hơn nữa, hiện nay Bộ Tài chính đang chủ trì lấy ý kiến và hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định số 08/2015/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó có quy định về xuất nhập khẩu tại chỗ tại Điều 35 của Nghị định. Các phương án sửa đổi quy định về xuất nhập khẩu tại chỗ mà Bộ Tài chính đề xuất cũng liên quan trực tiếp đến chính sách thuế GTGT, hải quan, quản lý ngoại thương và thương mại, đồng thời chưa đạt được đồng thuận giữa các bộ chuyên ngành, cũng như cộng đồng doanh nghiệp.

- Giải pháp cho các vấn đề trên như thế nào, thưa bà?

Thời điểm dự thảo Luật thuế GTGT sửa đổi và các văn bản hướng dẫn đang được lấy ý kiến để hoàn thiện như hiện nay là phù hợp để Quốc hội và Chính phủ đánh giá tổng thể và đề xuất các quy định có thể giải quyết được những vướng mắc áp dụng thuế GTGT trên thực tiễn, trên cơ sở vừa đảm bảo đạo lý chính sách của thuế gián thu, vừa công bằng cho doanh nghiệp và áp dụng nhất quán cho toàn bộ chuỗi cung ứng, hài hòa với pháp luật về thương mại, đầu tư, và xuất nhập khẩu.

Trân trọng cảm ơn bà!

Có thể bạn quan tâm

  • Doanh nghiệp chế xuất gặp “gánh nặng” thuế GTGT

    03:00, 26/03/2024

  • Thu hẹp phạm vi áp dụng thuế suất thuế GTGT: Nỗi lo của doanh nghiệp

    01:03, 25/03/2024

  • Bộ Tài chính nói gì về kiến nghị hoàn thuế GTGT của doanh nghiệp thuỷ sản?

    02:00, 27/02/2024

  • Sửa đổi Luật Thuế GTGT: Chuyển mặt hàng phân bón sang đối tượng chịu thuế GTGT

    15:13, 16/01/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi): Doanh nghiệp chế xuất “khó chồng khó”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO