Đề xuất của Bộ Công Thương gửi Thủ tướng về chính sách khuyến khích điện mặt trời áp mái lắp đặt tại nhà ở, công sở và trụ sở của doanh nghiệp, nhưng chưa áp dụng với nhà máy, nhà xưởng là lãng phí.
>>Doanh nghiệp điện mặt trời áp mái "kêu cứu"
Chia sẻ với DĐDN về việc Bộ Công Thương đề xuất chính sách khuyến khích điện mặt trời áp mái, Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, nếu vướng mắc chỉ là yếu tố kỹ thuật, thì ngành điện cần có chính sách khuyến khích lắp đặt điện mặt trời áp mái cho nhà máy, nhà xưởng mà không nên “cứng nhắc”.
- Lý do Bộ Công Thương chưa cho doanh nghiệp làm điện áp mái nhà máy, nhà xưởng là vì kỹ thuật đã hợp lý chưa, thưa ông?
Tôi đã nhận được kiến nghị của một số khu công nghiệp yêu cầu cho lắp đặt điện mặt trời áp mái tại nhà máy, nhà xưởng. Tuy nhiên, vấn đề này ngành điện nói còn phụ thuộc vào yếu tố kỹ thuật, vì điện phục vụ cho sản xuất thường đòi hỏi một nguồn cung công suất lớn và phải đảm bảo ổn định. Trong khi, điện mặt trời thường thay đổi công suất đột ngột.
Ngành điện thường phải chịu áp lực khi vừa phải đủ điện cho doanh nghiệp và người dân vừa lo giữ ổn định điện lưới, “sợ” suy giảm đột ngột lượng công suất lớn từ điện áp mái, nhưng lại không được để ảnh hưởng đến chất lượng điện ổn định phục vụ cho sản xuất.
Mặc dù, trong giai đoạn hiện nay nếu doanh nghiệp tự sản xuất điện chủ động năng lượng phục vụ sản xuất kinh doanh, không cần huy động từ nguồn điện quốc gia là điều ai cũng mong muốn. Vấn đề ở đây là kỹ thuật, khả năng lưu trữ điện... Do đó, ngành điện cần có thông tin để doanh nghiệp hiểu “căn nguyên” vì sao điện mặt trời áp mái với nhà máy, nhà xưởng vẫn phải “chờ”.
- Như vậy, sự lãng phí nguồn lực này có phải do năng lực điều tiết, điều hành của ngành điện còn hạn chế hay không, thưa ông?
Nếu vướng mắc chỉ là yếu tố kỹ thuật, thì ngành điện cần có chính sách khuyến khích lắp đặt điện mặt trời áp mái cho nhà máy, nhà xưởng mà không nên “cứng nhắc”. Đơn cử như việc, ngành điện nên phân loại, lĩnh vực sản xuất hay doanh nghiệp nào có công suất không quá lớn hoặc chấp nhận suy giảm chất lượng điện trong thời gian ngắn, không ảnh hưởng đến sản xuất thì nên để doanh nghiệp lắp đặt điện mặt trời áp mái nhà máy, nhà xưởng và được hưởng các cơ chế khuyến khích như đối với điện mặt trời áp mái lắp đặt tại nhà ở, công sở và trụ sở của doanh nghiệp. Bởi hiện nay diện tích mái của các nhà xưởng rất lớn, nếu không sử dụng sẽ gây lãng phí.
Ngành điện phải giải thích cho doanh nghiệp hiểu yếu tố kỹ thuật. Nếu doanh nghiệp chấp nhận thì cho lắp đặt, doanh nghiệp thấy không đảm bảo chất lượng sản xuất thì có quyền lựa chọn không lắp đặt. Đồng thời, ngành điện cần công khai tiêu chuẩn kỹ thuật để doanh nghiệp lựa chọn, nếu đây là vấn đề doanh nghiệp có thể “tự sản tự tiêu”, không ảnh hưởng đến sản lượng điện, thậm chí còn giúp giảm bớt sản lượng điện tiêu thụ cho lưới điện quốc gia thì cần được hưởng các chính sách ưu đãi thuế, lãi suất...
>>Giảm giá điện mặt trời áp mái: Vẫn đảm bảo lợi ích nhà đầu tư
>>Giải bài toán chi phí cho doanh nghiệp thông qua đầu tư điện mặt trời áp mái
>>Cần chấn chỉnh lại các dự án điện mặt trời áp mái
- Có ý kiến doanh nghiệp cho rằng, do chưa áp dụng cho nhà xưởng nên rất giới hạn công suất, không đáp ứng được nhu cầu điện sạch cho các nhà máy quy mô lớn. Ông bình luận như thế nào về vấn đề này?
Vấn đề này không chỉ riêng doanh nghiệp dệt may, thuỷ sản… mà toàn bộ nền kinh tế của chúng ta – đặc biệt khi Việt Nam đã cam kết COP 26 thì xu hướng sẽ phải chuyển đổi sang nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi đòi hỏi cần có một quá trình vì yếu tố căn bản vẫn là kỹ thuật, tức là điện nền để ổn định điện lưới phụ thuộc vào kỹ thuật và năng lực điều tiết của ngành điện. Do đó, việc lắp đặt điện áp mái nhà máy, nhà xưởng không thể phát triển ồ ạt tỉ lệ lớn, dẫn đến điện nền không tương ứng, không ổn định điện lưới và ảnh hưởng chung đến toàn bộ hệ thống lưới điện quốc gia.
Doanh nghiệp sản xuất cũng nên chia sẻ với ngành điện, nếu lắp đặt điện mặt trời đối với nhà xưởng thì cần căn cứ theo quy hoạch để cân đối và phù hợp với năng lực, quy mô điện nền để ổn định lưới. Trong khả năng của mình doanh nghiệp có thể đầu tư hệ thống lưu trữ điện để có thể “tự sản – tự tiêu” điện phục vụ sản xuất.
- Ông có đề xuất gì cho điện mặt trời áp mái lắp đặt tại nhà máy, nhà xưởng?
Thứ nhất, phải có quy hoạch tổng thể nguồn điện gió, mặt trời… hiện nay còn thiếu bao nhiêu để “mở” room chính sách.
Thứ hai, không nên hạn chế doanh nghiệp lắp đặt điện mặt trời áp mái tại nhà máy, nhà xưởng, chỉ cần đưa ra tiêu chuẩn kỹ thuật để ngành điện “cân đối” khả năng đáp ứng.
Thứ ba, thực tế ngành điện hiện nay đang rất mong muốn huy động được các nguồn điện thay thế để giảm áp lực nguồn cung điện quốc gia. Điều ngành điện “lo lắng” nhất lúc này là vấn đề kỹ thuật.
Phát triển năng lượng tái tạo nhưng vẫn phải ổn định điện lưới, đảm bảo chất lượng lưới điện quốc gia phục vụ chung cho nền kinh tế, không phát triển ồ ạt năng lượng tái tạo như thời gian qua để dẫn đến lãng phí.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
03:00, 19/06/2023
22:36, 10/06/2023
11:30, 06/06/2023
11:42, 01/06/2023
05:00, 27/05/2023