Kinh tế

Điện mặt trời mái nhà còn khó khăn với doanh nghiệp sản xuất

PHƯƠNG THANH thực hiện 04/08/2024 03:50

Doanh nghiệp FDI vẫn gặp một số khó khăn trong việc tiếp cận nguồn năng lượng sạch, trong đó có thể kể đến các vấn đề về hạ tầng kỹ thuật và nguồn điện dự phòng ổn định phục vụ sản xuất.

Đó là chia sẻ của Ông Nguyễn Xuân Thắng, Tổng Giám đốc Schaeffler Việt Nam với Diễn đàn Doanh nghiệp. Theo ông Thắng cần ổn định chính sách vĩ mô theo hướng khuyến khích và ưu đãi các doanh nghiệp chủ động, tích cực chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo.

Ông Chi
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Tổng Giám đốc Schaeffler Việt Nam

Thưa ông về việc đầu tư, lắp đặt và sử dụng năng lượng sạch ở Việt Nam, ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về những vướng mắc trong kế hoạch chuyển dịch năng lượng của doanh nghiệp?

Là doanh nghiệp FDI, Schaeffler cam kết tiến tới mục tiêu trung hòa carbon trong sản xuất sản xuất vào năm 2030 và “trung hòa carbon trong chuỗi cung ứng” vào năm 2040. Sản xuất xanh bao gồm việc sử dụng năng lượng xanh, sạch như điện, nước trong quá trình sản xuất, và nguyên vật liệu sạch làm đầu vào. Trong đó, khả năng tiếp cận năng lượng sạch sử dụng trong sản xuất là một trong những mối quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) khi lựa chọn đầu tư vào một quốc gia. Điều này một phần vì cam kết cụ thể của từng doanh nghiệp đối với các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc - SDGs, một phần vì quy định chính sách cụ thể của các thị trường nhập khẩu như Liên minh Châu Âu có EGD và phần còn lại quan trọng hơn cả đến từ yêu cầu từ khách hàng.

Tôi tin rằng một trong những yếu tố đem lại sức hút của Việt Nam đến từ tiềm năng sản xuất năng lượng tái tạo. Sở hữu nguồn năng lượng gió, năng lượng mặt trời và 200km bờ biển thích hợp cho điện gió ngoài khơi, có thể nói Việt Nam là nơi có triển vọng hàng đầu Đông Nam Á.

Hiện nay, tại Hà Nội và nhiều địa phương khác của Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các dự án năng lượng sạch như điện mặt trời, nhằm thu hút các nhà đầu tư chất lượng cao. Với hơn 33 MWp điện được sản xuất từ 2.102 hệ thống điện mặt trời trên mái nhà, Hà Nội đang thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và công nghiệp.

Tuy nhiên, dù không thể phủ nhận Việt Nam có tiềm năng năng lượng sạch đáng kể, các công ty FDI vẫn gặp một số khó khăn trong việc tiếp cận nguồn năng lượng này. Đây là một rào cản cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI như chúng tôi. Cụ thể, gồm các yếu tố liên quan đến hạ tầng kỹ thuật và lưới điện cần được nâng cấp đầy đủ để đáp ứng sự tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo. Đồng hệ thống lưới điện cũng cần phải có khả năng dự phòng tốt để đảm bảo cung cấp điện ổn định.

Thực hiện xanh hóa và giảm phát thải trong sản xuất đang là nhiệm vụ quan trọng của các doanh nghiệp, vậy Công ty TNHH Schaeffler Việt Nam đã thực hiện kế hoạch này như thế nào, thưa ông?

Tập đoàn Schaeffler đã xây dựng tầm nhìn dài hạn, thực hiện theo phương châm phát triển bền vững lâu dài tại Việt Nam. Do đó chúng tôi luôn hướng đến kết quả thành công về mặt kinh tế và nhận thức về các vấn đề xã hội, môi trường luôn song hành cùng nhau trong quá trình kinh doanh và sản xuất. Trong đó, phát triển bền vững là một trong bốn giá trị cốt lõi của Schaeffler và là yếu tố then chốt trong lộ trình đến năm 2025 của Tập đoàn.

