Chính trị

Đưa quan hệ Việt Nam - Lào lên tầm cao mới

Trà My 10/09/2024 03:45

Chủ trương nhất quán của Việt Nam là dành ưu tiên hàng đầu cho việc phát triển quan hệ hợp tác với Lào đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững.

vietnam-lao.jpg
Chủ tịch nước Tô Lâm đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith tại Hà Nội, chiều 25/7/2024. (Ảnh: TTXVN)

Nhận lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và phu nhân, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith và phu nhân sẽ thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam từ ngày 10 - 13/09/2024.

Đây là chuyến thăm thứ hai Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith kể từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XI của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào (tháng 1/2021) đến nay.

Chuyến thăm được thực hiện trong bối cảnh hai Đảng, hai nước đang triển khai mạnh mẽ nghị quyết của mỗi Đảng và tích cực chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới đại hội toàn quốc của mỗi Đảng.

Đồng chí Nguyễn Minh Tâm, Phó trưởng ban Đối ngoại Trung ương cho biết, trong những năm tới, chủ trương nhất quán của Việt Nam là dành ưu tiên hàng đầu cho việc phát triển quan hệ hợp tác với Lào đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững, coi đây là nhiệm vụ chiến lược, mối quan tâm hàng đầu trong chính sách đối ngoại, xác định rõ giúp bạn là giúp mình.

Hai bên tiếp tục tăng cường phối hợp chặt chẽ về đường lối, chủ trương chiến lược, tạo sự tin cậy ngày càng cao và giúp nhau tăng cường xây dựng thực lực cách mạng vững mạnh về mọi mặt, trước hết là xây dựng Đảng và đội ngũ cán bộ là nhân tố hàng đầu quyết định vai trò lãnh đạo của mỗi Đảng, là cơ sở chính trị vững chắc để thúc đẩy hiệu quả quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào.

Đồng thời, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất và phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cấp, các ngành trong triển khai thực hiện các mối quan hệ hợp tác trên tất cả các lĩnh vực; khẳng định quan hệ chính trị giữ vai trò nòng cốt, định hướng trong tổng thể quan hệ song phương, quan hệ hữu nghị nhân dân là nền tảng xã hội vững chắc, quan hệ hợp tác về quốc phòng, an ninh và đối ngoại giữ vai trò trụ cột, quan hệ hợp tác về kinh tế-thương mại-đầu tư là nền tảng lâu dài, quan hệ hợp tác về văn hóa, giáo dục-đào tạo là vấn đề chiến lược.

Trong những năm qua, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư được thúc đẩy và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Hai bên tích cực triển khai Thỏa thuận về Chiến lược hợp tác Việt Nam-Lào giai đoạn 2021-2030 và Hiệp định hợp tác Việt Nam-Lào giai đoạn 2021-2025.

Tính đến nay, Việt Nam có 256 dự án đầu tư sang Lào với tổng vốn đầu tư hơn 5,5 tỷ USD, vốn thực hiện lũy kế đến nay đạt 2,8 tỷ USD. Trong bảy tháng đầu năm 2024, có sáu dự án được cấp phép mới với vốn đầu tư đạt 36,7 triệu USD, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2023.

Nhiều dự án đầu tư của Việt Nam hoạt động hiệu quả, đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho hàng nghìn lao động, bổ sung nguồn thu cho ngân sách của Lào, nhất là trong lĩnh vực viễn thông, ngân hàng, trồng và chế biến cao su, sản xuất và chế biến lương thực, thực phẩm, sữa. Hai bên đã hoàn thành và bàn giao cho phía Lào bốn dự án đưa vào khai thác và sử dụng.

Thương tiếp tục được hai bên quan tâm thúc đẩy, nhiều văn kiện đã được ký kết góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về thương mại như Hiệp định thương mại song phương mới, Hiệp định thương mại biên giới và Nghị định thư sửa đổi Hiệp định quá cảnh hàng hóa Việt Nam-Lào; chủ động, tích cực triển khai các văn kiện đã ký kết, tăng cường các biện pháp xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho thương mại song phương phát triển bền vững.

Đáng chú ý, kim ngạch thương mại Việt Nam-Lào năm 2023 đạt 1,6 tỷ USD, tám tháng đầu năm 2024, kim ngạch thương mại hai nước đạt khoảng 1,3 tỷ USD.

Về giao thông, vận tải, hai bên tiếp tục tập trung thực hiện Bản ghi nhớ giữa hai Chính phủ về Chiến lược hợp tác trong lĩnh vực giao thông vận tải giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2030; tiếp tục thúc đẩy tìm kiếm các nguồn vốn để triển khai các dự án trọng điểm.

Về lĩnh vực năng lượng điện, hai bên tiếp tục tích cực triển khai Biên bản ghi nhớ giữa hai Chính phủ về việc phát triển các dự án thủy điện tại Lào và mua bán giữa hai nước, theo đó Việt Nam sẽ nhập khẩu khoảng 3.000MW điện từ Lào đến năm 2025 và 5.000MW đến năm 2030.

Về nông lâm và phát triển nông thôn, hai bên đã thống nhất coi hợp tác trong lĩnh vực này là rất quan trọng, theo đó đã tăng cường trao đổi chuyển giao công nghệ, kỹ thuật và xây dựng mô hình phát triển nông nghiệp, nông thôn giảm nghèo, nâng cao năng lực thể chế, chính sách trong quản lý sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản và thủy lợi.

Bước vào giai đoạn mới, dự báo tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến nhanh chóng và phức tạp, để bảo đảm thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới ở mỗi nước, Nghị quyết Đại hội toàn quốc của mỗi Đảng, hai bên tiếp tục khẳng định tầm quan trọng và ý nghĩa chiến lược của mối quan hệ đoàn kết đặc biệt trong tình hình mới, trên cơ sở nhất quán các nguyên tắc mà hai Đảng đã thống nhất.

Hai bên nhất trí đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào trên cơ sở phát huy tinh thần độc lập, tự chủ và ý chí tự lực, tự cường, hợp tác bình đẳng cùng có lợi, kết hợp thỏa đáng tính chất đặc biệt của quan hệ Việt Nam-Lào với thông lệ quốc tế.

Theo Phó Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Nguyễn Minh Tâm, chuyến thăm là một trong những dấu mốc quan trọng trong lịch sử quan hệ hai nước. Hai bên luôn khẳng định "quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào là tài sản chung vô giá của hai Đảng, hai dân tộc, là tất yếu khách quan, quy luật lịch sử và là nguồn sức mạnh to lớn nhất của hai nước, cần giữ gìn, phát huy và truyền tiếp cho các thế hệ mai sau".

Chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng, với những kết quả quan trọng đạt được trong thời gian qua, chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith sẽ tiếp tục đưa quan hệ Việt Nam-Lào phát triển lên tầm cao mới, vì lợi ích thiết thực của nhân dân mỗi nước, vì hòa bình, ổn định, phát triển ở khu vực và trên thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đưa quan hệ Việt Nam - Lào lên tầm cao mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO