Thời gian qua, các làng nghề Nam Định đã đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, mở ra nhiều cơ hội cho sản phẩm địa phương.
Đẩy mạnh phát triển
Phát triển thương mại điện tử tại các làng nghề là xu hướng tất yếu, giúp sản phẩm làng nghề có thêm "cánh tay" nối dài đến gần hơn với người tiêu dùng, từ đó nâng cao thu nhập, sức cạnh tranh của sản phẩm làng nghề. Bên cạnh đó, thương mại điện tử cũng là kênh quảng bá sản phẩm quan trọng, giúp sản phẩm làng nghề vươn xa, đồng thời giới thiệu và quảng bá hình ảnh đẹp tại các địa phương có làng nghề.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Nam Định: Toàn tỉnh hiện có 124 làng nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Trong đó có 17 làng nghề truyền thống nổi tiếng có lịch sử hình thành, phát triển hàng trăm năm như làng nghề trồng hoa cây cảnh Vị Khê xã Nam Điền (Nam Trực). Tiếp đến là làng nghề đồ gỗ khảm trai xã Hải Minh (Hải Hậu). Ngoài ra còn có các làng nghề mộc, đúc đồng La Xuyên, Tống Xá, Cát Đằng của Ý Yên…
Các làng nghề tạo việc làm, thu nhập cho khoảng 50% lao động khu vực nông thôn. Trong xu thế hội nhập kinh tế, cùng với thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, chuyển đổi số, việc thúc đẩy phát triển TMĐT đã trở thành xu hướng tất yếu tại các làng nghề khu vực nông thôn, tạo cơ hội để các làng nghề tăng cường quảng bá sản phẩm, hình ảnh địa phương, mở rộng thị trường qua nhiều kênh bán hàng đa dạng, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và thu nhập cho người dân.
Ông Nguyễn Văn Hùng – Ý Yên Nam Định chia sẻ: “Trước đây, tôi phải đi chào hàng khắp nơi hoặc chờ khách đến tận xưởng để xem sản phẩm. Giờ đây, tôi dành nhiều thời gian hơn để tư vấn online, livestream bán hàng. Nhờ vậy, doanh thu tăng 20-30%, khách hàng không còn giới hạn trong huyện hay tỉnh mà có cả đơn hàng từ nước ngoài. Trong khi đó, chi phí bán hàng lại giảm đi đáng kể”.
Ở các làng nghề khác trong tỉnh đều áp dụng hình thức bán hàng này thông qua các sàn TMĐT phổ biến như Shopee, Lazada… kết hợp giới thiệu sản phẩm, quy trình sản xuất sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok…
Hiệp hội Cây cảnh Điền Xá, xã Nam Điền (Nam Trực) là một trong những đơn vị tiên phong khi xây dựng thành công mô hình “Số hóa làng nghề hoa, cây cảnh Vị Khê” (http://caycanhdienxa.namdinh.gov.vn). Hộ dân kinh doanh hoa, cây cảnh của các xã Nam Phong, Nam Vân (thành phố Nam Định) đã số hóa dữ liệu từng giống hoa, cây cảnh độc đáo của nhà vườn và tạo mã QR cho từng sản phẩm.
Cách làm này giúp các làng nghề không chỉ duy trì kết nối với khách hàng truyền thống mà thu hút rất nhiều khách hàng tiềm năng mới mà họ chưa hề gặp mặt. TMĐT đang là kênh bán hàng trọng yếu của hơn 90% hộ dân trong các làng nghề và hơn 70% sản phẩm được cung ứng qua hình thức này và mở ra cơ hội phát triển thêm dịch vụ du lịch làng nghề. Đến nay không chỉ người dân làng nghề bán sản phẩm mà còn thu hút nhiều tiểu thương, khách hàng từ khắp các tỉnh, thành phố về quay phim, chụp ảnh, giới thiệu sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội để bán hàng.
Anh Trần Đức Hùng ở thành phố Hà Nội thường xuyên livestream các vườn tùng la hán của làng hoa, cây cảnh xã Điền Xá (Nam Trực) cho biết: "Thế mạnh của tôi là thẩm định hoa, cây cảnh nên tôi thường giới thiệu trực tuyến giúp khách hàng chọn cây. Dịp tết này, tôi về làng nghề thẩm định, chọn cây và phân khúc giới thiệu đến từng tệp khách hàng khác nhau. Khách hàng tin tưởng chốt đơn ngay trong quá trình phát trực tiếp hoặc sẽ đặt hàng sau đó ít phút. Trung bình mỗi phiên giới thiệu sản phẩm, tôi bán hàng chục sản phẩm cho làng nghề". Được biết, cách làm này tiếp tục mang đến cho làng nghề lượng khách hàng tăng theo cấp số nhân, người mua tiết kiệm chi phí, có được sản phẩm tại nơi sản xuất mà không phải vất vả về tận làng nghề.
