Nếu được ban hành, nhiều quy định trong Dự thảo Nghị định khuyến khích phát triển cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp sẽ làm khó doanh nghiệp bởi nguy cơ chồng lấn.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vừa có văn bản trả lời Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc góp ý đề nghị xây dựng Nghị định khuyến khích phát triển cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp.
Dự thảo đề xuất Chính sách khuyến khích phát triển cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp trong đó “quy định cụ thể các chủng loại máy, thiết bị trong các hoạt động sản xuất nông nghiệp và chế biến nông sản được hỗ trợ”.
Dự thảo đề xuất Chính sách khuyến khích hỗ trợ các dự án đầu tư cơ giới hóa đồng bộ, chuỗi sản xuất; chế biến nông sản trong đó “xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ các dự án đầu tư cơ giới hóa đồng bộ, chuỗi sản xuất; chế biến nông sản”.
Hiện tại, Bộ Khoa học và Công nghệ đang chủ trì xây dựng đề nghị xây dựng Nghị định khuyến khích cơ sở sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản đầu tư áp dụng hoặc chuyển đổi công nghệ mới, tiên tiến, công nghệ sạch thân thiện môi trường trong đó có đề xuất các biện pháp hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ mới, tiên tiến, công nghệ sạch thân thiện với môi trường trong lĩnh vực chế biến nông, lâm, thủy sản.
Như vậy có thể thấy giữa hai đề xuất chính sách trên đang có nguy cơ chồng lấn về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp việc sử dụng công nghệ trong hoạt động chế biến nông sản. Đề nghị Ban soạn thảo phối hợp với Ban soạn thảo của đề nghị xây dựng Nghị định khuyến khích cơ sở sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản đầu tư áp dụng hoặc chuyển đổi công nghệ mới, tiên tiến, công nghệ sạch thân thiện môi trường để đảm bảo tính thống nhất trong chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động chế biến nông sản.
Cùng với đó, Dự thảo cũng đề xuất “xây dựng thí điểm trung tâm cơ giới hóa nông nghiệp vùng phù hợp các liên kết vùng nhằm khuyến khích đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ ở các địa phương trong vùng”. Trung tâm này sẽ “tư vấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật”, “Cung ứng các dịch vụ, đặc biệt là các dịch vụ cơ giới phục vụ sản xuất nông nghiệp; tư vấn hình thành mạng lưới sửa chữa, bảo hành và cung cấp vật tư, phụ tùng thay thế”; “xây dựng mô hình trình diễn, đào tạo, huấn luyện nâng cao kỹ năng nghề cho nông dân”.
Tuy nhiên, VCCI cho rằng đề xuất trên là chưa rõ ràng ở điểm: Trung tâm này được thành lập và hoạt động theo mô hình nào, có phải là đơn vị thuộc cơ quan nhà nước hay không?; Các dịch vụ do Trung tâm cung cấp có thu phí không? Hiện nay, theo quy định của pháp luật thì cơ sở tư nhân cũng được cung cấp các dịch vụ về đào tạo, sửa chữa, bảo hành, cung cấp vật tư, phụ tùng thay thế, … các dịch vụ mà Trung tâm dự định cung cấp.
“Việc thành lập Trung tâm (có thể từ nguồn vốn và được hưởng nguồn lực từ Nhà nước) để cung cấp các dịch vụ đã có tư nhân cung cấp liệu có ảnh hưởng đến cạnh tranh bình đẳng giữa các chủ thể cung cấp dịch vụ hay không? Đề nghị Ban soạn thảo bổ sung phần nội dung làm rõ vấn đề trên trong Báo cáo đánh giá tác động”, VCCI nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Cần tích cực thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp
18:02, 24/12/2020
Gỡ bỏ rào cản thể chế trong lĩnh vực nông nghiệp
16:38, 24/12/2020
Nông nghiệp đặt mục tiêu xuất khẩu 42 tỷ USD năm 2021
14:46, 24/12/2020
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Kéo dài thời hạn thực hiện hạng đất tính thuế sử dụng đất nông nghiệp
19:20, 22/12/2020