VCCI cho rằng, để đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp, Dự thảo hướng dẫn Luật Đầu tư vẫn còn nhiều điểm cần phải sửa đổi.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận được Công văn số 7059/BKHĐT-PC của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc lấy ý kiến Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư (sau đây gọi tắt là Dự thảo). Đây là văn bản quy phạm pháp luật quan trọng, tác động lớn đến cộng đồng doanh nghiệp, vì vậy, VCCI đã triển khai lấy ý kiến rộng rãi doanh nghiệp bằng văn bản, email, website, đồng thời phối hợp với Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp tại Hà Nội. Trên cơ sở ý kiến của các doanh nghiệp, hiệp hội, VCCI gửi tới cơ quan chủ trì soạn thảo tổng hợp các ý kiến góp ý ban đầu đối với Dự thảo như sau:
Điều kiện bảo đảm đầu tư kinh doanh tạo chồng lấn
Điểm a khoản 2 Điều 3 Dự thảo hướng dẫn các dự án đầu tư được Nhà nước bảo đảm thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 11 Luật Đầu tư là “Dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ có sự tham gia của Cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc doanh nghiệp nhà nước theo các hình thức đầu tư quy định tại Điều 21 Luật Đầu tư”.
Quy định này được hiểu hình thức bảo đảm của Nhà nước sẽ được áp dụng đối với Dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ mà trong đó có sự tham gia của Cơ quan nhà nước hoặc doanh nghiệp nhà nước.
Khoản 2 Điều 11 Luật Đầu tư 2020 quy định “Thủ tướng Chính phủ quyết định áp dụng các hình thức bảo đảm của Nhà nước để thực hiện dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và những dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng quan trọng khác”, có nghĩa là các dự án đầu tư này không giới hạn về chủ thể tham gia là cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc doanh nghiệp nhà nước, mà áp dụng với tất cả các chủ thể.
Như vậy, quy định tại điểm a khoản 2 Điều 3 Dự thảo đang thu hẹp dự án đầu tư được áp dụng hình thức bảo đảm của Nhà nước so với quy định tại khoản 2 Điều 11 Luật Đầu tư 2020, đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh lại quy định để đảm bảo tính thống nhất.
Điểm c khoản 3 Điều 3 Dự thảo quy định các hình thức bảo đảm thực hiện dự án đầu tư của Nhà nước là “các hình thức khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề xuất của Bộ, Cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh”. Quy định này là chưa rõ về trình tự, thủ tục, tiêu chí để Thủ tướng Chính phủ quyết định hình thức bảo đảm này. Để đảm bảo tính minh bạch, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ về vấn đề này.
Rà soát, đánh giá lại tình hình thực, đề xuất sửa đổi, bổ sung ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện
Theo quy định tại Điều 12 Dự thảo thì ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện đầu tư kinh doanh sẽ được rà soát, đánh giá hàng năm và các Bộ có thể “kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện đầu tư kinh doanh” trình lên Chính phủ.
Việc đề xuất sửa đổi, bổ sung ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện hoặc điều kiện kinh doanh được thực hiện trong Đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Điều 11).
VCCI cho rằng các quy định trên tại Dự thảo chưa giải quyết vấn đề sau:
Thứ nhất, bãi bỏ ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện: Dự thảo mới chỉ đề cập đến “sửa đổi, bổ sung” mà chưa có “bãi bỏ” ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện hoặc điều kiện đầu tư kinh doanh. Việc rà soát, đánh giá ngành nghề kinh doanh có điều kiện có thể sẽ phát hiện ra các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, điều kiện kinh doanh chưa hợp lý và cần được bãi bỏ.
Vì vậy, VCCI đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định về bãi bỏ ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện hoặc điều kiện kinh doanh tại Điều 11, 12 Dự thảo.
Việc bổ sung, sửa đổi ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong các văn bản luật chuyên ngành và tại Luật Đầu tư. Theo quy trình tại Điều 11, 12 Dự thảo thì ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện mới sẽ được thể hiện trong Đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, sẽ có trường hợp ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện sẽ được quy định tại Luật chuyên ngành nhưng lại không có trong Danh mục tại Luật Đầu tư. Điều này sẽ dẫn tới tình trạng thiếu thống nhất giữa Luật Đầu tư và các Luật khác trong quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Như vậy, để tránh tình trạng thiếu thống nhất trên, thời điểm ban hành Luật sửa đổi Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện tại Luật Đầu tư phải được ban hành song song với Luật chuyên ngành có ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện mới.
Từ những lập luận trên, VCCI đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định về việc sửa đổi Danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện khi có ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện mới được ban hành trong Luật ban hành sau thời điểm Luật Đầu tư có hiệu lực thi hành.
Có thể bạn quan tâm
20:03, 27/12/2020
19:43, 27/12/2020