Xu thế thời đại
Trong xu thế hội nhập kinh tế, cùng với thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, chuyển đổi số, việc thúc đẩy phát triển thương mại điện tử đã trở thành xu hướng tất yếu tại các làng nghề khu vực nông thôn.
Những năm gần đây, sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử đã tạo cơ hội để các làng nghề tăng cường quảng bá sản phẩm, hình ảnh địa phương, mở rộng thị trường qua nhiều kênh bán hàng đa dạng, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và thu nhập cho người dân.
Chị Lan Hương - Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống tại xã Bạch Long cho biết: Nắm bắt xu hướng thị trường, thị hiếu của người tiêu dùng, năm 2022, cơ sở sản xuất của tôi bắt đầu đưa sản phẩm lên các trang thương mại điện tử phổ biến như Shopee, Lazada… kết hợp giới thiệu sản phẩm, quy trình sản xuất sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tiktok… nhờ vậy, số lượng sản phẩm tiêu thụ của xưởng tăng nhiều lần.
Dù TMĐT mang lại nhiều lợi ích, nhưng không phải hộ kinh doanh nào cũng nhanh chóng thích nghi. Một số khó khăn phổ biến là: Kinh doanh trên nền tảng TMĐT vẫn mang tính tự phát, người bán hàng chưa có kỹ năng cũng như chiến lược kinh doanh trên TMĐT. Người bán hàng thiếu kỹ năng ứng dụng tiện ích số để tiếp thị, chưa biết cách quay video, chụp ảnh, viết nội dung quảng bá hấp dẫn. Thông tin sản phẩm đưa lên các nền tảng TMĐT chưa đầy đủ, khó tạo ấn tượng với khách hàng.
Sự cạnh tranh của thị trường ngày càng gay gắt, đòi hỏi sản phẩm phải có chất lượng vượt trội và chiến lược marketing bài bản. Theo đánh giá của Sở Công Thương, quy mô và chất lượng giao dịch TMĐT của các hộ sản xuất, doanh nghiệp trong tỉnh vẫn còn thấp. Đa số doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa đầu tư bài bản vào TMĐT, mà chỉ coi đây là kênh bán hàng phụ trợ.
Xác định TMĐT là lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, các ngành chức năng, các địa phương đã tích cực triển khai Đề án phát triển TMĐT trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh đã triển khai các giải pháp hỗ trợ thúc đẩy phát triển TMĐT.
Trong đó chú trọng mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm hàng hóa chủ lực, sản phẩm thế mạnh tại các địa phương. Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bưu điện tỉnh; Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel và chính quyền địa phương, các tổ chức hội, đoàn thể hỗ trợ người dân giới thiệu, bán sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của tỉnh tại 2 sàn thương mại điện tử là buudien.vn và voso.vn.
Đồng thời hỗ trợ người dân các kỹ năng xây dựng gian hàng, quay phim, chụp ảnh, viết lời bình, đối thoại… để thu hút khách và hỗ trợ xây dựng tên miền (.vn) cho những doanh nghiệp mới để định vị thương hiệu.
Nhận thức được hiệu quả mang lại của thương mại điện tử, đã có hàng nghìn hộ sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tại các làng nghề đã chủ động tiếp cận và ứng dụng thương mại điện tử trong kinh doanh, buôn bán.
Theo đánh giá của Sở Công thương, quy mô, chất lượng giao dịch thương mại điện tử tại các doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh hiện nay chưa cao, chưa có doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ thương mại điện tử quy mô lớn. Trong đó, phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ sản xuất, kinh doanh chưa có chiến lược đầu tư, khai thác các ứng dụng thương mại điện tử theo chiều sâu…
Để thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, Sở Công thương tích cực phối hợp với chính quyền các cấp tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử trong sản xuất, kinh doanh, tham mưu UBND tỉnh xây dựng, đưa vào hoạt động Sàn thương mại ngành công thương tỉnh nhằm hỗ trợ các sản phẩm chất lượng, chủ lực của các địa phương mở rộng kênh giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm, giúp giảm chi phí, nâng cao thu nhập cho người dân.
Bên cạnh đó, trong xu thế cạnh tranh trên thương mại điện tử ngày càng quyết liệt, các chủ thể sản xuất, kinh doanh cần chú trọng đến chất lượng và xây dựng thương hiệu sản phẩm; tích cực đa dạng hóa các kênh giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm thông qua thương mại điện tử, đồng thời nắm bắt xu hướng thị trường, tích cực triển khai các chương trình khuyến mãi, kích cầu tiêu dùng để nâng cao hiệu quả kinh doanh…