Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà khẳng định, Nghị quyết mới về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam phù hợp với bối cảnh mới giúp Việt Nam thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà cho biết, trên cơ sở đánh giá 10 năm Chiến lược biển Việt Nam, Trung ương đã thống nhất rất cao cho Nghị quyết mới trong tình hình mới.
Nghị quyết mới sẽ nhấn mạnh 6 quan điểm, trong đó có 3 quan điểm kế thừa Nghị quyết 09-NQ/TƯ về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 và bổ sung, phát triển thêm 3 quan điểm mới.
Trong đó, có quan điểm rất mới là tập trung xây dựng văn hóa giúp gắn kết hài hòa, thân thiện giữa người dân với biển.
Theo đó, tại Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Ban Chấp hành Trung ương nhất trí ban hành Nghị quyết mới về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để từng bước đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, dựa vào biển và hướng ra biển.
Theo Bộ trưởng Bộ TN&MT, trước đó, Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09/02/2007 về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 ra đời với 3 mục tiêu chính nên được đóng dấu “Mật”. Đây là chủ trương lớn, có tầm nhìn xa rộng, phù hợp với xu thế chung của thế giới và đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
“Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu cơ bản, quan trọng, từ tư duy đến nhận thức, từ kinh tế đến đảm bảo quốc phòng, an ninh, đối ngoại, hợp tác quốc tế,… “, Bộ trưởng cho biết.
Có thể bạn quan tâm
17:48, 06/10/2018
17:18, 06/10/2018
Tuy nhiên, để Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh trong giai đoạn mới, Bộ trưởng khẳng định, cần có tư duy đổi mới, đột phá, phù hợp với xu thế chung toàn cầu về phát triển bền vững, hài hoà giữa phát triển và bảo tồn biển, nhằm giải quyết ô nhiễm môi trường xuyên biên giới, biến đổi khí hậu.
“Xu thế thời đại mô hình tăng trưởng cũ đã không còn. Hiện nay, xu thế phát triển xanh và cuộc CM 4.0 đặt ra nhiều thời cơ và thách thức. Xây dựng kinh tế biển xanh trên nền tảng tri thức, sáng tạo và tiềm năng tự nhiên đóng vai trò trung tâm”, Bộ trưởng nhấn mạnh, đồng thời khẳng định, điều này phải là định hướng chiến lược cho quan điểm, mục tiêu về phát triển bền vững biển Việt Nam trong giai đoạn mới.
Nghị quyết mới về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để từng bước đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, dựa vào biển và hướng ra biển. Trung ương xác định đến năm 2030 phấn đấu đạt các mục tiêu cơ bản về phát triển bền vững kinh tế, xã hội và môi trường biển, vùng ven biển và hải đảo. Tăng trưởng kinh tế biển và thu nhập bình quân đầu người của các tỉnh, thành phốven biển ngày càng cao so với mức tăng trưởng chung của cả nước. Đóng góp của các ngành kinh tế thuần biển chiếm khoảng 10% GDP cả nước; đóng góp GRDP của các tỉnh, thành phố ven biển chiếm 65-70% GDP cả nước. Chỉ số phát triển con người (HDI) các tỉnh, thành phố ven biển cao hơn mức trung bình của cả nước; đáp ứng được các yêu cầu thiết yếu của người dân sống trên các đảo... Trung ương chỉ rõ phải kiểm soát chặt chẽ, ngăn ngừa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường biển, nhất là chất thải nhựa đại dương; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển bền vững kinh tế biển với xây dựng xã hội gắn kết hài hòa với biển; bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học, hệ sinh thái biển, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về biển... Trung ương nhấn mạnh kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia-dân tộc trên các vùng biển, đảo thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên hợp quốc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội trên các vùng biển, đảo để phát triển bền vững kinh tế. Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, cần quan tâm chuyển từ kinh tế biển chủ yếu dựa vào vốn đầu tư, khai thác tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường sang kinh tế dựa trên nền tảng tri thức, khoa học công nghệ, phát huy có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của biển Việt Nam. Cụ thể là cơ cấu lại, phát triển đồng bộ và bền vững các ngành, lĩnh vực kinh tế biển, các vùng biển, ven biển và hải đảo theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; chú trọng phát triển các trung tâm kinh tế ven biển, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển bền vững kinh tế biển. Trung ương nhấn mạnh cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển khoa học-công nghệ; khẩn trương hoàn thiện thể chế, chính sách tạo môi trường và điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng và kinh tế biển. |