Chiến lược phát triển bền vững của Schaeffler dựa trên 3 mảng chính xuyên suốt toàn bộ chuỗi giá trị bao gồm: Mua hàng xanh, sản xuất xanh, và sản phẩm xanh (Green purchasing – Green production – Green products).

a2.jpg
Công ty Schaeffler Việt Nam

Mua hàng xanh: Sử dụng nguồn cung ứng bền vững, sử dụng có trách nhiệm các vật liệu quan trọng và đảm bảo quyền con người là những vấn đề cốt lõi. Bên cạnh đó, Schaeffler hợp tác với các nhà cung cấp để quản lý lượng khí thải carbon. Cụ thể hơn, tại Schaeffler, thép là nguyên liệu đầu vào quan trọng nhất trong sản xuất. Vì vậy, chúng tôi xem đây là yếu tố then chốt trong việc giảm phát thải CO2. Schaeffler đã ký kết thỏa thuận sẽ bắt đầu mua 100.000 tấn thép cuộn mỗi năm từ H2 Green Steel (H2GS), một công ty của Thụy Điển. H2GS không sử dụng nguyên liệu hóa thạch trong quá trình sản xuất, vì vậy thép của họ gần như không có phát thải carbon. Thông qua thỏa thuận mua thép từ H2GS, Schaeffler dự định giảm lượng khí thải CO2 hàng năm xuống 200.000 tấn.

Sản xuất xanh: Schaeffler tập trung cải tiến các quy trình sản xuất hiệu quả để giảm thiểu tiêu thụ tài nguyên, chuyển đổi nhanh chóng sang sử dụng năng lượng tái tạo. Tại Schaeffler Việt Nam, chúng tôi đang tiến hành lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời trên mái nhà máy với công suất khoảng 2.12 MW, đáp ứng khoảng 20% nhu cầu năng lượng hàng ngày, cắt giảm việc sử dụng nước sạch, cùng với việc thực hiện an toàn lao động cũng được coi là một yếu tố rất quan trọng trong sản xuất bền vững.

Về sản phẩm xanh, Schaeffler cũng áp dụng các nguyên tắc của kinh tế tuần hoàn để tạo ra các sản phẩm có thể tái sử dụng hoặc tái chế.

Vậy, ông có khuyến nghị hay đề xuất nào giúp cho lộ trình chuyển dịch năng lượng được thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, đồng thời cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam được phát triển bình đẳng, minh bạch?

Dựa trên kinh nghiệm của Schaeffler tại nhiều nơi trên thế giới, tôi nghĩ rằng Việt Nam có thể cân nhắc đến ba khía cạnh gồm:

Một là, đầu tư cơ sở hạ tầng: Phát triển hạ tầng mạnh mẽ để hỗ trợ việc tối ưu hoá nguồn năng lượng tái tạo, giúp tiếp cận năng lượng tái tạo dễ dàng. Cụ thể như việc phát triển đồng bộ hệ thống lưới điện thông minh, tăng cường khả năng truyền tải và phân phối điện năng, đặc biệt là từ các khu vực tập trung nhiều dự án năng lượng tái tạo. Đầu tư vào các hệ thống lưu trữ năng lượng quy mô lớn để giải quyết vấn đề biến động của nguồn điện tái tạo, đảm bảo cung cấp điện ổn định cho hệ thống. Đây đều là những hướng đầu tư rất cần thiết để hiện thực hóa chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sạch của doanh nghiệp.

Hai là, xây dựng năng lực và phát triển kỹ năng quản lý về năng lượng cho các doanh nghiệp tại Việt nam đặc biệt các doanh nghiệp SME. Đầu tư vào các chương trình đào tạo và xây dựng năng lực quản lý năng lượng, chuyển đổi năng lượng sạch cho các doanh nghiệp giúp doanh nghiệp lựa chọn công nghệ phù hợp và việc chuyển đổi thành công và nhanh chóng. Điều này cũng sẽ giúp tạo ra việc làm và thúc đẩy kinh tế địa phương.

Ba là, ổn định chính sách vĩ mô theo hướng khuyến khích và ưu đãi các doanh nghiệp chủ động chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo. Việc thiết lập các chính sách năng lượng ổn định và có thể dự đoán là vô cùng quan trọng. Doanh nghiệp cần các hướng dẫn rõ ràng và cam kết dài hạn từ phía Chính phủ để có thể đưa ra các quyết định đầu tư hợp lý, điều này bao gồm các quy định và ưu đãi nhất quán cho các dự án năng lượng tái tạo.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Điện mặt trời mái nhà còn khó khăn với doanh nghiệp sản xuất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO