Bình luận

Dự thảo sửa đổi Luật số 69/2014: Vẫn còn nhiều băn khoăn

Gia Nguyễn 16/08/2024 03:30

Với nhiều quy định mới mang tính đột phá, Dự thảo Luật sửa đổi Luật số 69/2014/QH13 đem đến nhiều kỳ vọng, tuy nhiên, bên cạnh những điểm tích cực, Dự thảo Luật (sửa đổi) vẫn để lại không ít băn khoăn.

Sau 10 năm thi hành, bên cạnh những mặt tích cực, Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13) đã bộ lộ những bất cập, hạn chế trong áp dụng vào thực tiễn. Việc sửa đổi luật được cho là cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

sua-luat-69-2014-24.3.1.1.jpg
Dự thảo Luật sửa đổi Luật số 69/2014/QH13 bám sát nội dung 6 nhóm chính sách trong hồ sơ khi đề nghị xây dựng dự án Luật đã được Chính phủ thống nhất trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua - Ảnh minh họa: ITN

Theo đó, Dự thảo Luật sửa đổi Luật số 69/2014/QH13 bám sát nội dung 6 nhóm chính sách trong hồ sơ khi đề nghị xây dựng dự án Luật đã được Chính phủ thống nhất trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua. Luật gồm 9 Chương, 92 Điều, trong đó chương I: Những quy định chung; Chương II: Quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; Chương III: Đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; Chương IV: Hoạt động đầu tư của doanh nghiệp; Chương V: Sắp xếp, cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Chương VI: Cơ quan, người đại diện chủ sở hữu vốn; Chương VII: Quản trị doanh nghiệp; Chương VIII: Giám sát, kiểm tra, thanh tra và đánh giá báo cáo tình hình quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Chương IX: Hiệu lực thi hành, điều khoản chuyển tiếp…

Với nhiều quy định mới, Dự thảo Luật (sửa đổi) được kỳ vọng phát huy hiệu quả tích cực, tháo gỡ và điều chỉnh những quy định không còn phù hợp ở Luật số 69/2014/QH13 hiện hành, từ đó, góp phần “cởi trói” cho doanh nghiệp Nhà nước, tạo không gian rộng hơn để phát huy hiệu quả nguồn vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, để doanh nghiệp Nhà nước thực sự đóng vai trò tiên phong, nòng cốt trong nền kinh tế.

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tích cực, Dự thảo Luật sửa đổi Luật số 69/2014/QH13 được cho vẫn còn đó không ít băn khoăn khiến doanh nghiệp không khỏi quan ngại.

sua-luat-69-2014-24.3.1.2.jpg
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tích cực, Dự thảo Luật (sửa đổi) được cho còn không ít băn khoăn - Ảnh minh họa: ITN

Cụ thể, Theo Dự thảo, đối tượng áp dụng của Luật đã mở rộng so với Luật số 69/2014/QH13, bao gồm cả doanh nghiệp có vốn Nhà nước đầu tư trực tiếp (doanh nghiệp cấp 1) và doanh nghiệp có vốn Nhà nước đầu tư khác (doanh nghiệp cấp 2) không phân biệt tỷ lệ vốn góp của Nhà nước, tỷ lệ vốn góp của doanh nghiệp cấp 1.

Nhìn nhận về quy định đã nêu, ông Hoàng Gia Khánh - Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho rằng, doanh nghiệp cấp 2 có nhiều loại, nên cần cân nhắc xem có đưa vào quản lý hết hay không. Đơn cử, tại VNR có 24 doanh nghiệp cấp 2 mà Tổng công ty sở hữu từ trên 50% đến dưới 100% vốn điều lệ, doanh nghiệp lớn nhất có vốn điều lệ 28 tỷ đồng, địa bàn hoạt động trải dài ở 24 tỉnh, thành phố. Trong khi đó, việc lựa chọn, bổ nhiệm người đại diện vốn tại các doanh nghiệp này được thực hiện chặt chẽ, theo quy trình nhiều bước, có thể giao cho họ chịu trách nhiệm để họ chủ động.

Không chỉ có vậy, vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất liên quan đến quy định tại Điều 15 trong Dự thảo Luật (sửa đổi) về phân phối lợi nhuận, đó là đối với doanh nghiệp mà tỷ lệ sở hữu nhà nước từ trên 50% đến dưới 100% vốn điều lệ, sau khi trích lập các quỹ, phần lợi nhuận, cổ tức được chia tương ứng với phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp được sử dụng để chi tiền lương, tiền thưởng của người do cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn cử, giới thiệu, thuê làm việc trực tiếp tại doanh nghiệp; cơ quan có quyền đại diện sở hữu vốn có quyền điều chuyển quỹ đầu tư phát triển tại doanh nghiệp giữa các doanh nghiệp.

Nhiều ý kiến cho rằng, quy định này là trái với Luật Doanh nghiệp và Luật Kế toán hiện hành, vì hiện nay, chi phí lương, thù lao của người lao động trong doanh nghiệp nằm trong chi phí hoạt động, được khấu trừ khỏi lợi nhuận gộp khi tính thu nhập hoạt động. Còn việc điều chuyển quỹ đầu tư phát triển tại các doanh nghiệp sẽ dẫn đến tình trạng bất công bằng, cào bằng giữa các doanh nghiệp và cũng vi phạm các quy định của Luật Doanh nghiệp về sự công bằng giữa các cổ đông.

Chưa kể, về thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của cơ quan đại diện chủ sở hữu, một trong các bất cập của quy định pháp luật hiện hành tại Điều 24, 42 và 44 về thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với dự án đầu tư, xây dựng, mua, bán tài sản cố định với giá trị vượt quá 50% vốn chủ sở hữu được ghi trên báo cáo tài chính quý hoặc báo cáo tài chính năm của doanh nghiệp tại thời điểm gần nhất với thời điểm quyết định dự án, hoặc vượt quá mức vốn của dự án nhóm B là chưa làm rõ nội hàm “phê duyệt” của cơ quan đại diện chủ sở hữu ở đây là phê duyệt nội dung gì và trình tự thực hiện trước hay sau quy trình chấp thuận chủ trương đầu tư của cấp có thẩm quyền theo Luật Đầu tư.

Khó khăn, vướng mắc, bất cập này đã nhiều lần được Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trao đổi, góp ý và báo cáo tại các diễn đàn trong quá trình tham gia xây dựng dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong Dự thảo Luật (sửa đổi) chưa có hướng dẫn làm rõ việc doanh nghiệp trình cơ quan đại diện chủ sở phê duyệt chủ trương dự án đầu tư theo Luật này cần thực hiện trước hay sau thời điểm trình các cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư dự án theo quy định tại Luật Đầu tư. Đồng thời, không hướng dẫn rõ các nội dung phê duyệt chủ trương dự án để cơ quan đại diện chủ sở hữu có căn cứ xem xét phê duyệt…

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Dự thảo sửa đổi Luật số 69/2014: Vẫn còn nhiều băn khoăn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO